Mùa lễ hội xuân 2020: Ngăn những hình ảnh phản cảm
Để chuẩn bị cho mùa hội xuân 2020, nhiều địa phương, đặc biệt là những địa bàn có những di tích lớn, mùa hội kéo dài và thu hút du khách như: chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), đền Hùng (Phú Thọ), đền Cửa Ông (Quảng Ninh), đền Đô (Bắc Ninh), đền Trần (Nam Định)... cũng đã triển khai công tác chuẩn bị từ sớm.
“Kiên quyết không để xảy ra các hành vi chen lấn, tranh cướp, mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, các hiện tượng thiếu văn minh trong lễ hội; đặc biệt, cần xây dựng các giải pháp khắc phục hiện tượng lợi dụng tổ chức lễ hội nhằm trục lợi, các biểu hiện thương mại hóa lễ hội”, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy chia sẻ như vậy khi đề cập đến công tác triển khai lễ hội xuân năm 2020.
Thảnh thơi đi hội
Theo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), lễ hội 2019 được nhận định là đã phát huy vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo của nhân dân, những khó khăn, vướng mắc cơ bản được khắc phục. Hiện tượng đổi tiền lẻ, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu không đúng quy định; khấn thuê, chèo kéo khách, rút quẻ thẻ cơ bản được hạn chế; công tác thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội được tăng cường.
Nhiều lễ hội chỉ một vài năm trước là “điểm nóng” tệ nạn này, nay đã êm ả nhờ thay đổi phương án tổ chức. Hội phết đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn nhờ bỏ đi nội dung tranh phết, chỉ trình diễn nghi lễ; lễ hội Đúc Bụt (thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) xây dựng đề án đổi mới, đảm bảo nghi lễ truyền thống; hội chọi trâu xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh tạm dừng lễ hội năm 2019 để xây dựng và hoàn thiện đề án đổi mới công tác quản lý và tổ chức; lễ hội Gióng đã kiểm soát tốt việc phát lộc giò hoa tre, trầu cau, không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy; lễ hội Đền Trần (Nam Định) giảm đáng kể tình trạng chen lấn, xô đẩy, tranh cướp ấn, tung tiền vào kiệu ấn...
Tuy nhiên, công tác quản lý và tổ chức các lễ hội vẫn bộc lộ những hạn chế như: hiện tượng trục lợi, các yếu tố bạo lực, tranh cướp, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội chưa cao, vệ sinh môi trường còn hạn chế.
Để chuẩn bị cho mùa hội xuân 2020, nhiều địa phương, đặc biệt là những địa bàn có những di tích lớn, mùa hội kéo dài và thu hút du khách như: chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), đền Hùng (Phú Thọ), đền Cửa Ông (Quảng Ninh), đền Đô (Bắc Ninh), đền Trần (Nam Định)... cũng đã triển khai công tác chuẩn bị từ sớm. Ban quản lý chùa Hương cho biết, đã thành lập 6 tiểu ban và trạm kiểm tra, tổ kiểm tra liên ngành số 1, số 2 phục vụ lễ hội. Mọi biểu hiện tiêu cực như tranh giành, trốn lậu các loại vé, đòi thêm tiền, gây phiền hà cho khách, mời đổi tiền lẻ, bán hương hoa gây mất trật tự nơi công cộng... sẽ được giám sát và xử lý nghiêm.
Các hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khu vực lễ hội đều công khai số điện thoại, niêm yết giá, không để xảy ra hiện tượng “chặt chém” du khách. Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban Tổ chức lễ hội Chùa Hương khẳng định, việc tập huấn cho người dân, công tác trang trí cảnh quan đón du khách về trẩy hội chùa Hương đã được hoàn tất để phục vụ du khách thập phương.
Nói không với tranh cướp, bạo lực
Trong khi nhiều “điểm nóng” lễ hội đã dần đi vào bình yên thì tới thời điểm này, hội Phết Hiền Quan (xã Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ) vẫn đang còn khiến dư luận nghi ngại. Mặc dù đã xây dựng kế hoạch, đề án đổi mới phần đánh phết, nhưng từ năm 2016-2019, nội dung này vẫn ở lễ hội vẫn liên tục bị “vỡ trận”, mặc dù đã có nhiều phương án được đưa ra. Cảnh tượng hỗn loạn, chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp phản cảm chính là nguyên nhân dẫn tới quyết định buộc dừng lại giữa chừng, không tiếp tục được tổ chức trong mùa hội năm 2019.
Ông Phan Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông (Phú Thọ), thừa nhận, mặc dù trong các phương án xây dựng cũng đã có nhiều nội dung được thay đổi, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh, nhưng do phần đánh phết là một nội dung đã ăn sâu vào tiềm thức của cộng đồng nên khi quả phết được đưa ra, chỉ sau khoảng 20-30 phút, người dân và du khách lại ùa vào tranh cướp, dẫn đến cảnh hỗn loạn, phản cảm.
Tại mùa lễ hội năm 2019, cơ quan quản lý văn hóa tại địa phương đã gặp phải nhiều áp lực khi đưa ra quyết định dừng. Cho đến thời điểm này, chính quyền địa phương vẫn tiếp tục bàn với cộng đồng để tìm giải pháp tổ chức lễ hội năm 2020. Song phương án nào đi chăng nữa thì vẫn phải đảm bảo an toàn, đúng với nghi lễ văn hóa truyền thống.
Hướng tới một mùa lễ hội bình yên, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, việc thanh tra, kiểm tra trước và sau mùa lễ hội 2020 tiếp tục được tăng cường, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực. Đặc biệt, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/mua-le-hoi-xuan-2020-ngan-nhung-hinh-anh-phan-cam-639523.html