Mưa lớn gây ảnh hưởng một số tỉnh miền trung
Cơn mưa kéo dài từ đêm 2 đến sáng 3-9 đã khiến nhiều tuyến đường tại TP Vinh (Nghệ An) ngập nặng. Việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Tính đến 9 giờ ngày 3-9, nhiều tuyến đường tại TP Vinh như: Nguyễn Thị Minh Khai, Hồng Bàng, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Duy Tân, Phong Định Cảng, Lê Hồng Phong… chìm trong nước, ngập sâu từ 0,5 đến 0,8 m. Do vậy, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn; nhiều người bị chậm chễ đến nơi làm việc. Nhiều tuyến đường lực lượng công an đã có mặt kịp thời để phân luồng; nhiều ô-tô, xe máy bị chết máy, phải nhờ đến xe cứu hộ. Thậm chí có nơi nước dâng cao nên người dân không dám xuống đường lưu thông mà phải chờ nước rút.
* Quảng Bình: Mưa lũ làm một người mất tích, nhiều nơi bị chia cắt
Sáng 3-9, thông tin từ huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, những ngày qua, trên địa bàn có mưa to đến rất to gây lũ chia cắt ở một số nơi và một người bị lũ cuốn mất tích khi đi bắt cá.
Cụ thể, tại xã Trọng Hóa có 8/18 bản bị chia cắt, nhiều ngầm tràn bị ngập sâu, nước chảy xiết chưa thể tiếp cận được. Tuyến đường về xã Tân Hóa, đoạn qua ngầm Lạc Thiện ngập hơn 30 cm khiến người và phương tiện qua lại rất khó khăn. Lũ cũng làm chia cắt đường vào xã Minh Hóa. Nước lũ trên sông Rào Nan đang lên nhanh gây ngập ở xã “rốn lũ” Tân Hóa. Tuyến đường vào các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ của đồng bào Rục, xã Thượng Hóa cũng đã bị chia cắt nhiều đoạn bởi nước từ các khe suối dâng cao. Các đồn biên phòng đã cử lực lượng về các bản giúp người dân sơ tán đến nơi cao và chốt giữ tại các điểm xung yếu, những chỗ ngập sâu để cứu nạn khi cần thiết.
Trên địa bàn đã có một người mất tích là chị Hồ Thị Chăn (SN 1989, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa) do lũ cuốn chiều 2-9 trong khi đi xúc cá. Hiện lực lượng chức năng đang tích cực tìm kiếm nạn nhân.
Cũng trong tối 2-9, tàu cá số hiệu QB 91354 TS của ông Nguyễn Thanh Lương ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình) đang neo đậu tại khu vực gần cửa biển Nhật Lệ bị sóng to, gió lớn đánh chìm. Sáng nay, gia đình tổ chức trục vớt nhưng do nước sông Nhật Lệ chảy mạnh, ky tàu đâm sâu xuống bùn nên việc trục vớt gặp nhiều khó khăn. Rất may, lúc bị chìm trên tàu không có người.
Hiện, tại Quảng Bình tiếp tục có mưa vừa và mưa to. Nước trên các sông đang dâng cao, dự kiến sẽ xảy ra đợt lũ nhỏ.
* Mưa lớn kéo dài, thủy điện xã lũ khiến nhiều xã ở Hà Tĩnh ngập cục bộ
Do mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về dồn dập khiến mực nước trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố… lên nhanh, cùng với đó, Nhà máy thủy điện Hố Hô tiến hành xã lũ khiến nhiều xã ở Hương Khê (Hà Tĩnh) bị cô lập, chia cắt cục bộ.
Nhiều xã ở Hương khê bị cô lập và chia cắt cục bộ. (Ảnh: NGÔ TUẤN)
Mưa lớn dồn dập trong thời gian ngắn đã làm mực nước trên các sông lên nhanh. Đặc biệt cảnh báo, lũ sông Ngàn Sâu đang đạt mực nước 21,35m, lên nhanh với biên độ 0,95m/giờ. Đỉnh lũ trên thượng nguồn các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố khả năng ở mức BĐ2 - BĐ3, hạ nguồn các sông ở mức BĐI. Trên sông La, biên độ lũ ở mức 15 - 20 cm/giờ; sông Rào Cái và Cửa Nhượng ảnh hưởng của thủy triều cũng đang lên.
Trước diễn biến của mưa lũ, 8 giờ 30 phút sáng 3-9, Nhà máy thủy điện Hố Hô đã phát thông tin nhanh gửi chính quyền và nhân dân huyện Hương Khê với nội dung: Sáng 3-9, lưu lượng nước đổ về đập Hố Hô từ hai sông Rào Bôi và sông Tiêm rất lớn, ở mức 1.405 m3/s, qua tràn 1.373 m3/s, qua máy 32 m3/s và hiện ở mức cao trình 68,55m. Nhằm bảo đảm an toàn hồ đập, Nhà máy thủy điện Hố Hô thông báo tới chính quyền và nhân dân huyện Hương Khê về việc xả lũ, đồng thời có phương án chủ động đối phó lũ lụt.
Nhà máy thủy điện Hố Hô xã lũ khiến vùng hạ du huyện Hương Khê ngập sâu, nhiều nơi bị chia cắt không thể đi lại. (Ảnh: NGÔ TUẤN)
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, Phan Kỳ, ngay sau khi Thủy điện Hố Hô tiến hành xả lũ, dòng nước lớn từ hồ đổ về nhanh khiến vùng hạ du huyện Hương Khê ngập sâu, nhiều nơi bị chia cắt không thể đi lại. Đến đầu giờ chiều nay, 10 xã trên địa bàn Hương Khê đã bị nước lũ cô lập, chia cắt cục bộ, riêng các xã Phương Mỹ, Phương Điền, thôn Tân Dừa (Hương Trạch)… đã bị cô lập hoàn toàn. Ngoài ra, do ảnh hưởng của mưa lũ, hơn 900 ha lúa hè thu đang bước vào mùa thu hoạch và 130 ha ngô, 30 ha hoa màu trên địa bàn cũng bị ngập lụt. Nếu tình hình mưa lũ kéo dài, toàn bộ diện tích lúa, hoa màu của người dân sẽ bị mất trắng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân trong thời gian tới.
Để ứng phó với mưa lũ, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương, đơn vị thi công theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão; thông báo kịp thời cho người dân, đặc biệt là vùng ven sông, suối, vùng thấp trũng biết để chủ động các biện pháp phòng, tránh. Đồng thời chuẩn bị và triển khai các phương án đề phòng mưa lớn xảy ra lũ quét trên các sông, suối, ngập úng và sạt lở đất ở vùng núi; kiên quyết sơ tán dân ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt các xã dọc bờ sông Ngàn Sâu và vùng hạ du công trình thủy điện Hố Hô, các lán trại có công nhân thi công công trình ven sườn núi, vùng ven sông, suối.