Mùa lễ hội

Khi nắng trải vàng như mật ong trên những rẫy điều lúc lỉu quả thơm nồng, khi những hạt bụi mờ mịt bám đầy trên những lá cà phê héo quặn vì nắng và lúa đã về đầy nhà, mì đã thu xong chờ ngày xuống giống mới thì cũng là lúc mùa ning nơng về.

Từ những làng xa, tiếng chiêng đổ về dồn dập từ đầu hôm cho đến đêm khuya. Không gian càng tĩnh lặng thì tiếng chiêng bay càng cao và sâu.

Tiếng chiêng thưa vắng theo mật độ giãn ra của rừng, vì vốn dĩ cái không gian của chiêng ấy cũng dần bị xâm lấn mất dần. Nhưng ở những làng xa thì tiếng chiêng vẫn còn lẩn khuất chứ chưa hẳn đã rời xa vậy nên thi thoảng tôi vẫn còn nghe vĩ thanh ấy vang đến tận vùng ngoại ô nơi mình sinh sống.

Vào hội. Ảnh: Phan Nguyên

Vào hội. Ảnh: Phan Nguyên

Tháng ba, trên mạng xã hội sẽ thấy những tiếng gọi mời về làng vào hội. Người làng vẫn giữ những lễ hội theo vòng đời con người dù cuộc sống có chuyển xoay.

Nếu chỉ đi một lần thôi thì pơ thi cũng chỉ là một lễ hội dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, mình là người quan sát, lạ lẫm. Nhưng nếu ở lại làng một lần, cùng vít những cang rượu cần chếnh choáng say và cùng nghe tiếng chiêng trong ánh lửa bập bùng dưới tán cây già rợp bóng trăng thì bạn cũng sẽ có cảm giác giống tôi, lần sau, chỗ nào có hội, lại mau mải lên đường.

Là một người mới biết đến pơ thi nên tôi cũng mới tham dự có vài lần. Tuy nhiên, mỗi lần, tôi lại có cảm nhận thật khác biệt. Đó là những ngày chuẩn bị vào hội, bà con họp gia đình và bàn bạc với nhau. Người trong làng khi được thông báo về pơ thi thì bắt đầu vào làng chặt tre, hái lá dầu để gói thức ăn, cử người chặt cây về nhà mồ để tạc tượng.

Những ngày này, nhà mồ bắt đầu rộn tiếng chiêng. Ai có chiêng thì mang ra, chiêng to, chiêng nhỏ hòa thành dàn nhạc có cùng âm sắc. Nhưng để chiêng vào nhịp thì trước đó, nghệ nhân chỉnh chiêng phải ra nhà mồ, lắng nghe. Sau một vòng, ông sẽ biết cái chiêng nào lạc nhịp, ông dùng búa gõ gõ vào chiêng vài cái, đến khi ông nghe chính xác thì cả đoàn mới dừng lại cái chòi dựng sẵn để uống rượu.

Người thử chiêng, người tạc tượng, người chuẩn bị heo, gà, trâu để cúng làm cho không khí của nơi vốn u tịch nhộn nhịp hẳn lên. Cũng có người khóc tiễn đưa lần cuối, có người say nằm luôn ở những lùm cây.

Ở đây, khi hòa mình với lễ hội cộng đồng, tôi mới biết rằng, văn hóa của người dân bản địa làm cho vùng đất của họ có sức mạnh nội sinh sâu sắc. Họ sống, chết, liên kết với nhau bằng sợi dây văn hóa từ cõi tâm linh, mà những điều xuất phát từ tâm linh thường làm con người ta sống hiền hòa, đôn hậu.

Gần đây, tôi còn được tham dự lễ hội cúng rừng của cộng đồng người Jrai ở một làng xa. Sau khi bỏ lại xe, lội bộ một quãng dốc khoảng 2 cây số để vào đến bìa rừng, nơi bắt đầu có nguồn nước và những gốc cây to, người làng đã đẽo những thân tre to để dẫn nước, nước rỉ rả chảy qua thân tre phát ra tiếng như đàn. Họ chuẩn bị sẵn những lễ vật gồm: gan heo, đuôi heo, thịt heo, gan gà, ghè rượu, cung tên...

Già làng bắt đầu lầm rầm khấn: “Ơ Yàng ơi…”. Tiếng khấn lầm rầm rồi nhỏ dần đi, ông nhắm mắt, vẩy rượu từ ghè ra, mời thần linh uống, rồi hút 1 cang đổ ra đất cùng 1 miếng gan gà, gan heo bỏ vào rừng. Xong nghi lễ, già làng sẽ là người uống đầu tiên rồi mới đến những người già đứng nghiêm trang cạnh đó. Không chỉ có người làng mà cán bộ xã, huyện, cán bộ giữ rừng cũng kết thành vòng đứng quanh già làng như lời cam kết bảo vệ rừng để cây cối tốt tươi, mưa thuận gió hòa.

Rất nhiều người nhờ già làng đọc, chép lại bài cúng nhưng ông nói: “Mình nghe bài này từ cha ông mình, giờ đến khi cúng mới đọc được chứ tự nhiên không đọc được”. Tôi hỏi nội dung thì ông bảo: “Già đang khấn thần núi, thần cây, thần đá, thần nước, mời về dự lễ với dân làng, mong các thần che chở bảo vệ cho cây rừng tốt tươi, nguồn nước không cạn”.

Một vị lãnh đạo huyện cho biết: 3 năm nay, khi duy trì lễ cúng rừng thì xã này luôn dẫn đầu về công tác trồng và bảo vệ rừng… Tôi chợt nghĩ, bên cạnh những luật pháp rõ ràng thì những lời khấn thần linh cũng đang có tác dụng bảo vệ môi trường môi sinh với sự cam kết cao nhất của cộng đồng.

Càng đi nhiều, càng trải nghiệm thì tôi càng thấy yêu mến miền đất này. Đặc biệt, có dịp tham dự những lễ hội cộng đồng thì tôi càng mê đắm cái vẻ chân chất của con người nơi đây.

TẠ NGỌC ĐIỆP

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202103/mua-le-hoi-5728836/