Mùa hè khắc nghiệt 2023: Cả thế giới điêu đứng bởi biến đổi khí hậu…
Nắng nóng kỷ lục ở châu Âu, lượng mưa kỷ lục ở châu Á - thế giới đang trải qua một mùa hè khắc nghiệt chưa từng có, mà nguyên do, chỉ bởi một cụm từ duy nhất: Biến đổi khí hậu.
Thậm chí, Tổng Thư ký Liên hợp quốc còn cảnh báo biến đổi khí hậu đang nằm ngoài tầm kiểm soát, thế giới có nguy cơ đối mặt với tình huống thảm khốc.
Mưa lớn quần thảo nhiều quốc gia châu Á
Ngày 10/7 vừa qua, giới chức Ấn Độ và truyền thông địa phương cho biết, mưa lớn xuất hiện tại miền bắc nước này đã khiến ít nhất 22 người thiệt mạng. Thủ đô New Delhi ngày 9/7 ghi nhận lượng mưa 153mm/ngày, mức cao nhất trong tháng 7 của 40 năm qua. Những trận mưa như trút đã buộc các trường học trên toàn khu vực phải đóng cửa trong nhiều ngày. Mực nước trên sông Yamuna của Delhi vào ngày 12/7 được ghi nhận là 207,55m, vượt mức lũ cao nhất (HFL) là 207,49m, lần đầu tiên kể từ năm 1978. Báo Times of India đưa tin, ít nhất 22 người đã thiệt mạng do ngập úng và sạt lở tại các bang miền bắc Himachal Pradesh, Uttarakhand, Uttar Pradesh, Jammu-Kashmir và Punjab.
Gần như cùng thời điểm, mưa lớn cũng gây nhiều thiệt hại tại Hàn Quốc. Các nhà chức trách Hàn Quốc cho biết tính đến cuối ngày 17/7, mưa lớn gây lũ lụt và sạt lở đất đã làm 39 người thiệt mạng, 9 người mất tích và hơn 10.000 người phải đi sơ tán. Theo Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc, tính đến ngày 16/7, gần 20.000ha đất nông nghiệp đã bị ngập và hơn 561.000 gia súc và gia cầm bị chết hoặc cuốn trôi. Do mưa lớn, các nhà chức trách cũng đã ban hành lệnh cấm đối với 220 con đường và tạm ngừng khai thác tuyến đường sắt cho đến ngày 17/7.
Tại Trung Quốc, ngày 5/7, nhà chức trách Trung Quốc đã phải ban bố cảnh báo cam về nguy cơ xảy ra thảm họa địa chất do mưa lớn kéo dài. Mưa lớn ở Trùng Khánh là một trong những thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc trong năm 2023. Giới chức Trung Quốc cũng cho biết khoảng 85.000 người phải sơ tán trước nguy cơ lở đất và lũ quét xảy ra ở nhiều khu vực trên cả nước, đặc biệt là miền núi.
Nắng nóng cực độ làm điêu đứng nhiều nơi
Điều trớ trêu là tại Trung Quốc những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7/2023, trái với những trận mưa lớn phía Tây Nam, nhiều khu vực khác lại ghi nhận tình trạng nắng nóng bất thường. Theo tờ Beijing Evening News, trong tháng 6/2023 vừa qua, Bắc Kinh đã trải qua tổng cộng 14 ngày ghi nhận nhiệt độ trên 35 độ C, bằng với mức cao kỷ lục hồi tháng 7/2000. Trung Quốc cũng thông báo mức nhiệt cao kỷ lục vào giữa tháng 7 ở khu vực Tây Bắc nước này - nơi nhiệt độ lên tới 52,2 độ C ở làng Sanbao, thuộc Khu tự trị Tân Cương (Xinjiang).
Nhật Bản cũng đang trải qua những ngày nóng nực tại nhiều khu vực trong khi một số nơi phải hứng chịu mưa lớn. Một số nơi tại Nhật Bản ngày 16/7 đã trải qua mức nhiệt cao nhất trong 4 thập niên. Giới chức Nhật Bản đã ban hành cảnh báo về sốc nhiệt đối với hàng chục triệu người tại 20 trong tổng số 47 tỉnh tại nước này.
Tại Mỹ, cái nóng cũng khủng khiếp không kém. Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS), nhiệt độ tại một số vùng sa mạc của Mỹ đã vượt 120 độ F (48,8 độ C) vào ban ngày và duy trì trên 90 độ F (32,2 độ C) vào ban đêm. Thung lũng Chết ở California trong ngày 16/7 có nhiệt độ lên tới 128 độ F (53,33 độ C). Chính quyền một loạt bang của Mỹ như California, Nevada, Arizona, New Mexico, Louisiana, Texas, Arkansas, Mississippi, Alabama, Oklahoma và Florida đã ban bố cảnh báo nắng nóng nghiêm trọng cùng với các hướng dẫn để đảm bảo sức khỏe và an toàn của người dân.
Đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ tăng cao kỷ lục đang càn quét châu Âu. Những ngày trung tuần tháng 7 này, các vùng của Tây Ban Nha, Pháp, Hy Lạp, Croatia và Italy đều đang trải qua nắng nóng gay gắt, nhiệt độ tăng trên 40 độ C. Ngày 17/7, nhiệt độ đã lên tới 40 độ C tại 60% diện tích lãnh thổ của Italy. Đặc biệt, Liên hợp quốc (LHQ) thông báo mức nhiệt 48,8 độ C ghi nhận trên đảo Sicily của Italy ngày 11/8/2021 là mức nhiệt cao kỷ lục mới ở châu Âu.
“Biến đổi khí hậu đang vượt ngoài tầm kiểm soát”
Đó là cảnh báo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres trước những hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan diễn ra ngày càng phổ biến tại nhiều khu vực trên thế giới. “Nếu chúng ta tiếp tục trì hoãn các biện pháp quan trọng cần thiết, tôi nghĩ rằng chúng ta đang bước vào một tình huống thảm khốc” - ông Antonio Guterres cảnh báo. LHQ trước đó cũng đã nhiều lần cảnh báo biến đổi khí hậu là mối hiểm họa đối với nhân loại, có thể khiến tương lai con người chìm trong nghèo đói và đối mặt loạt hệ lụy nghiêm trọng khác.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Diana Francis - đứng đầu phòng thí nghiệm khoa học môi trường và địa vật lý tại Đại học Khalifa ở Abu Dhabi cho biết sự nóng lên toàn cầu đang tăng nhanh ngoài tầm kiểm soát và các dấu hiệu của điều này đã được quan sát thấy ở nhiều nơi trên thế giới, từ nhiệt độ khắc nghiệt ở Mỹ, đến lũ lụt nghiêm trọng ở Tây Ban Nha và mức băng biển thấp nhất được ghi nhận. Giám đốc dịch vụ khí hậu của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), ông Christopher Hewitt cảnh báo nhiều kỷ lục thế giới về thời tiết cực đoan có thể bị phá vỡ trong thời gian tới, với hiện tượng El Nino có thể kéo dài và gây tác động cho đến năm 2024.
Chuyên gia cấp cao của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) John Nairn cũng cảnh báo thế giới cần sẵn sàng đối mặt với đợt sóng nhiệt dữ dội hơn nữa. Ông dự báo tuy hàng loạt nước đã ghi nhận nhiệt độ kỷ lục trong những ngày này, song khả năng cao các kỷ lục này sẽ bị phá vỡ lần nữa trong thời gian tới.
Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas thì nhấn mạnh: “Thời tiết cực đoan đang tác động mạnh đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, nền kinh tế, nông nghiệp, năng lượng và nguồn cung cấp nước”.
Thực tế ấy ngày càng khẳng định tính cấp thiết của việc nhanh chóng cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, cắt giảm như thế nào lại vẫn luôn là đề tài tranh cãi bất tận trong vô số những cuộc họp bàn về biến đổi khí hậu từ trước tới nay.