Mùa hội nghị cấp cao của ASEAN suôn sẻ dù thế giới trải qua một năm sóng gió
Hội nghị cấp cao ASEAN 2022 tại Campuchia vừa kết thúc thành công tốt đẹp với nhiều quyết định quan trọng được thông qua, bất chấp một năm nhiều sóng gió trên chính trường thế giới.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa tổ chức thành công kỳ hội nghị cấp cao, thông qua nhiều quyết định quan trọng, dù diễn ra gần thời điểm với các sự kiện quốc tế lớn và trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nghiêm trọng.
Những lo ngại về khủng hoảng kinh tế, an ninh lương thực, năng lượng, xung đột Nga-Ukraine, cạnh tranh giữa Mỹ-Trung, và vấn đề Myanmar khiến giới quan sát lo ngại về tương lai của kỳ hội nghị cấp cao ASEAN 2022 tại Campuchia. Tuy nhiên, hội nghị đã kết thúc khá thành công.
Dưới đây là một số dấu ấn sau kỳ hội nghị cấp cao ASEAN 2022, theo tờ South China Morning Post.
.Khủng hoảng Myanmar
Đây một trong những vấn đề được theo dõi chặt chẽ nhất của kỳ hội nghị năm nay. Tại thủ đô Phnom Penh, các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh sẽ thực hiện cam kết Đồng thuận 5 điểm (5PC) về khủng hoảng Myanmar một cách toàn diện.
ASEAN cũng sẽ hợp tác với đặc phái viên Liên Hợp Quốc để cùng nhau giải quyết vấn đề Myanmar.
Tiến trình hòa bình của Myanmar vẫn sẽ là một vấn đề khó khăn, nhưng có thể thấy nỗ lực rất lớn của ASEAN trong vấn đề này.
.Sự gia nhập của Ukraine vào hiệp ước TAC
Ngày 19-11, Ngoại trưởng Ukraine - ông Dmytro Kuleba đã ký Văn kiện gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) – một văn kiện của ASEAN thể hiện nguyên tắc hợp tác hòa bình, tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia.
Việc gia nhập của Ukraine vào TAC đưa nước này và Nga “ngồi chung” trong một khuôn khổ của ASEAN.
Mặc dù phạm vi địa lý của TAC chỉ giới hạn ở Đông Nam Á, nhưng có những điều khoản trong hiệp ước cung cấp hòa giải, điều tra giữa các bên ký kết. Tuy nhiên, không có khả năng Nga sẽ sử dụng hiệp ước này để giải quyết xung đột với Ukraine, ngay cả khi Ukraine theo đuổi TAC như một lựa chọn để giải quyết xung đột.
.Cấp tư cách thành viên cho Đông Timor
Các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí trên nguyên tắc thừa nhận Đông Timor là thành viên thứ 11 của khối, cấp cho nước này “tư cách quan sát viên”, sau 10 năm cân nhắc.
Mặc dù cần tuân theo lộ trình để trở thành thành viên chính thức cuối cùng của khối, nhưng Đông Timor sẽ được phép tham gia tất cả các cuộc họp của ASEAN với tư cách là quan sát viên, dù không có quyền biểu quyết.
.Nâng tầm quan hệ với Mỹ và Ấn Độ
Mỹ và Ấn Độ đã trở thành Đối tác chiến lược toàn diện thứ 3 và thứ 4 của ASEAN sau Trung Quốc và Úc. Diễn biến này thể hiện sự phát triển mạnh mẽ và thực chất trong quan hệ giữa ASEAN với hai cường quốc này.
Nhiều người kỳ vọng rằng vị thế mới sẽ giúp Mỹ và Ấn Độ tăng cường liên kết chiến lược đối với khối, bao gồm việc hỗ trợ ASEAN thực hiện Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).
Kỳ hội nghị này là lần thứ hai Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp các lãnh đạo ASEAN kể từ khi nhậm chức.
Trước thềm hội nghị, ông Biden nói: “Tham gia vào hội nghị này cho thấy cam kết mạnh mẽ và lâu dài của chúng tôi đối với khu vực. Từ tổng thống đến ngoại trưởng, toàn bộ chính phủ Mỹ biết rằng an ninh và thịnh vượng trong tương lai của Washington hoàn toàn phụ thuộc vào những gì xảy ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Về phía Ấn Độ, mặc dù Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không có mặt ở Phnom Penh, nhưng có nhiều kỳ vọng rằng New Delhi sẽ thể hiện vai trò lãnh đạo chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhất là sau động thái của rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) của ASEAN vào năm 2020.
Theo South China Morning Post, giờ là lúc để Ấn Độ hành động phù hợp với cam kết của mình.
.Thành công của Campuchia
Chuyên gia đánh giá Campuchia đã quản lý tốt sự cạnh tranh giữa các cường quốc.
Nước này đã tham gia và đồng chủ trì nhiều hội nghị, chủ động thuyết phục Myanmar trở lại bàn đàm phán ASEAN, đưa ra các tuyên bố kịp thời về nhiều vấn đề. Điều này phản ánh năng lực của Campuchia trong việc quản lý các cuộc đàm phán khó khăn.
Thành công của Campuchia vượt ra khỏi dự đoán của giới chuyên gia.
.Năm chủ tịch của Indonesia
Campuchia đã chuyển giao chiếc búa Chủ tịch ASEAN cho Indonesia.
Năm 2003, Jakarta đã hoàn thành xuất sắc cương vị chủ tịch ASEAN với nhiều thành công như ký kết tuyên bố Hòa hợp Bali III, đưa ra 3 trụ cột cho ASEAN là hợp tác chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội.
Trong năm chủ tịch 2011, Indonesia đã hòa giải tranh chấp chủ quyền giữa Campuchia và Thái Lan về Đền Preah Vihear.
Giới lãnh đạo Indonesia kỳ vọng rất cao vào hội nghị cấp cao ASEAN tiếp theo.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia - bà Retno Marsudi nói rằng ASEAN cần phải bắt đầu những cải cách quan trọng.
Chuyến thăm của Tổng thống Joko Widodo tới Nga và Ukraine để cố gắng tìm kiếm hòa bình, năm chủ tịch G20 của Indonesia đã báo hiệu mong muốn đưa ASEAN lên một tầm cao mới.
Ngoài ra, chức Chủ tịch ASEAN có thể sẽ là nỗ lực cuối cùng của ông Jokowi nhằm thể hiện khả năng lãnh đạo trước khi nước này tổ chức tổng tuyển cử năm 2024.
Theo chuyên gia, mọi ánh mắt sẽ đổ dồn về thủ đô Jakarta vào năm 2023.