Mùa khoai kết nối - mùa khoai nghĩa tình
ĐTO - Hơn 1 tuần qua, đi khắp các tuyến phố, ngõ hẻm sẽ không khó bắt gặp hình ảnh những anh, chị công nhân, viên chức... chở khoai về nhà. Những túi khoai dù giá trị chỉ vài chục ngàn đồng nhưng thật ý nghĩa và quý giá biết bao khi cộng đồng đang dang tay hỗ trợ nông dân trồng khoai lang của huyện Châu Thành vượt qua lúc khốn khó. Đặc biệt biến cố lần này cũng góp phần giúp người nông dân nhìn nhận lại để có sự sắp xếp quy trình sản xuất hướng đến phát triển đi vào chiều sâu và bền vững hơn...
Những túi khoai lang nghĩa tình
Sau giờ tan tầm, tôi chạy vội xuống ngã tư Đèn Dầu (khu chợ ẩm thực đêm lớn nhất của TP.Cao Lãnh) mua thức ăn cho gia đình. Nhìn trên xe tôi lỉnh kỉnh những túi khoai lang tím, cô bán cơm tấm liền hỏi: “Mua khoai lang ủng hộ nông dân phải không con? Mấy hôm nay xem báo, đài thấy nông dân khóc trên ruộng khoai mà cô không cầm được nước mắt. Vừa rồi đi chợ, cô cũng mua mấy bọc khoai tím về ăn và biếu hàng xóm xung quanh để ủng hộ bà con mình dưới Châu Thành...”. Dù cuộc trò chuyện khá ngắn ngủi nhưng trên suốt đoạn đường về nhà, trong tôi chen lẫn cảm xúc buồn vui. Buồn vì nông dân mình quá khó khăn và vui vì trong những lúc khốn khó tinh thần vì cộng đồng trong mỗi người lại trỗi dậy và trở thành nguồn năng lượng mạnh mẽ tiếp sức cho bà con nông dân vượt qua khó khăn.
Hơn 1 tuần qua, sau thông điệp kêu gọi ủng hộ tiêu thụ cho nông dân trồng khoai lang huyện Châu Thành, rất nhiều tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhiệt tình ủng hộ. Một trong những đơn vị đầu tiên hưởng ứng lời phát động của Sở Công Thương Đồng Tháp về hỗ trợ nông dân huyện Châu Thành tiêu thụ khoai lang là Hợp tác xã (HTX) đặc sản Đồng Tháp. Đơn vị này đã có nhiều sáng kiến và cách làm hay trong việc hỗ trợ nông dân tìm đầu ra cho khoai lang. Bà Bùi Thị Thanh Thủy - Giám đốc HTX đặc sản Đồng Tháp tâm sự: “Hơn 1 tuần qua, các thành viên của HTX gần như hoạt động hết công suất để hỗ trợ tiêu thụ khoai lang cho bà con nông dân ở huyện Châu Thành. Chúng tôi ai nấy cũng bận luôn tay, người thì trực đường dây nóng, người thì lên đơn hàng để đi giao cho khách, người thì làm “shipper bất đắc dĩ”... Ai nấy tranh thủ từng phút để làm công việc nhanh nhất có thể. Chúng tôi trân trọng từng đơn hàng vì chúng tôi hiểu rõ, trong giai đoạn khó khăn này tiêu thụ được dù là 1kg khoai cũng rất quý cho nông dân. Đến nay, các doanh nghiệp, đoàn thể trên địa bàn tỉnh mua khoai lang ủng hộ rất nhiều. Có những hôm chúng tôi phải giao hàng, lên đơn hàng đến tối mịt vẫn không xong vì lượng khách hàng liên hệ đến mỗi ngày một đông. Với sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng, các doanh nghiệp, HTX chúng tôi đã góp phần tiêu thụ được cho nông dân hơn 140 tấn khoai lang tím”.
Nắm bắt cơ hội từ những khó khăn
Tình trạng khoai lang khó khăn về khâu tiêu thụ khiến người nông dân trồng khoai lang tím rơi vào hoàn cảnh nhọc nhằn với nguy cơ mất trắng nguồn vốn. Song, nếu nhìn nhận ở góc độ lạc quan hơn thì sau biến cố này người nông dân sẽ nhìn nhận ra những hạn chế trong các khâu sản xuất trước đây để có sự sắp xếp lại quy trình sản xuất phù hợp, hiệu quả hơn. Bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương bày tỏ, nếu xét kỹ lại, sau những khó khăn lần này, mặt hàng khoai lang Châu Thành nhận được những giá trị vô giá. Lần đầu tiên, khoai lang tím Châu Thành được quảng bá đến thị trường 96 triệu dân nội địa. Sau khi được truyền thông đưa tin, nhiều người tiêu dùng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm khoai lang tím của địa phương. Đây cũng là lần đầu tiên sản phẩm khoai lang tím của nông dân Châu Thành được lên các quầy kệ của chuỗi siêu thị Coopmart, siêu thị Big C và có nhiều doanh nghiệp chế biến biết đến khoai lang tím Châu Thành, đặt vấn đề kết nối tiêu thụ với địa phương... Không những ủng hộ nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, hiện các doanh nghiệp và đầu mối chế biến đều bày tỏ thiện chí muốn kết nối - hợp tác lâu dài với nông dân trồng khoai lang tím của Đồng Tháp...
Từ những diễn biến trong thời gian qua, có thể thấy vẫn có nhiều tiềm năng về việc phát triển thị trường nội địa đối với sản phẩm khoai lang tím. Vấn đề hiện nay là sau biến cố lần này, nông dân cần phải thay đổi nhiều về tư duy sản xuất, cần sản xuất sản phẩm chất lượng và hướng đến nhiều phân khúc thị trường khác nhau chứ không chỉ tập trung cho một thị trường như trước đây. Bên cạnh đó, để có thể đáp ứng được yêu cầu của các siêu thị, doanh nghiệp chế biến, bản thân các HTX trồng khoai lang của địa phương cũng cần phải nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong sản xuất, khâu sơ chế đóng gói sản phẩm, nâng cao năng lực về quản lý để có thể thuận lợi hơn trong việc kết nối với các đối tác lớn...
Chia sẻ thêm về vấn đề này, anh Ngô Chí Công - thành viên HTX đặc sản Đồng Tháp lưu ý, từ sự chung tay của cộng đồng giúp tiêu thụ nông sản khoai lang tím vừa qua cho chúng ta hy vọng, thị tiêu thụ sản phẩm khoai lang tím trong nước có nhiều khả quan. Loại nông sản này không những có tiềm năng trong lĩnh vực thực phẩm mà nó còn có thể là nguồn nguyên liệu tuyệt vời cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước. Ngoài mảng thực phẩm cung cấp cho con người, các doanh nghiệp chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm cũng đánh giá cao những giá trị có trong củ khoai lang tím. Vấn đề hiện nay là cần phải rà soát lại quy trình trồng và chuyên nghiệp hơn trong từng khâu sản xuất. Trong bối cảnh khó khăn, người tiêu dùng có thể bỏ qua cho những lỗi kỹ thuật như hàng không có kích cỡ đồng đều, bao bì chưa chuyên nghiệp... Nhưng về lâu dài, muốn khai thác tốt thị trường nội địa thì cả nông dân và HTX phải cùng nhau thay đổi...
Khoai lang “được mùa mất giá” không phải là câu chuyện của hiện tại mà nó là “điểm nghẽn” của nông dân trồng khoai trong nhiều năm qua. Mặc dù là “căn bệnh trầm kha” nhưng nhược điểm lớn nhất của nông dân trồng khoai lang là ngại thay đổi, ngại làm theo cách mới. Hiểu được những khó khăn và “điểm nghẽn” trong chuỗi sản xuất khoai lang, vừa qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có chủ trương quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất khoai lang ở huyện Châu Thành với tổng diện tích 4.000ha. Dự kiến dự án sẽ được chia làm 3 giai đoạn, với kinh phí gần 76 tỷ đồng. Trước mắt, từ đây đến năm 2025, huyện Châu Thành sẽ thực hiện thí điểm vùng chuyên canh khoai lang tím có kiểm soát chặt chẽ về quy trình sản xuất với diện tích 250ha. Trong mô hình này, nông dân sẽ được ngành nông nghiệp tập huấn, hướng dẫn sản xuất theo quy trình VietGAP, đồng thời được hỗ trợ thực hiện mã số vùng trồng, tem truy xuất nguồn gốc...
Ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: “Để chuỗi ngành hàng khoai lang phát triển đi vào chiều sâu và bền vững hơn thì việc quy hoạch vùng trồng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để nông dân có thể làm giàu bền vững từ cây khoai lang tím, địa phương đang phối hợp ngành nông nghiệp tỉnh hoàn thiện nhiều bước trong chuỗi sản xuất của ngành hàng khoai lang. Để có thể đạt được hiệu quả cao nhất, địa phương định hướng người nông dân đừng chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà quên đi hiệu quả lâu dài. Thay đổi quy trình sản xuất nhằm giảm giá thành cũng là một giải pháp quan trọng giúp nông dân tăng lợi nhuận. Lợi nhuận cao nhất thời không phải là giải pháp bền vững mà giải pháp hiệu quả là có thể tìm được những đối tác uy tín để kết nối và làm ăn lâu bền, có như thế thì nông dân mới có thể làm kinh tế hiệu quả với cây khoai lang tím”.
Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/mua-khoai-ket-noi-mua-khoai-nghia-tinh-98196.aspx