Mưa lớn gây hư hại hàng nghìn di tích lịch sử ở miền bắc Trung Quốc
Ít nhất 1.763 di tích lịch sử đã bị phá hủy hoặc hư hại do những trận mưa xối xả, gây ngập lụt trên nhiều khu vực ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, tổng cộng 19.000 tòa nhà đã bị hư hại trong trận mưa như trút nước ở tỉnh được ví như "bảo tàng các công trình cổ" của Trung Quốc. Vốn là nơi có nhiều di tích lịch sử hơn bất kỳ khu vực nào khác trong nước, toàn tỉnh Sơn Tây hiện có hơn 50.000 di tích lịch sử và hơn 30.000 công trình kiến trúc cổ.
Trong số này, 89 di tích bị “hư hại nghiêm trọng”, tức gặp phải các vấn đề lớn về cấu trúc. 750 địa điểm khác bị “ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng” với các mảng tường hoặc dầm đỡ bị sập, theo thông tin từ Cục Di sản Văn hóa tỉnh Sơn Tây. Ngoài ra, những thiệt hại nhỏ khác bao gồm bị nước ngấm, nứt tường và sụt lún các vùng đất xung quanh các công trình, nhà chức trách cho biết.
Đặc biệt, tại thành cổ Bình Dao, nơi được UNESCO công nhận Di sản Thế giới, 51 đoạn tường thành đã bị hư hại, trong đó có một đoạn tường dài 25 mét bị sập do mưa lớn.
Bên trong thành, hơn 300 ngôi nhà cổ cũng bị nước mưa làm hư hại một phần. Chính quyền Sơn Tây cho biết, cư dân sống tại các khu nhà bị ảnh hưởng đã được sơ tán, và chính quyền địa phương đã bắt đầu sửa chữa chúng.
Cục Di sản Văn hóa Quốc gia Trung Quốc đã cử chuyên gia và cấp kinh phí để giúp sửa chữa các di sản bị hư hại ở Sơn Tây. Bạch Tuyết Băng, quan chức cơ quan quản lý di sản của tỉnh, cho biết trận mưa kéo dài 4 ngày từ đầu tháng đã gây áp lực đáng kể lên các công trình cổ.
“Những di tích này rất dễ bị hư hỏng nếu ngập nước trong thời gian dài, do nước lũ cuốn theo nhiều bùn và chảy với tốc độ nhanh”, quan chức trên nói.
Hầu hết các tòa nhà bị thiệt hại nhiều nhất ở Sơn Tây nằm ở các ngôi làng hẻo lánh và chỉ được bảo vệ ở mức độ thấp. Một trong số này là đền thờ Trấn Vũ được xây dựng từ thời nhà Nguyên ở huyện Phần Tây của tỉnh. Chính quyền địa phương cho biết nhiều phần của ngôi đền đã bị sập và có những vết nứt trên tường.
Miếu thờ Khôi Tinh, nơi các học sinh thường đến cầu đỗ đạt trong các kỳ thi kể từ thế kỷ 18, cũng bị sập một phần sau mưa lớn. Giới chức đã chuyển vật liệu gỗ khỏi đống đổ nát của miếu và đưa vào kho bảo quản.