Mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất tại nhiều tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên

Ngày 30-11, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Khánh Hòa cho biết, ba người dân đi rừng tại khu vực Thác Bay - Kèo Chò (xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh) trên đường trở về vào ngày 29-11 thì anh T.V.Q. (SN 1996, trú tại thôn Phú Cang 1, xã Vạn Phú) bị lũ cuốn trôi. Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vạn Ninh đã huy động lực lượng, cùng với chính quyền địa phương và người thân tổ chức tìm kiếm người bị lũ cuốn; đã tiếp cận hai người đi cùng anh Q. và hỗ trợ lương thực nhưng chưa đưa họ về được vì nước lũ chảy xiết.

Ngày 30-11, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Khánh Hòa cho biết, ba người dân đi rừng tại khu vực Thác Bay - Kèo Chò (xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh) trên đường trở về vào ngày 29-11 thì anh T.V.Q. (SN 1996, trú tại thôn Phú Cang 1, xã Vạn Phú) bị lũ cuốn trôi. Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vạn Ninh đã huy động lực lượng, cùng với chính quyền địa phương và người thân tổ chức tìm kiếm người bị lũ cuốn; đã tiếp cận hai người đi cùng anh Q. và hỗ trợ lương thực nhưng chưa đưa họ về được vì nước lũ chảy xiết.

Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Lâm Ðồng, đến đầu giờ chiều 30-11, trên địa bàn huyện Ðơn Dương có khoảng 355 ha rau màu bị ngập úng do mưa lớn kéo dài ba ngày nay. Diện tích rau màu trên chủ yếu là cây trồng ngắn ngày như xà lách, bí ngòi, bắp cải, ngô… được trồng tập trung ven hai bên bờ sông Ða Nhim. Mưa to còn khiến một số tuyến đường bê-tông, đường đất tại huyện này bị sạt lở.

Ba ngày qua, tỉnh Ðắk Lắk có mưa lớn liên tục, nhiều địa phương trong tỉnh đã xảy ra sạt lở núi, làm sập nhiều nhà dân và ngập lụt nhiều diện tích cây trồng của người dân… gây thiệt hại nặng. Mưa to gây sạt lở núi làm hư hỏng nặng bảy ngôi nhà của người dân trên địa bàn huyện Krông Bông, trong đó tại xã Hòa Phong có bốn nhà và xã Hòa Lễ ba nhà. Hiện còn 17 nhà có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở núi. Cụ thể, tại thôn 3, thôn 4 và thôn 8, xã Hòa Lễ xảy ra ba điểm sạt lở đất, sạt lở núi với hàng trăm mét khối đất đá tràn xuống làm hư hỏng hoàn toàn ba nhà của người dân. Tại xã Hòa Phong, xảy ra điểm sạt lở đất tại thôn 2 với chiều dài 400 m với khối lượng đất đá rất lớn làm hư hỏng bốn nhà của người dân. Khu vực này có nguy cơ sạt lở ngày càng rộng hơn. UBND xã Hòa Lễ, Hòa Phong và lực lượng chức năng của huyện đã kiểm tra và di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Về giao thông, nhiều đoạn đường liên thôn thuộc các xã Cư Ðrăm, Cư Pui..., bị ngập nặng, gây ách tắc giao thông cục bộ. UBND các xã đã chỉ đạo các lực lượng chức năng cắm biển cảnh báo, chằng dây và bố trí người túc trực không cho người dân và phương tiện qua lại để tránh nguy hiểm đến tính mạng. Về cây trồng, toàn huyện có 273 ha cây trồng các loại bị ngập nặng, trong đó xã Hòa Phong có 70 ha lúa, xã Ea Trul 153 ha và xã Cư Pui 50 ha… Trong sáng 30-11, các cấp chính quyền huyện Krông Bông đã hỗ trợ ba gia đình có nhà bị sập hoàn toàn, mỗi gia đình 20 triệu đồng để khắc phục hậu quả sạt lở núi.

Do mưa lớn kéo dài nên lưu lượng nước đổ về các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ðắk Lắk tương đối lớn khiến nhiều hồ đã vượt mực nước thiết kế. Ngày 30-11, Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Ðắk Lắk đã tiến hành cho xả lũ bảy hồ chứa có tràn xả sâu, gồm: Ea Kao, Vụ Bổn, Buôn Joong, Ea Súp thượng, Ea Ðrăng, Ea Rớt. Việc xả lũ đều được thực hiện đúng quy trình điều tiết đã được phê duyệt, bảo đảm an toàn hồ chứa và vùng hạ du. Ðồng thời, phối hợp địa phương, vận động di dời các hộ vùng hạ du có nguy cơ bị ngập do mưa lớn đến nơi an toàn.

Ngày 30-11, Ban An toàn giao thông tỉnh Lâm Ðồng cho biết, đến 9 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng đã khai thông tuyến đèo Khánh Lê trên quốc lộ 27C, nối liền hai tỉnh Lâm Ðồng và Khánh Hòa. Trước đó, mưa lớn kéo dài trong mấy ngày qua khiến tuyến đèo Khánh Lê xuất hiện nhiều đoạn bị sạt lở. Một khối lượng lớn đất đá từ trên các ta-luy cao hàng chục mét đổ ập xuống mặt đường khiến giao thông bị chia cắt, tất cả các phương tiện không thể di chuyển trên đèo này.

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, từ 17 giờ ngày 30-11, đơn vị bắt đầu thực hiện điều tiết qua tràn xả sâu với lưu lượng xả tràn từ 1.000 m3/giây đến 1.500 m3/giây để bảo đảm an toàn công trình hồ chứa. Theo đó, thực hiện hạ thấp mực nước hồ từ cao trình 32,35 m về mực nước từ 30,7 m đến 31 m, tương đương khoảng 85% đến 90% dung tích để đón lũ. Việc vận hành điều tiết này sẽ được theo dõi để phù hợp với mực nước đón lũ, tránh gây ngập úng ở vùng hạ du.

Ngày 30-11, UBND huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) cho biết, đợt mưa lũ lịch sử vừa qua trên địa bàn có ba khu vực đồi núi bị sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống của 71 hộ dân, trong đó 41 hộ phải di dời khẩn cấp. Ðể ổn định đời sống cho các hộ dân, huyện Tuyên Hóa đang xây dựng kế hoạch tái định cư phù hợp tập quán sản xuất và sinh sống của bà con. Tuy nhiên khó nhất hiện nay là kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực tái định cư và hỗ trợ người dân làm lại nhà cửa ở khu vực mới do ngân sách huyện không thể đáp ứng. Không thể ở lâu trong các lán trại tạm bợ, một số hộ dân đã quay về nơi ở cũ tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao.

Ngày 30-11, Công an huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng đã tìm được thi thể anh Lường Văn Duy (SN 1990, trú ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Trước đó, ngày 25-11, anh Duy và ba phu vàng khác vượt đường từ xã Phước Thành ra trung tâm huyện Phước Sơn để trở về quê. Khi đến khu vực suối Nước Mắt gần thủy điện Ðak Mi 3 (thuộc xã Phước Công, huyện Phước Sơn), do cố băng qua dòng nước chảy xiết, anh Duy bị nước lũ cuốn trôi. Những người còn lại đi dọc bờ tìm kiếm nhưng bất thành nên trở về quê nhà báo sự việc với người thân anh Duy và cơ quan chức năng. Ðến ngày 28-11, thi thể anh Duy được tìm thấy tại khu vực thôn 5 (xã Phước Chánh). Ngày 29-11, lực lượng chức năng đã hoàn tất công tác khám nghiệm tử thi, bàn giao cho gia đình anh Duy để lo hậu sự.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao nên ngày 1-12 ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Ở Bắc Bộ và Thanh Hóa trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 14 đến 17 độ C, vùng núi từ 11 đến 14 độ C, vùng núi cao dưới 10 độ C.

Ngày 30-11, lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên tiếp tục lên. Dự báo sáng 1-12, mực nước trên sông Trà Khúc tại Trà Khúc lên mức 5,3 m, trên báo động (BÐ) 2 là 0,3 m. Trên sông Vệ tại sông Vệ lên mức 4,5 m, ở mức BÐ3. Trên sông Kôn tại Thạnh Hòa lên mức 7,2 m, trên BÐ 2 0,2 m… Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên.

Từ 19 giờ ngày 29-11 đến 7 giờ ngày 30-11, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, phổ biến từ 50 đến 80 mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Hồ Thủy Yên (Thừa Thiên Huế) 94 mm, Suối Ðá (Ðà Nẵng)
110 mm, Tam Trà (Quảng Nam) 224 mm, Trà My (Quảng Nam) 176 mm, Sơn Giang (Quảng Ngãi) 124 mm, hồ Am Chúa (Khánh Hòa) 97 mm, hồ Mỹ Thuận (Bình Ðịnh) 99 mm...

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/mua-lon-gay-ngap-lut-sat-lo-dat-tai-nhieu-tinh-nam-trung-bo-tay-nguyen-626465/