Mưa lớn kéo dài tại Tuyên Quang làm 1 người thiệt mạng do sạt lở đất
Trong các ngày 30 và 31/7, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có mưa vừa đến mưa to, lượng mưa đo được phổ biến từ 30-80mm, một số nơi có mưa rất to lượng mưa lên đến 113mm. Hiện nay, trên địa bàn các huyện, thành phố đã xảy ra ngập úng vùng trũng thấp, ven suối. Tính đến 18 giờ tối 31/7, mưa lớn gây sạt lở đất làm một người thiệt mạng; làm 60 ngôi nhà bị thiệt hại; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở; nhiều diện tích lúa, hoa màu, cây lâm nghiệp và các công trình thủy lợi bị ảnh hưởng. Ước thiệt hại hơn 8 tỷ đồng.
Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 31/7, tại thôn Tân Bình, xã Đội Bình, huyện Yên Sơn xảy ra vụ sạt lở đất ta-luy đồi đã vùi lấp khiến ông Nguyễn Hữu Thắng, sinh năm 1936 thiệt mạng.
Ngay sau khi nắm bắt thông tin, Ủy ban nhân dân xã Đội Bình đã huy động lực lượng hỗ trợ gia đình tìm kiếm, đến 18 giờ cùng ngày đã tìm thấy thi thể nạn nhân. Ủy ban nhân dân xã Đội Bình và Ủy ban nhân dân huyện Yên Sơn đã đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, chia sẻ mất mát với gia đình nạn nhân.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong 60 ngôi nhà bị thiệt hại có 2 nhà của người dân ở huyện Chiêm Hóa bị sạt lở mái ta-luy làm đất tràn vào nhà, thiệt hại từ 30-50%; 25 nhà bị thiệt hại dưới 30%; 33 nhà bị ngập, bị sạt lở đất gần nhà; thực hiện di dời khẩn cấp 1 nhà tại thôn Nà Thài, xã Thượng Giáp, huyện Na Hang.
Mưa lớn cũng làm 11 điểm cầu tràn tại huyện Sơn Dương bị ngập; gây 1 điểm sạt lở tại Quốc lộ 2, đoạn qua địa phận xã Yên Phú, huyện Hàm Yên. Nhiều công trình kè, mương thủy lợi tại huyện Chiêm Hóa và huyện Sơn Dương bị hư hỏng. Gây thiệt hại hơn 846ha lúa, 468ha ngô và rau màu, 5,7ha cây lâm nghiệp; 10ha ao cá bị tràn bờ; 21 cột điện bị đổ gãy.
Trong những ngày tới, dự báo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tiếp tục có mưa kéo dài, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương, thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống lụt bão, nêu cao tinh thần chủ động khẩn trương theo phương châm "4 tại chỗ", chủ động bám sát tình hình mưa bão, không để ảnh hưởng tài sản và tính mạng người dân.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ và thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh có hiệu quả; khẩn trương kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, tổ chức di dời ngay đối với những hộ dân đang sinh sống tại nơi có nguy cơ cao đến nơi an toàn. Đặc biệt là các hộ gia đình đang sinh sống ở khu vực có ta-luy dương cao gần nhà ở, khu vực ven sông, ven suối.
Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để xử lý khi có tình huống thiên tai xảy ra, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Chủ động khắc phục kịp thời sự cố, bảo đảm giao thông trên các trục chính và bảo đảm an toàn đối với các khu khai thác khoáng sản, công trình đang thi công.
Bảo đảm an toàn đê, kè nhất là vị trí xung yếu hoặc đang thi công, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất. Bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra.