Mưa lớn cục bộ ở vùng núi Bắc Bộ, cao nguyên Trung Bộ và Nam Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày và đêm 8/7, ở khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa rào, dông rải rác, có nơi mưa to với lượng mưa 15-30mm, cục bộ có nơi trên 80mm (mưa tập trung vào chiều tối và đêm).

Dự báo, đêm 7/7, ở khu vực Tây Bắc Bộ, cao nguyên Trung Bộ và Nam Bộ cục bộ có mưa to. Ảnh minh họa: TTXVN

Dự báo, đêm 7/7, ở khu vực Tây Bắc Bộ, cao nguyên Trung Bộ và Nam Bộ cục bộ có mưa to. Ảnh minh họa: TTXVN

Chiều và đêm 8/7, ở khu vực cao nguyên Trung Bộ và Nam Bộ có mưa rào, dông rải rác, có nơi mưa to với lượng mưa 10-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá cấp 1.

Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

Để phòng chống lũ quét, sạt lở đất, các chuyên gia về phòng chống thiên tai cho rằng, các tỉnh, thành phố cần phải sử dụng các giải pháp về công trình và phi công trình.

Đối với các biện pháp công trình, các tỉnh, thành phố cần thực hiện trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ quét, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ.

Đồng thời, xây dựng hồ chứa điều tiết lũ ở khu vực thường xảy ra lũ quét, khai thông các đường thoát lũ, xây dựng đê, tường chắn lũ quét, phân dòng lũ, xây dựng bổ sung các tràn sự cố ở các hồ chứa nước...

Đối với các biện pháp phi công trình, các địa phương cần lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét (nguy cơ cao; nguy cơ trung bình và vùng ít có khả năng xảy ra lũ quét). Bản đồ này là một trong những căn cứ quan trọng để địa phương đề ra các biện pháp phòng tránh lũ quét; quy hoạch sử dụng đất hạn chế phát triển trong vùng nguy cơ lũ quét cao. Đối với các khu dân cư đã phát triển thiếu quy hoạch trước đây, các địa phương cần có quy hoạch lại và tái định cư, đưa dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao...

Đêm 7/7, ở khu vực Tây Bắc Bộ, cao nguyên Trung Bộ và Nam Bộ cục bộ có mưa to. Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 7/7 đến 7 giờ ngày 8/7 có nơi trên 50mm như: trạm Phìn Hồ (Lai Châu) 71mm, trạm Pha Long (Lào Cai) 54,8mm, trạm Đạ Tẻh (Lâm Đồng) 73,4mm, trạm Thuận Hòa (An Giang) 86mm,…

Trên biển, hiện ở vịnh Thái Lan đang có mưa rào, dông; đặc khu Phú Quý có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6.

Dự báo, ngày và đêm 8/7, vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông, vùng biển từ Lâm Đồng đến Cà Mau, Cà Mau đến An Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào, dông rải rác, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật mạnh.

Ngoài ra, vùng biển từ Khánh Hòa đến TP. Hồ Chí Minh và khu vực giữa Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3m, biển động.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động ở các khu vực trên đều có nguy cơ chịu tác động của lốc xoáy, gió giật mạnh.

Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các tỉnh, thành phố ven biển chịu ảnh hưởng theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của gió mạnh trên biển; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Thắng Trung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/mua-lon-cuc-bo-o-vung-nui-bac-bo-cao-nguyen-trung-bo-va-nam-bo-20250708104531696.htm