'Mùa' hài Tết - ngóng kịch bản hay

Các sản phẩm giải trí hài vẫn không thể thiếu và luôn được mong đợi mỗi dịp Tết đến Xuân về. Để đáp ứng nhu cầu của đông đảo khán giả, các nhà sản xuất đang tích cực cho ra mắt những sản phẩm hấp dẫn với tiếng cười sảng khoái. Tuy nhiên, để có được 'mùa' hài Tết chất lượng vẫn còn là câu chuyện dài...

Không biết từ bao giờ, thời điểm cuối năm, thị trường giải trí có thêm một mùa nữa đó là "mùa hài Tết" với không khí vô cùng nhộn nhịp. Nhất là từ khi công nghệ thông tin phát triển, các mạng xã hội được sử dụng rộng rãi thì mùa hài Tết lại càng sôi động, thay đổi theo nhiều phương thức khác nhau. Năm nay, Tết Nguyên đán đến khá muộn, được cho là thuận lợi để các nhà sản xuất chương trình giải trí, các sản phẩm hài có thêm thời gian đầu tư kỹ lưỡng hơn. Vì vậy, giờ là thời điểm các sản phẩm hài rục rịch ra mắt hoặc gấp rút hoàn thiện trước ngày Tết Nguyên đán.

Bộ ba nhân vật quen thuộc trong chương trình “Gặp nhau cuối năm”.

Bộ ba nhân vật quen thuộc trong chương trình “Gặp nhau cuối năm”.

Trong số các chương trình giải trí hài hước diễn ra vào dịp Tết thì "Táo quân" vẫn luôn là một trong những chương trình được mong đợi nhất. Tuy nhiên, sau 20 năm ra mắt, bản thân chương trình cũng đang trong quá trình đổi mới từ nội dung đến hình thức và ê kíp thực hiện. Những năm trở lại đây, việc có hay không chương trình Táo quân, kịch bản thế nào, ai tham gia… vẫn luôn tốn giấy mực của báo giới và khơi gợi sự tò mò trong công chúng.

Từ những nghệ sĩ tên tuổi, làm nên "thương hiệu" của "Táo quân" như NSND Quốc Khánh, NSƯT Chí Trung, NSND Xuân Bắc, NSND Công Lý, NSND Tự Long, nghệ sĩ Vân Dung… thì gần đây đã ít nhiều có sự xuất hiện của những gương mặt mới. Năm nay, chương trình Táo quân vẫn còn là một ẩn số và trước khi công khai chính thức có khá nhiều thông tin khác nhau. Có thông tin cho rằng NSND Trần Lực được chọn là đạo diễn chương trình. Ngoài ra, mạng xã hội cũng xôn xao việc NSƯT Thái Sơn được mời đóng vai cô Đẩu trong Táo quân 2024 thay cho NSND Công Lý vống "đóng đinh" với nhân vật này tới suýt soát 20 năm. Ngoài ra, còn có thông tin nghệ sĩ Thanh Hương lần đầu tiên xuất hiện trong Táo quân với nhân vật mẹ Đốp…

Thực tế, từ năm 2022, khi NSND Công Lý gặp vấn đề về sức khỏe, NSND Xuân Bắc quá bận với vai trò quản lý thì "Táo quân" đã không quy tụ đủ bộ ba linh hồn của chương trình. Vì thế, hai nhân vật Nam Tào - Bắc Đẩu được truyền lại cho 2 diễn viên là Duy Nam và Trung Ruồi. Thời gian gần đây, có khá nhiều ý kiến bàn luận xung quanh việc chương trình tiếp tục hay dừng lại, đổi mới về nội dung của mỗi năm… Tuy nhiên, chính sự xôn xao này cho thấy đây vẫn là một chương trình thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, đặc biệt là khán giả các địa phương, nơi không có nhiều cơ hội thưởng thức các chương trình giải trí. Ngoài ra, với lịch sử 20 năm ra đời, rõ ràng Táo quân đã trở thành một phần quen thuộc của nhiều gia đình trong đêm tất niên.

Tham gia vào thị trường hài Tết không thể không kể tới những phim truyền hình ngắn tập và phim phát hành trên mạng. Cho đến thời điểm này, những sản phẩm của mùa hài Tết 2024 cũng đã bắt đầu rục rịch ra mắt. "Đại gia chân đất" do Hãng phim Bình Minh của đạo diễn Trần Bình Trọng sản xuất có mặt khá sớm trên thị trường từ cuối tháng 12/2023. Thay vì phát hành trên băng, đĩa như trước đây, phim chuyển phát trên kênh Youtube. Vẫn tiếp nối câu chuyện giữa ông Tích (NSND Trung Hiếu thủ vai) và ông Sự (NSƯT Tiến Quang - Quang "Tèo") với những tình huống dở khóc dở cười phát sinh hậu COVID-19. Câu chuyện về chạy dự án, những mánh khóe nhằm trục lợi trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng điện đường trường trạm… cùng nhiều tình huống tréo ngoe mang lại những tiếng cười đầy suy ngẫm với người xem. Một điểm nhấn ở "Đại gia chân đất" lần này là có sự góp mặt của NSƯT Hoàng Hải, người gần đây gây ấn tượng với công chúng qua nhiều vai diễn mang dấu ấn riêng.

Song song với "Đại gia chân đất" thì bộ phim "Làng ế vợ" cũng được ê kíp của đạo diễn Trần Bình Trọng tập trung sản xuất. Ngoài ra, bộ phim "Điều ước của cha" là sản phẩm của đạo diễn Hoàng Thành Long với thông điệp là đừng vì sự sĩ diện hão mà làm khổ bố mẹ. Bên cạnh đó, những người làm cha, mẹ cũng hãy biết yêu thương con mình một cách đúng mực. Phim có sự tham gia của Linh miu, Jimmii Khánh, Thành Long… đặc biệt là sự quay trở lại của diễn viên Hiệp Gà. Ngoài ra, "Long phụng sum vầy" cũng là phim truyền hình được chiếu dịp Tết Nguyên đán trong đó cùng với việc giới thiệu nghệ thuật múa rồng truyền thống là những chi tiết hài hước, thư giãn…

Mùa hài kịch năm nay còn có sự góp mặt của chương trình "Tết vạn lộc". Chương trình bao gồm 3 tiểu phẩm: "Tiếp thị cao cấp" (kịch bản Toàn Thắng) do các nghệ sĩ Vượng Râu, Chiến Thắng và Thanh Tú thể hiện. Tiểu phẩm "Chuyện cuối năm" (kịch bản Lê Chí Trung) có sự tham gia của các nghệ sĩ Chí Trung, Minh Hằng, Quang Tèo, Hiệp Vịt nói về nỗi niềm của những quan chức về hưu mong đồng nghiệp, nhân viên cũ đến thăm như thời còn đương chức. "Bao Công kỳ án" do nghệ sĩ Bảo Chung, Tấn Hoàng đảm nhiệm. Là chương trình kết hợp cả âm nhạc và hài kịch, "Tết vạn lộc" hứa hẹn thu hút được đông đảo công chúng.

Một cảnh trong tiểu phẩm “Tiếp thị cao cấp”.

Một cảnh trong tiểu phẩm “Tiếp thị cao cấp”.

Ở lĩnh vực ca nhạc có sự tham gia của các ca sĩ nổi tiếng như NSND Thu Hiền, NSND Thúy Hường, ca sĩ Ngọc Sơn, Hương Lan… Vài năm trở lại đây, "Xuân phát tài" cũng là chương trình được tổ chức thường niên. Nội dung chương trình vẫn như mọi năm là bao gồm các nhóm hài nổi tiếng Nam - Bắc cùng một số ca sĩ tên tuổi. Tuy nhiên, theo phía nhà sản xuất, chương trình có sự xuất hiện của những gương mặt mới như nhóm hài Trung Ruồi -Thái Sơn - Cường Cá... Còn "Lộc xuân 3" của nhà biên kịch Phạm Thanh Hà lại mượn câu chuyện ở một ngõ xóm để tôn vinh những giá trị xưa cũ, đề cao tình người nhưng không thể thiếu những tiếng cười sảng khoái, vui vẻ…

Thực ra, "Tết vạn lộc" và "Xuân phát tài" có mô típ hơi giống nhau là sự kết hợp giữa hài kịch và âm nhạc. Sự kết hợp này tuy không thật đặc sắc nhưng có ưu điểm là tính giải trí cao và phù hợp với nhiều đối tượng khán giả. Bên cạnh những tiểu phẩm hài là những tác phẩm âm nhạc có giai điệu tươi vui phù hợp với không khí những ngày đầu xuân. Hai chương trình đều của các nhà sản xuất tư nhân, có sự đầu tư lớn về kinh phí nên có thể hội tụ được đông đảo nghệ sĩ nổi tiếng ở cả 2 miền. Các chương trình này cũng đều tiến hành ghi hình có khán giả xem trực tiếp sau đó mới biên tập rồi phát sóng.

Mặc dù các nhà sản xuất không ngừng đầu tư, đổi mới để mang đến những điểm thú vị cho các sản phẩm hài Tết nhưng chưa có những khác biệt đột phá. Nhìn vào những sản phẩm hài tết đã và đang thực hiện trong năm nay thấy rõ sự khan hiếm kịch bản hay, phản ánh những vấn đề nóng hổi của đời sống một cách sâu sắc, chí lí. Đạo diễn Trần Bình Trọng, người được biết đến với seri phim hài "Đại gia chân đất" và "Làng ế vợ" cũng đã tiết lộ trên báo việc từng có ý định tạm nghỉ làm phim Tết một thời gian vì cạn ý tưởng.

Sự thay đổi về thói quen giải trí của khán giả sau đại dịch trong sự phát triển như vũ bão của công nghệ cũng đã khiến các nhà sản xuất thay đổi phương thức ra mắt khán giả. Thay vì in ra băng, đĩa, hay đợi phát sóng truyền hình thì từ "Làng ế vợ", "Đại gia chân đất" đến "Điều ước của cha" đều phát trên kênh Youtube. Đây được đánh giá là xu hướng dễ tiếp cận với nhiều người, đặc biệt những ai có nhiều thời gian sinh hoạt tại nhà.

Thực tế, các sản phẩm hài Tết đều "sống được" nhờ sự tài trợ của các doanh nghiệp, các nhãn hàng. Nhưng từ các sản phẩm hài ra mắt gần đây như "Đại gia chân đất", thấy rõ tình trạng xuất hiện nhiều đến phản cảm của các nhãn hàng trong nội dung. Thậm chí nhiều bộ phim, chương trình không khác gì một nồi lẩu thập cẩm của các nhãn hàng. Các sản phẩm xuất hiện vô tư trong các cảnh quay, các câu thoại của nhân vật khiến bộ phim như một clip quảng cáo kéo dài. Khi áp lực của nhà tài trợ vẫn đè nặng lên nhà sản xuất thì thật khó có được những mùa hài Tết thật sự thú vị, đậm tính nghệ thuật.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/mua-hai-tet-ngong-kich-ban-hay-i719854/