Mùa gió nam

Thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, ngồi nhà lục sách cũ ra đọc, tôi gặp lại mấy câu thơ của Đỗ Chu Thăng:

“Đường xe đạp gió nam cồ thổi ngược

Đứa con đèo đằng trước

Nón quàng ghi đông, búi tóc bay bay”

(Về thăm mẹ, thơ Đỗ Chu Thăng)

Mùa gió năm nay, mới đầu tháng bảy mà đã tăng tốc rượt đuổi nhau suốt ngày. Nhưng mẹ tôi ít phàn nàn hơn mọi năm vì câu nói cứ nửa chừng lại ngã sang hướng khác: “Ghét cái gió nam cồ cứ lùa lá tre vô sân, vừa quét đổ xong là cái khác lại ùa vào…; mà biết đâu gió nam mạnh lên cho bớt lây lan dịch bệnh”.

Tôi nghe mà mừng thầm, mong sao điều ước của mẹ thành sự thật; dòng suy nghĩ bâng quơ cứ mở dần, lý do mẹ nói là vì gió nam cồ vừa mạnh vừa khô mà ở quê mình giữa ban ngày nhà nào cũng cửa ngõ toang hoác; gió tự động luồn vô rồi lại đi ra; gió đập tàu chuối sau hè te tua như răng lược; quật hàng tre cúi xuống bật lên đánh rơi hết mấy chùm lá xanh. Cây măng vươn lên một mình dễ bị gió nam bẻ gãy; dù nuối tiếc nhưng chỉ cần khều xuống là bữa cơm có thêm món măng tươi, loại măng đọt này chỉ cần xắt mỏng đem luộc, chấm với muối mè, thêm món ngon trong thời gian giãn cách…

Người đi bộ gặp lúc gió nam thổi mạnh cũng chới với; nếu đi ngược chiều gió phải cúi đầu, vịn áo; nhìn mấy chị đạp xe chở bao rau, bó cỏ..., tay lái không vững cứ quanh qua đảo lại, mà lo.

Gió nam thổi càng mạnh càng nóng chứ không mát như những mùa gió khác, cảm giác như gió vừa ngang qua những đám cháy rồi mới đến nơi này. Vậy mà, gió bất ngờ đứng lại (đưng gió) ta càng khó chịu hơn, nên nhiều đêm mùa hè cứ phải thức khuya vì đầu hôm trời hay “đưng gió”.

Quê hương “đất Phú trời Yên”, được thiên nhiên ban tặng “cái gió chuyên cần” cả bốn mùa. Riêng những ngày cuối hạ gió lại nhiệt tình, sôi nổi, phô trương sức mạnh, lớn lên thành “nam cồ” - đoạn điệp khúc của gió tây nam (gọi ngắn là gió nam).

Mới sớm tinh mơ mở cửa bước ra thềm đã nghe tiếng gió xào xạc lớn dần theo bước chân ra vườn. Gió lắc lay hàng tre, những thân cây chạm vào nhau phát âm ken két kẽo kẹt kỳ kèo như một loại nhạc cụ tự nhiên.

Qua một đêm dài xốc xới, gió đưa vô sân cả vồng lá khô. Mẹ nói: mùa này là mùa hao chổi!

Vậy mà, khi còn tuổi học trò cứ mong chờ gió nam mạnh lên để được thêm chữ “cồ” (nam cồ). Vì đó là thời điểm đất trời trở mình, đánh rơi cái nắng gay gắt của mùa hạ để bước sang thu; cho niềm vui rạo rực không khí tựu trường... Lúc đi bộ ôm cặp thủng thỉnh đến trường làng, tôi cứ liên tưởng gió nam như những chuyến xe tốc hành, bất ngờ dừng lại làm chao rung, đánh rơi những giọt nước trên mui. Nghe người lớn nói: mưa này là mưa “ngoi nam”.

Dọc theo ký ức tuổi thơ, tôi đã chia gió nam ra từng phần. Nam non đầu mùa là của mẹ, mẹ nhổ cỏ cấy dặm trên đồng hứng ngọn gió mát lành; cùng bà con đang mùa cấy dặm dưới cái nắng vừa phải có nam non phây phẩy nhẹ nhàng cho người khỏe ra, muốn làm cho xong hết việc rồi hẳn về. Rồi sau đó gió cứ mạnh dần lên, gió chạy ầm ào sau hè, hất rơi tàu cau lộp bộp; dây đồ phơi bên thềm giếng nếu không kẹp chặt, chưa khô đã bị gió đưa xuống đất… gió mạnh như thế đấy chính danh “nam cồ”. Nam cồ là của cha vì cha phải vất vả với bao công việc cấp bách... Gió thổi xốc xới, dựng đứng mấy tấm tranh chái bếp, chuồng bò…, để lộ những khoảng không thấy cả bầu trời; phải khắc phục kịp thời trước cơn mưa nên năm nào cha cũng chuẩn bị trước mấy tấm tranh với bó lạt tre trên gác bếp.

Nam cồ rốc ráp chừng vài tuần rồi cũng hết năng lượng, khi chậm lại sẽ văng ra những hạt mưa lay bay trong gió, ngang qua không gian mùa thu đang chớm rất dịu dàng. Mưa ngoi nam là lúc học trò bắt đầu rủ nhau đến trường; mấy cô cậu đầu cấp cứ râm ran, rạo rực, đi tới cổng trường mới rồi lại quay về… Mưa vừa ướt áo đã bắt đầu khô, mưa đủ mềm những tà áo trắng còn thơm mùi vải mới nên tôi chia phần “ngoi nam” là của học trò. Nhưng trong ký ức còn có cả nam cồ lúc đạp xe ngược chiều như thách thức cùng nhau dồn lên đôi chân mà tiến tới…

“Thương cánh cò bay lả

Thương ngọn gió nam cồ”

(Thơ Đỗ Chu Thăng).

NGÔ TRỌNG CƯ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/262430/mua-gio-nam.html