Mưa lớn kéo dài gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung

Mưa lớn liên tục trong ngày 14/10 khiến nhiều vùng trũng thấp ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình ngập lụt, nhiều khu dân cư chìm trong 'biển nước'. Đến nay, có 2 người chết tại Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế và 1.564 nhà bị ngập, trong đó riêng Đà Nẵng có đến 1.432 ngôi nhà.

Mưa lớn gây ngập lụt tại thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, Đà Nẵng. (Ảnh: Báo Đà Nẵng)

Mưa lớn gây ngập lụt tại thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, Đà Nẵng. (Ảnh: Báo Đà Nẵng)

Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, mưa lớn gây nhiều thiệt hại tại khu vực miền Trung, hiện nay, mực nước các sông Thừa Thiên - Huế, sông Cẩm Lệ tại Đà Nẵng trên báo động 1 và đang xuống, các sông khác khu vực miền Trung dưới báo động 1.

Cụ thể, mưa lũ đã làm 1 người chết tại Hà Tĩnh do nước cuốn trôi và 1 người bị chết tại Thừa Thiên - Huế khi đánh bắt cá.

Mưa lớn đã khiến 1564 ngôi nhà bị ngập (Quảng Trị 17 nhà, Đà Nẵng 1.432 nhà, Huế 115 nhà).

Về giao thông, tỉnh Quảng Bình: 22 điểm các ngầm, tràn, tuyến đường liên thôn bị ngập.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngập một số tuyến giao thông tại TP. Huế, các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Thủy, Hương Trà, Phú Vang từ 0,1-1,5m; các quốc lộ 1, 49, 49B, tỉnh lộ 3, 4, 6B, 8A, 8C, 12C, 12D, 15, 15B, 17B, 19, 25B ngập cục bộ từ 0,2-1,2m.

Thành phố Đà Nẵng, hiện còn một số điểm ngập cục bộ, nước đang rút chậm tại các quận Thanh Khê, Liên Chiểu, Hòa Vang.

Về nông nghiệp, 67,1ha hoa màu bị ngập (Quảng Trị 24ha; Đà Nẵng 28,1ha, Quảng Nam 15ha); 2,73ha thủy sản bị thiệt hại (Đà Nẵng).

Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ ở thượng lưu sông La (Hà Tĩnh), các sông từ Quảng Bình, Quảng Ngãi lên mức báo động 1 - báo động 2 và trên báo động 2; các sông ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam lên mức báo động 2 - báo động 3, các sông nhỏ lên trên báo động 3.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi.

Hiện chính quyền các địa phương, đã khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ phối hợp cùng người dân tổ chức gia cố, khóa các vị trí sạt lở xung yếu, tránh để lan rộng; cắm biển cảnh báo, bố trí lực lượng chốt trực, khoanh vùng sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại khu vực sạt lở… tổ chức ứng phó, khắc phục hậu quả và tiếp tục thống kê thiệt hại.

Đồng bào miền Trung phải chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ gây ra

Đồng bào miền Trung phải chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ gây ra

Đánh giá về đợt mưa lũ đang diễn ra, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia), nhận định đợt mưa lớn đang xảy ra ở miền Trung rất nguy hiểm, thể hiện qua mức độ rủi ro thiên tai do mưa lớn được cảnh báo lên đến cấp 4 - cấp cao nhất - đối với khu vực Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng.

"Các hình thái gây ra mưa lớn ở Trung Bộ đợt này tương tự với đợt mưa lũ lịch sử diễn ra các ngày 1 đến 6-11-1999, nhưng cường độ của năm 1999 mạnh hơn. Do đó, khả năng cao đợt mưa đã, đang và sẽ xảy ra ở miền Trung không khốc liệt, gay gắt bằng giai đoạn mưa lũ lịch sử 24 năm trước"- ông Hưởng đánh giá.

Từ ngày 15-10 đến ngày 17-10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Bình Định có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-250 mm, có nơi trên 400 mm, riêng khu vực Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 250-450 mm, có nơi trên 700 mm; ở khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 150 mm.

Ngoài ra, trong ngày và đêm 15-10 ở khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và các nơi khác ở Nam Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 30-50 mm, có nơi trên 80 mm (thời gian mưa dông tập trung vào chiều và đêm).

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/mua-lon-keo-dai-gay-thiet-hai-nang-ne-cho-cac-tinh-mien-trung-401042.html