Mùa hè khắc nghiệt ở Bắc bán cầu

Do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), các hiện tượng thời tiết cực đoan đã xảy ra và gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều khu vực ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) vừa cho biết, các đợt sóng nhiệt gây cháy rừng và lũ lụt do mưa lớn đã quét qua toàn bộ Bắc bán cầu trong mùa hè năm nay, khiến hàng trăm người thiệt mạng và phá hủy nhiều nhà cửa. Báo cáo của WMO nêu rõ tình trạng BĐKH do con người gây ra đã khiến những hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên nghiêm trọng hơn, tàn phá nhiều khu vực ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Theo AFP, tính đến ngày 16-7, tổng cộng ít nhất 153 người đã thiệt mạng trong đợt mưa, lũ lịch sử vào những ngày qua tại Tây Âu. Riêng số người thiệt mạng ở Đức đã lên tới 133 người. Đây là con số tử vong vì thảm họa thiên nhiên lớn nhất tại nước này trong gần 60 năm qua. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết, ông bị "choáng" vì sự tàn phá khủng khiếp của lũ lụt và kêu gọi hỗ trợ các gia đình nạn nhân. Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi đây là thảm kịch quốc gia, đồng thời cam kết rằng, Chính phủ Đức sẽ làm hết sức có thể để ứng cứu người dân, ngăn chặn các nguy cơ và giải quyết hậu quả đợt mưa, lũ.

Trong khi đó, tại Bỉ, ít nhất 20 người bị thiệt mạng vì mưa, lũ. “Ngày hè đáng lẽ phải tươi đẹp bỗng chốc trở thành những ngày u tối và buồn bã đối với nhiều người dân. Chúng tôi chưa từng chứng kiến tình huống đặc biệt này trước đây”, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo phát biểu trong cuộc họp báo ngày 16-7, theo Reuters. Chính phủ Bỉ đã quyết định tổ chức quốc tang tưởng niệm các nạn nhân trong mưa, lũ vào ngày 20-7 và giảm quy mô tổ chức lễ kỷ niệm Quốc khánh Bỉ trong ngày 21-7 tới. Trung tâm chống khủng hoảng của Bỉ đang điều phối các nỗ lực cứu hộ, đồng thời kêu gọi người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng hạn chế đi lại.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân mất tích do mưa, lũ tại một khu vực bị ngập nước ở thị trấn Erftstadt (Đức). Ảnh: Reuters

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân mất tích do mưa, lũ tại một khu vực bị ngập nước ở thị trấn Erftstadt (Đức). Ảnh: Reuters

Sức tàn phá của những trận lũ lụt ở Tây Âu khiến giới khoa học không khỏi bàng hoàng khi BĐKH gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan vượt xa dự đoán. Ông Bernd Mehlig, quan chức môi trường ở bang North Rhine-Westphalia của Đức cho biết: “Thông thường, chúng tôi chỉ thấy mưa lớn như thế này vào mùa đông. Hiện tượng thời tiết với cường độ này là hoàn toàn bất thường trong mùa hè”.

Trong khi Tây Âu hứng chịu những trận lũ lụt nghiêm trọng thì Bắc Âu lại bị ảnh hưởng bởi một đợt nắng nóng kéo dài. Phần Lan đã trải qua tháng 6 nóng nhất từ trước đến nay. Vùng Kouvola Anjala ở miền Nam Phần Lan đã trải qua 27 ngày liên tiếp có mức nhiệt trên 25oC.

Miền Tây nước Mỹ và Canada cũng trải qua những ngày nắng nóng khủng khiếp hồi tháng 6 vừa qua. Cái nắng khắc nghiệt là nguyên nhân gây ra nhiều ca tử vong. Theo Cơ quan thời tiết và môi trường Canada, tại vùng Lytton cách thành phố Vancouver 250km về phía đông bắc, nhiệt độ trong ngày 30-6 đã có thời điểm đạt ngưỡng 49,5oC. Sau đợt nắng nóng kỷ lục, Mỹ và Canada tiếp tục phải đương đầu với cháy rừng. Các đợt sóng nhiệt kéo dài đã gây ra những vụ cháy rừng đặc biệt nghiêm trọng ở phía Tây của nước Mỹ, bao gồm các bang Oregon, California... và Canada. Trong ngày 15-7 vừa qua, giới chức Mỹ và Canada đã gấp rút sơ tán người dân tại các khu vực xảy ra cháy rừng. Các nhà khoa học nhận định, BĐKH là nguyên nhân gây ra các đợt nắng nóng bao trùm miền Tây nước Mỹ và Canada.

Đợt nắng nóng ở Mỹ và Canada cũng như trận lũ lụt lịch sử ở châu Âu là minh chứng cho thấy tác động ngày càng nghiêm trọng của BĐKH. Chính hoạt động của con người đã khiến nhiệt độ Trái Đất tăng cao, làm gia tăng các cơn bão, đợt nắng nóng cực đoan, gây hạn hán và cháy rừng. Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, tình trạng thời tiết khắc nghiệt có thể xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai với cường độ mạnh hơn.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/mua-he-khac-nghiet-o-bac-ban-cau-665675