Mưa lớn kéo dài gây sạt lở trên đèo Prenn Đà Lạt

Trước tình trạng đèo Prenn bị sạt lở ở nhiều vị trí, Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng kè, tường chắn bê tông để giảm nguy cơ đất đá lăn xuống, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Cắm biển cảnh báo nguy hiểm khi taluy dương của đoạn đường tiếp giáp với đèo Prenn bị sạt lở.

Cắm biển cảnh báo nguy hiểm khi taluy dương của đoạn đường tiếp giáp với đèo Prenn bị sạt lở.

Mưa lớn kéo dài hơn 10 ngày qua đã khiến một số vị trí trên đèo Prenn (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) sạt lở. Lượng lớn đất đá từ taluy dương tràn xuống mặt đường, nguy cơ mất an toàn cho xe cộ lưu thông trên đèo.

Một số vị trí đất đá tràn xuống đường đã được cơ quan chức năng hốt dọn để đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông trên đèo.

Vài nơi, đất đá đổ xuống gây tắc mương thoát nước ở mép đường làm nước tràn lên mặt đường.

Một vị trí sạt lở ở taluy dương khiến đất đá đổ xuống lấp mương, nước tràn lên mặt đường.

Một vị trí sạt lở ở taluy dương khiến đất đá đổ xuống lấp mương, nước tràn lên mặt đường.

Đáng lưu ý, trên con đường dẫn vào tổ dân phố 18 (phường 3), đoạn tiếp giáp với đèo Prenn có đoạn taluy dương dài khoảng 20m, cao 10m bị sạt lở, đất đá rơi xuống phía dưới. UBND phường 3 đã kịp thời giăng dây và cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại vị trí sạt lở này.

Sau khi kiểm tra hiện trạng tuyến đường đèo Prenn, Sở GTVT Lâm Đồng đã có văn bản gửi Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh đề nghị kịp thời triển khai một số biện pháp nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu công trình giao thông của tuyến đèo Prenn.

Theo đó, Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh cần thường xuyên kiểm tra hiện trường tuyến đèo Prenn để kịp thời phát hiện những vị trí bị hư hỏng, các yếu tố tiềm ẩn mất an toàn giao thông và kịp thời triển khai biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Khi xảy ra tình trạng sạt trượt đất, đá từ taluy dương xuống đường, cần khẩn trương triển khai hốt dọn để xe cộ thuận tiện lưu thông.

Đối với tình trạng đất, đá sạt trượt từ ta luy xuống đường làm lấp mương dọc theo tuyến đường, phải nhanh chóng khơi thông các vị trí tắc nghẹt của mương để đảm bảo khả năng thoát nước, tránh ngập úng và tránh nước chảy tràn ra mặt đường.

Đất đá tràn xuống mương thoát nước khi taluy dương bị sạt lở

Đất đá tràn xuống mương thoát nước khi taluy dương bị sạt lở

Cũng theo Sở GTVT, hiện nay, một số vị trí trên tuyến đèo Prenn có có mái taluy dương cao từ 2-3m được đào đắp nhưng chưa xây tường chắn. Những vị trí này có địa chất đất, đá không liền khối, không đồng nhất, rời rạc nên rất dễ xảy ra sạt trượt khi ngậm thấm nước do mưa kéo dài.

Trước tình hình đó, Sở GTVT đề nghị Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh tổ chức nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng kè, tường chắn bê tông hoặc rào lưới chắn... để giảm nguy cơ đất đá lăn xuống gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Được biết, đèo Prenn dài hơn 7,2km đã được khởi công nâng cấp, mở rộng từ tháng 2/2023 với tổng mức đầu tư hơn 550 tỷ đồng với quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 60km/h. Cuối tháng 1/2024, Lâm Đồng đã thông xe toàn tuyến đèo Prenn, nối vào quốc lộ 20, tuyến đường huyết mạch từ Đông Nam Bộ lên Đà Lạt.

Quế Như

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mua-lon-keo-dai-gay-sat-lo-tren-deo-prenn-da-lat-post1657758.tpo