Mưa giông làm 3 người bị thương, gần 2.000 nhà bị hư hỏng

Trong khi các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn đang triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa đá, dông lốc xảy ra tối 17 rạng sáng 18/4, thì đợt mưa dông mới xảy ra từ đêm 19/4 đến ngày 20/4, tiếp tục gây thiệt hại thêm nhiều tài sản của người dân.

Trong khi chưa khắc phục xong hậu quả mưa dông ngày 18/4, nhiều địa phương tiếp tục hứng chịu đợt dông lốc mới hơn 1.800 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Trong ảnh: Cán bộ Đồn Biên phòng Pha Long, BĐBP tỉnh Lào Cai phối hợp với chính quyền và người dân xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương khắc phục hậu quả thiên tai cho các hộ dân trên địa bàn xã Tả Ngài Chồ. Ảnh: CTV

Trong khi chưa khắc phục xong hậu quả mưa dông ngày 18/4, nhiều địa phương tiếp tục hứng chịu đợt dông lốc mới hơn 1.800 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Trong ảnh: Cán bộ Đồn Biên phòng Pha Long, BĐBP tỉnh Lào Cai phối hợp với chính quyền và người dân xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương khắc phục hậu quả thiên tai cho các hộ dân trên địa bàn xã Tả Ngài Chồ. Ảnh: CTV

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, mưa dông, lốc từ đêm 19 đến 20/4 tại các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng, Sơn La và Bắc Kạn đã làm 3 người bị thương, hơn 1.800 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái. Trong đó, tỉnh Cao Bằng bị thiệt hại nặng nhất với hơn 900 nhà ở bị tốc mái, tiếp đến là Sơn La có 337 nhà bị hư hỏng.

Về nông nghiệp, thống kê nhanh của các địa phương nói trên có hơn 515 ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng, thiệt hại. Cụ thể: Lào Cai 3,21ha, Tuyên Quang 54ha, Bắc Kạn 102,65ha, Yên Bái 224,7ha; Cao Bằng 131,38ha. Do ảnh hưởng của dông lốc, 16 chuồng trại của người dân bị tốc mái, 2 con gia súc bị chết và một số diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hại.

Ngoài ra, dông lốc còn làm 5 điểm trường bị tốc mái, đổ cổng; 1 cầu treo (Bắc Kạn), 3 cột điện bị ảnh hưởng (Lào Cai 2, Bắc Kạn 1); 18 công trình dân sinh, 1 nhà xưởng, 1 hội trường thôn bị hư hỏng. Huyện Phù Yên (Sơn La) mất điện toàn huyện do hư hỏng nặng hệ thống đường điện 110 và ách tắc một số điểm Quốc lộ 37, 43 do cây đổ.

Giá trị thiệt hại kinh tế do dông lốc gây ra cho các địa phương kể trên uớc tính khoảng 6,386 tỷ đồng. Ngay sau thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thành, BĐBP Tiền Giang vận chuyển nước uống và nước sinh hoạt tặng người dân đang chịu ảnh hưởng của hạn mặn kéo dài thuộc xã Tân Thành, xã Tân Điền huyện Gò Công Đông. Ảnh: Đặng Quốc Cường

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thành, BĐBP Tiền Giang vận chuyển nước uống và nước sinh hoạt tặng người dân đang chịu ảnh hưởng của hạn mặn kéo dài thuộc xã Tân Thành, xã Tân Điền huyện Gò Công Đông. Ảnh: Đặng Quốc Cường

Trong khi đó, tình hình xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa cải thiện. Xu thế xâm nhập mặn trong ngày 21/4/2024 với chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các cửa sông chính như sau: sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: 90-120km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: 40-50km; sông Hàm Luông: 50-55km; sông Cổ Chiên: 40-45km; sông Hậu: 40-50km; sông Cái Lớn: 45-55km. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức cao hơn độ mặn cao nhất tháng 4/2023. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Cấp 2.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mua-giong-lam-3-nguoi-bi-thuong-gan-2000-nha-bi-hu-hong-post474978.html