Mưa lớn kèm động đất sẽ tăng nguy cơ sạt lở ở Kon Tum

Theo cơ quan Dự báo Khí tượng thủy văn Tây Nguyên, động đất gia tăng và lượng mưa trong tháng 7 tăng đột biến so với trung bình các năm khác sẽ tiềm ẩn nguy cơ lớn sạt lở tại Kon Plông, Kon Tum.

Ngày 30/7, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huấn, Trưởng phòng Dự báo Khí tượng thủy văn (Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên) cho biết: "Trong tháng 7, lượng mưa tăng đột biến so với trung bình các năm. Trong tháng 8, dự báo sẽ xuất hiện thêm những đợt mưa lớn nên tiềm ẩn nguy cơ về thiên tai như: sạt lở, động đất, mưa lũ…".

Nhiều trụ sở, công trình dân sự tại Kon Plông nứt vỡ sau khi động đất 5 độ xảy ra. Ảnh: T.V.Y

Nhiều trụ sở, công trình dân sự tại Kon Plông nứt vỡ sau khi động đất 5 độ xảy ra. Ảnh: T.V.Y

Cảnh báo thiên tai kép

Theo ông Huấn, trong những ngày qua, cơ quan chức năng ghi nhận trận động đất mạnh 5.0 độ và hàng loạt trận động đất sau đó ở tỉnh Kon Tum. Với lượng mưa lớn kéo dài nên trong lòng đất đã tích tụ một lượng nước bão hòa, trong thời gian tới nếu rung chấn mạnh do động đất tiếp diễn sẽ khiến nguy cơ về sạt lở, lũ ống... tăng cao.

Các chuyên gia dự đoán, trận động đất sẽ còn tiếp diễn với tần suất lớn; có thể sẽ xuất hiện thêm những trận động đất khoảng 5.5 độ, cấp rủi ro lên cấp 3, đây là mức nguy hiểm; lúc đó thiên tai đi kèm sẽ xuất hiện sạt lở, lũ ống, lũ quét từ thượng nguồn về.

"Tây Nguyên được dự báo trong thời gian tới sẽ xuất hiện lượng mưa, bão với tần suất mạnh, nhất là vào những tháng 8, 9, 10. Cộng hưởng với động đất xuất hiện sẽ khiến cho nguy cơ về thiên tai gây nguy hiểm cho người dân và công trình công cộng.

Cơ quan chức năng cần cảnh báo sớm cho người dân vùng tâm chấn nói riêng và khu vực Tây nguyên nói chung. Bởi, các trận động đất sẽ gây ảnh hưởng rộng ra nhiều tỉnh lân cận, nhất là vùng núi, địa hình dễ sạt lở", ông Huấn cho hay.

Trong khi đó, ông Phạm Thanh Bình, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông cho biết: "UBND huyện đã triển khai các biện pháp phòng, chống sạt trượt, lở đất, lũ quét do động đất xảy ra trên địa bàn.

Các xã, thị trấn, các phòng, ban liên quan đang theo dõi tình hình biến động và báo về UBND huyện để chỉ đạo, kịp thời khắc phục nếu có. Cơ quan chức năng đã rà soát, đánh giá các khu dân cư, nhà có nguy cơ sạt lở, sụt lún để có kế hoạch sửa chữa, gia cố kịp thời".

Ông Nguyễn Văn Huấn, Trưởng phòng Dự báo Khí tượng thủy văn (Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên) cho biết lượng mưa tăng tại vùng động đất gây nguy cơ sạt lở. Ảnh: T.V.Y

Ông Nguyễn Văn Huấn, Trưởng phòng Dự báo Khí tượng thủy văn (Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên) cho biết lượng mưa tăng tại vùng động đất gây nguy cơ sạt lở. Ảnh: T.V.Y

Cần tính toán phương án chống động đất

Liên quan đến việc động đất xảy ra với tần suất ngày một tăng, cường độ ngày càng mạnh tại Kon Plông, huyện Kon Plông cho biết, trên địa bàn huyện chủ yếu là đường giao thông nông thôn loại B với kết cấu mặt đường là bê tông xi măng dày từ 16-18cm.

Đường quốc lộ 24 đoạn từ xã Hiếu đến trung tâm huyện có chiều dài khoảng 30km là đường cấp III, với kết cấu mặt đường bê tông nhựa, các công trình cầu trên đường là cầu bê tông dự ứng lực. Đoạn còn lại từ xã Hiếu đến Pờ Ê khoảng 20km là đường cấp IV miền núi.

Đường Trường Sơn Đông, tỉnh lộ 676 với quy mô cấp IV, kết cấu mặt đường chủ yếu là bê tông xi măng, các công trình cầu trên đường là cầu bê tông dự ứng lực.

Huyện Kon Plông cho biết, đối với hệ thống giao thông trên địa bàn huyện, động đất ở cấp 5 hôm 28/7 chưa phát hiện ra xảy ra hư hỏng.

Để đảm bảo phương án chống động đất, ThS Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Tư vấn giao thông Gia Lai cho rằng, với động đất ngày càng tăng tại khu vực Kon Plông, các nhà tư vấn, thiết kế cần căn cứ vào diễn biến tình hình động đất, các dự báo để có phương án trong thiết kế để đảm bảo công trình tại địa phương cũng như thiết kế nhà dân.

Theo đó, trong quá trình tư vấn thiết kế các công trình xây dựng cần có các có hệ số tính toán cho từng vùng theo cấp độ động đất để đưa vào ban đầu.

Cũng theo ông Tuấn cũng lưu ý nhà thiết kế khi đưa vào tính toán cần tính cho vùng có động đất. Ví dụ như việc tăng thêm lượng sắt giằng, tăng thêm dầm... Tuy nhiên, chi phí xây dựng sẽ tăng lên.

Tạ Vĩnh Yên

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/mua-lon-kem-dong-dat-se-tang-nguy-co-sat-lo-o-kon-tum-192240730085106843.htm