Mùa hè và ruộng rộc

Quê tôi (Tây Hòa), đồng ruộng và xóm làng xen kẽ nên mùa hè, “tuổi thơ câu cá” khỏi phải đi xa. Cứ đến mùa “lúa trổ đầy đồng”, bông lúa rơi đóng bè dày mặt nước, đủ vững cho con ễnh ương ngồi luyện giọng là lũ nhỏ chúng tôi xôn xao chuẩn bị đi câu cá rô đồng. Cần câu của trẻ con chúng tôi được làm bằng thanh tre nhỏ gọn, dài chừng năm tấc; đa số trẻ con học từ lớp ba trở lên đều biết làm. Chiếc cần rất đơn giản, chỉ ba bộ phận chính: cần, cước và lưỡi, chứ không phức tạp như chiếc cần câu chuyên nghiệp được bán ngoài cửa hiệu như bây giờ.

Cả hai mùa lúa trổ đều dễ câu được nhiều cá, nhưng vụ mùa tháng ba, việc học hành đang tăng tốc nên cha mẹ hay nhắc chừng, làm mất hứng. Riêng mùa vụ tám, độ cuối tháng 7 gié lúa bắt đầu bung ra khỏi bụng đòng là cá rô cũng tung tăng cả đàn dọc theo đường nước. Nhưng phải là ruộng rộc, ruộng có nước ngập ống quyển cả vụ mùa thì cá mới nhiều. Ruộng gò, lúc ướt lúc khô cá nào chịu ở?!

Lúc còn tuổi học trò trường làng, khi thấy bông lúa trôi đầy trên mương nước, nắng chiều còn chói hắt qua song cửa sổ phía tây, là lục đục cần câu, giỏ la, mo dừa đựng trùn… thẳng tiến về phía ruộng rộc.

Ruộng rộc đựng nước tốt hơn ruộng thùng với ruộng gò. Nước từ những chân ruộng cao (ruộng gò) nghiêng mình đổ xuống mấy đám ruộng thùng. Ruộng thùng lại chắt nước đổ xuống ruộng rộc, dù chỗ cửa trổ đắp rất kỹ nhưng nước cứ tìm lỗ mậu chảy xuống đám thấp hơn. Ruộng cao nhiều khi nước về chưa kịp đã khô nứt nẻ, cá chạy về ruộng rộc không kịp, chết cạn hoặc dồn vào những chỗ trũng trong đường nước làm mồi cho cò, vạc, rắn nước…

Ruộng rộc, thấp hơn cả nên thường xuyên có nước ngập xăm xắp mé bờ, mát rượi; lại còn thêm lớp mùn rất dày nên lúa tốt, chứa đựng nhiều tôm cá. Tới mùa lúa trổ - mùa câu cá rô đồng, chỗ mấy đám rộc, trẻ nhỏ cầm cần câu nhấp nhô, đứng lên ngồi xuống như học sinh khởi động trước giờ học thể dục. Rất vui.

Câu cá rô đồng rất dễ, là một thú vui có sức hút mạnh mẽ đối với tuổi thơ ở miền quê. Đến mùa lúa trổ, chân ruộng rất mát vì gié lúa đã lợp kín, bông lúa rụng là nguồn thức ăn bổ dưỡng nên cá sinh sôi mạnh mẽ, con nào cũng béo mượt, mỡ màng. Câu cá rô đồng mồi là trùn nước bắt ngay trong những ụ đất gần bờ ruộng, cứ chụm đôi bàn tay cho vững, xắn mạnh xuống, lật giề đất lên là có trùn; có đứa vội vàng làm trốc gốc mấy bụi lúa đang trổ, chủ ruộng bắt gặp cũng có khi ăn đòn. Trước khi đặt cần câu, thường phải vạch lúa, tạo một khoảng trống bằng cái mũ để cá dễ thấy mồi và khi dính câu sợi cước không bị quấn vào gốc lúa.

Mỗi khi có cá dính câu, sợi cước rung rung, đầu cần nhịp nhịp, lan tỏa đến cánh tay, cảm giác hấp dẫn vô cùng, quên cả chiều tối, đường về…

Chắc là cá rô hảo món bông lúa nên mùa này cá rô vừa nhiều, vừa béo, thơm ngon khó tả. Cá rô đồng nướng dằm với mắm ngò hay lá é trắng làm nước chấm; kết hợp với đọt lang, rau dền hay rau muống luộc là món ăn bình dân mà ngon đến tuyệt đỉnh, vừa ăn vừa liếc mắt sợ không đủ cơm.

Ngày nay, ruộng đồng không nhiều cá như trước kia, có lẽ do nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá đà; sử dụng nhiều phương tiện bắt cá bằng xung điện, lờ dây, lờ cáo… Nhiều vùng ruộng rộc bị thu hẹp vì lũ lụt đẩy đất từ trên cao đổ xuống hay do vườn nhà nới rộng.

Nhưng dẫu sao chỗ mấy đám ruộng rộc vẫn còn một lượng cá rô đồng đủ để trẻ con chiều chiều cười vui chí chóe cùng với những chiếc cần câu bé xíu. Câu cá dọc theo bờ ruộng như một trò chơi vận động vừa rèn tính kiên nhẫn, vừa hít thở “hương đồng gió nội” để nuôi dưỡng tình yêu quê hương, ruộng lúa…

NGÔ TRỌNG CƯ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/244770/mua-he-va-ruong-roc.html