Mưa lớn diện rộng, nhiều địa phương bị ngập úng, sạt lở đất
Những ngày qua, mưa lớn trên diện rộng khiến nhiều địa phương ở khu vực phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng xảy ra tình trạng ngập úng, sạt lở đất.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng sớm 10/6, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 09/6 đến 08h ngày 10/6 có nơi trên 100mm như: Thượng Sơn 1 (Hà Giang) 293.4mm, Phìn Ngan (Lào Cai) 116.4mm, Bình Lưu 3 (Lai Châu) 113.2mm,…
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, trong ngày và đêm 10/6, ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 70mm; riêng khu vực Đông Bắc 20-50mm, có nơi trên 100mm.
Ngoài ra, chiều tối và tối ngày 10/6, ở khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 70mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường suất lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị.
Những ngày qua, mưa lớn trên diện rộng khiến nhiều địa phương ở khu vực phía Bắc xảy ra tình trạng ngập úng, sạt lở đất.
Tại Cao Bằng, từ ngày 4-6/6, mưa lớn trên địa bàn tỉnh xảy ra lũ, ngập úng, sạt lở đất đá tại các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Trùng Khánh, Hòa An, Thạch An, Hà Quảng, Nguyên Bình và thành phố Cao Bằng.
Theo thông tin sơ bộ từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các huyện, thành phố, tính đến 18h00 ngày 05/6, mưa lớn đã gây sạt lở đất, ngập úng cục bộ do không kịp tiêu, thoát nước một số khu vực và ảnh hưởng, thiệt hại đến nhà ở, công trình cơ sở hạ tầng giao thông. Cụ thể: Thiệt hại 14 nhà ở do sạt lở đất taluy dương, taluy âm làm đất đá tràn vào nhà ở tại các xã: Xuân Trường (Bảo Lạc); Vĩnh Quang, (Bảo Lâm); Minh Tâm (Nguyên Bình) và tổ 7 phường Ngọc Xuân, Thành phố.
Mưa lớn cũng làm thiệt hại, ảnh hưởng 86.191 ha diện tích đất nông nghiệp tại xã Vĩnh Quang, Thạch Lâm (Bảo Lâm) xã Minh Tâm và thị trấn Nguyên Bình, (Nguyên Bình); xã Xuân Trường (Bảo Lạc); các xã Ngọc Xuân, Đề Thám, Vĩnh Quang, Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng, Nà Tẻng, thị trấn Nước Hai (Hòa An); làm chết 01 con bò do chuồng trại bị sạt lở đất sập đổ tại huyện Hà Quảng. Ảnh hưởng tuyến đường giao thông QL4A (đoạn Cao Bắc-Lũng Mật, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc); đường tỉnh 202 (đoạn Bảo Lạc –Phan Thanh) sạt lở đất, đá taluy dương vùi lấp mặt đường nhiều đoạn gây cản trở giao thông. 11 tuyến giao thông nông thôn bị sạt lở; 04 công trình thủy lợi bị sạt lở bồi lấp, bị gãy đổ chiều dài; 01 nhà văn hóa bị ảnh hưởng do sạt lở taluy dương phía sau với khối lượng đất đá sạt lở khoảng 600 m3 tại xóm Bản um xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình. Lưới điện hạ thế bị đứt do cây đổ tại xóm Nà Bát, xã Hồng Việt, huyện Hòa An.
Tại Hà Giang, mưa lớn từ đêm ngày 8-9/6 khiến một số khu vực huyện Mèo Vạc bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều người dân và du khách bị mắc kẹt, không thể di chuyển. Tuyến đường Thuận Hòa - Thái An; đường Mèo Vạc - Đồng Văn cũng bị chia cắt do ngập lụt, sạt lở. Trong chiều 9/6, mưa lớn khiến tuyến đường chính xuống sông Nho Quế, vào 3 xã biên giới Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ bị chia cắt.
Nhiều điểm tại Hà Giang mưa từ 100-200 mm. Vị Xuyên, Hà Giang mưa 226 mm. Do mưa lớn trên sông Lô xuất hiện lũ khẩn cấp, dự kiến 6-7h sáng nay lũ đạt đỉnh, vượt báo động 3 khoảng 150cm, sau đó duy trì mức cao trên báo động 3.
Trước tình hình trên, các cấp chính quyền cùng lực lượng chức năng ở Hà Giang đã tập trung thông đường sớm nhất để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân và du khách. Đồng thời tổ chức thông tin, cảnh báo người dân chú ý và di dời nếu thấy có dấu hiệu sạt lở đất có thể xảy ra tại các vùng xung yếu.
Cùng với đó, tỉnh cũng triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Tại Hải Phòng, mưa lớn đã gây ngập hầu hết các tuyến đường chính trong nội đô như: Lê Hồng Phong, Cầu Đất, Lạch Tray, Tô Hiệu, Lê Lợi…. Mức độ ngập cao nhất lên đến khoảng 40 cm. Nước ngập sâu đã khiến nhiều phương tiện giao thông bị chết máy, gặp sự cố.
Tại Điện Biên, mưa lớn kéo dài sáng 9/6 gây ngập úng cục bộ trên một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ. Ngập lụt khiến các phương tiện giao thông đi lại khó khăn, nhiều phương tiện như xe ô tô gầm thấp, xe tay ga phải quay đầu không dám đi qua khu vực ngập; một số người điều khiển phương tiện qua đoạn ngập lụt khiến xe bị chết máy
Tình trạng ngập úng cục bộ cũng xảy ra tại khu vực Chợ Trung tâm 3 (thuộc phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ); một số ngõ, ngách trên đường Trường Chinh cũng xuất hiện tình trạng ngập úng.
Ngày 9/6, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai có văn bản gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ về việc ứng phó với mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo; thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; sẵn sàng lực lượng tại chỗ để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả (nếu có).
Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.