Mua lại cha đẻ WarCraft, Diablo và Call of Duty, Microsoft vừa nhắc nhở các đối thủ rằng ai mới là ông chủ thực sự của 'siêu vũ trụ số' trong tương lai

69 tỷ USD để mua một hãng game kỳ cựu là cái giá không hề rẻ. Nhưng chỉ bằng một bước đi ấy, Microsoft đã nhắc khéo tất cả mọi người rằng trên thế giới chỉ có duy nhất một gã khổng lồ đủ tiềm lực để xây dựng metaverse!

Thức giấc vào ngày 18/1, game thủ trên khắp thế giới bất ngờ nhận một tin tức gây "sốc": Microsoft vừa bỏ ra tới 69 tỷ USD để thâu tóm hãng game ActivisionBlizzard. Thương vụ này đã cho phép ông chủ Windows/Xbox nắm trong tay hàng loạt tựa game nằm sâu trong trái tim game thủ: Diablo, Warcraft, WOW, StarCraft, Overwatch và Call of Duty, đồng thời rút ngắn đáng kể khoảng cách với Sony và Tencent về tổng doanh thu game.

Nhưng rõ ràng, một gã khổng lồ đầy tham vọng và mưu mô như Microsoft sẽ không bỏ ra 69 tỷ USD chỉ để mang tham vọng thống trị ngành công nghiệp game có giá trị 173,7 tỷ USD. Trên tất cả, thương vụ Microsoft thâu tóm ActivisionBlizzard chính là lời cảnh báo tới tất cả các đối thủ từ Apple đến Sony, từ Facebook đến Google rằng: hơn ai hết, Microsoft mới là kẻ xứng đáng thống trị "metaverse", siêu vũ trụ số được coi là tương lai của ngành công nghiệp hi-tech.

Một thế giới mới sau Covid-19

Covid-19 mang đến tham vọng về một thế giới thứ hai, nơi người dùng có thể làm việc, giải trí và liên lạc hoàn toàn trong không gian số.

Covid-19 mang đến tham vọng về một thế giới thứ hai, nơi người dùng có thể làm việc, giải trí và liên lạc hoàn toàn trong không gian số.

Từ góc nhìn của một người tiêu dùng thông thường, các thiết bị công nghệ và mạng Internet từ lâu đã được gắn với 2 khía cạnh cơ bản trong cuộc sống: giải trí và liên lạc. Bạn có thể chơi những tựa game AAA trên console hoặc PC hoặc chơi game "casual" trên smartphone, bạn có thể nhắn tin với bạn bè hay gọi video cho người thân... Nhưng với đại dịch Covid-19, các thiết bị cá nhân bỗng nhiên phải đảm nhiệm thêm một "trọng trách" mới: chúng là “văn phòng” của nền kinh tế tri thức. Những cuộc họp, những bản báo cáo doanh số, những dự án dài hạn... giờ được "phân bổ" ra hàng triệu, hàng tỷ máy tính trên khắp hành tinh, chắp nối với nhau bằng mạng Internet thay vì tập trung trong các tòa nhà cao tầng như trước kia.

Đứng trước "bình thường mới" này, các gã khổng lồ công nghệ nhanh chóng tham gia vào một cuộc đua mới: metaverse, tạm dịch là "siêu vũ trụ số". Trong siêu vũ trụ này, người dùng có thể làm việc, giải trí và liên lạc với nhau thông qua các nhân vật đại diện (avatar). Họ sẽ tương tác với các vật phẩm ảo và tạo ra một nền kinh tế đại diện bằng số 0 và số 1. Nói cách khác, các avatar sẽ cùng nhau sống một cuộc sống thứ hai bên trong metaverse.

Các công ty truyền thống như NIKE, Gap, Adidas... cũng đua nhau chen chân vào metaverse với NFT và cửa hàng ảo.

Các công ty truyền thống như NIKE, Gap, Adidas... cũng đua nhau chen chân vào metaverse với NFT và cửa hàng ảo.

Tháng 10 vừa qua, Facebook đã đổi tên thành Meta nhằm bộc lộ rõ tham vọng thống trị metaverse: "Chúng tôi hy vọng rằng trong 1 thập niên tới, metaverse sẽ chạm tay tới 1 tỷ người dùng, lưu hành lượng giao dịch trị giá hàng trăm tỷ USD và hỗ trợ việc làm cho hàng triệu nhà sáng tạo, nhà phát triển", Mark Zuckerberg khẳng định trong sự kiện nói trên. Một cuộc đua nhanh chóng nổ ra; ngay cả các công ty truyền thống cũng tìm cách đặt chân vào thế giới ảo bằng cách ra mắt cửa hàng ảo và NFT ("vật thể" ảo độc nhất) của riêng mình: Nike, Gap, Adidas, Under Amour...

Một metaverse thiếu nền móng

Kể từ khi Facebook đổi tên thành "Meta", báo chí và các tín đồ công nghệ đã liên tục nhắc đến metaverse với vai trò là đích đến và tương lai tươi sáng của toàn bộ thế giới hi-tech. Nhưng thực tế đáng buồn là ở chỗ, ngay lúc này đây nhắc đến metaverse, nhiều người vẫn nghĩ đến những NFT có giá “điên khùng” hay những cuộc họp nhàm chán bằng avatar. Thế giới thứ hai được vẽ ra lúc này vẫn chỉ là một thế giới được... vẽ ra theo nghĩa đen: Facebook chưa xây dựng được metaverse mà mới chỉ đem trình chiếu một đoạn video ý tưởng được dựng theo phong cách Pixar mà thôi!

Trong tuyên bố mua lại Activision Blizzard, Microsoft khẳng định bước đi này có mục đích “cung cấp những viên gạch nền móng cho metaverse”. Thực tế, ngay lúc này, không ai có đủ tiềm lực để gây dựng metaverse như Microsoft.

Thay vì nhảy thẳng vào NFT, metaverse cần có một nền móng vững chắc: một "thế giới" ảo đúng nghĩa như World of Warcraft.

Thay vì nhảy thẳng vào NFT, metaverse cần có một nền móng vững chắc: một "thế giới" ảo đúng nghĩa như World of Warcraft.

Bởi những gì Facebook/Meta hay bất kỳ một công ty metaverse nào khác đang cố gắng xây dựng thực tế đều đã có trong thế giới game từ rất lâu rồi. Các cửa hàng ảo, các vật phẩm ảo và các “nền kinh tế” ảo là thứ không xa lạ gì với game thủ World of Warcraft, tựa game MMO mà Microsoft sẽ nắm trong tay sau khi hoàn tất thương vụ với Activision Blizzard. Trong các tựa game đa người chơi, liên lạc qua giọng nói, qua chat hay hợp tác, chia công việc để hoàn tất các “nhiệm vụ” khó nhằn không phải là thứ gì xa lạ. Nói một cách đơn giản, chỉ cần Microsoft đưa một văn phòng ảo với Word hay Excel vào các thế giới ảo đang nắm trong tay như Wow hay Elder Scrolls Online là đã có thể vượt xa những gì Facebook muốn tạo dựng trong 10 năm tới.

Khi nắm trong tay World of Warcraft hay Diablo, Starcraft, Microsoft đã nắm trong tay vô số những “thế giới ảo” được hàng triệu người trên thế giới yêu thích. Và đó là cơ sở đầu tiên, nền móng đầu tiên để tạo ra một siêu vũ trụ ảo trong tương lai, kết nối những “vũ trụ” đầy sức hấp dẫn. Chưa kể, Microsoft sẽ còn thâu tóm hàng nghìn nhân sự tài năng, những người sẽ góp phần quan trọng để đưa những khái niệm cũ trong game thành những khái niệm mới trong metaverse.

Ai có thể tạo ra không gian ảo mà người dùng MUỐN tham gia?

Ai có thể tạo ra không gian ảo mà người dùng MUỐN tham gia?

Yếu tố cuối cùng của metaverse

Từ lâu rồi, Microsoft đã hội tụ 2 khía cạnh đầu tiên của metaverse: làm việc và liên lạc. Với Office và Azure, Microsoft đơn giản là bá chủ thế giới phần mềm doanh nghiệp. Trên mảng social, Microsoft tuy không mạnh như Facebook hay Google nhưng cũng nắm trong tay Teams, Outlook, Skype và đặc biệt là LinkedIn, thừa đủ sức mạnh để tạo ra một mạng xã hội khổng lồ trong metaverse tương lai. Giải trí (mà đặc biệt là gaming) có thể coi là mảnh ghép cuối cùng mà Microsoft còn thiếu để tạo dựng metaverse: kể từ thất bại của Xbox One, mảng game của Microsoft đã liên tục lụi tàn khi các dòng game chủ chốt hoặc bị lãng quên (AoE, Fables) hoặc ngày một thất bại (Halo, Gears of War).

Phải đến khi Microsoft mở "cơn mưa mua sắm" các studio game, ông chủ Windows/Xbox mới trở thành một thế lực. Thương vụ Activision Blizzard chính là mảnh ghép cuối cùng để xác nhận vị thế của Microsoft: WOW, Starcraft, Call of Duty… đều là những phần quá quan trọng, không thể thiếu trong trải nghiệm của bất cứ một game thủ nào. Khi các tựa game này được bổ sung vào Game Pass (giá 10 USD/tháng), và khi Microsoft xóa bỏ nhu cầu phần cứng bằng cách đưa game lên đám mây, Microsoft sẽ có cơ hội nắm trọn nhu cầu giải trí của hàng triệu game thủ trên thế giới.

Bằng cách ấy, Microsoft sẽ hội tụ đủ 3 yếu tố nền móng cho metaverse tương lai. Và Microsoft cũng vừa nhắc khéo các đối thủ: ai có đủ 69 tỷ USD để theo đuổi metaverse theo cách này? Câu trả lời dĩ nhiên là không ai khác cả - chỉ có duy nhất Microsoft có đủ tiềm lực để xây dựng nên siêu vũ trụ số của tương lai mà thôi!

Liam

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/mua-lai-cha-de-warcraft-diablo-va-call-of-duty-microsoft-vua-nhac-nho-cac-doi-thu-rang-ai-moi-la-ong-chu-thuc-su-cua-sieu-vu-tru-so-trong-tuong-lai-72022191115710955.htm