Đêm 24 rạng sáng 25/7, một trận lũ quét bất ngờ tràn về làm sạt lở nửa quả đồi cuốn theo hàng trăm nghìn mét khối đất đá gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân xã Mường Pồn, huyện Điện Biên. Trong ảnh: Trận lũ quét làm 'xóa sổ' 18 nhà dân ở xã Mường Pồn, Điện Biên. (Nguồn: Điện Biên)
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Điện Biên, mưa lớn, lũ quét làm hai người ở bản Mường Pồn thiệt mạng, năm người mất tích, hai người bị thương; hơn một trăm ngôi nhà của người dân bị hư hỏng, đổ sập. Trong ảnh: Đất đá tràn trên tuyến Quốc lộ 12 (đoạn qua xã Mường Pồn) còn rất lớn; công tác khắc phục rất khó khăn, nguy hiểm. (Nguồn: Nhân dân)
Ước tính thiệt hại về tài sản, công trình thủy lợi, sản xuất, giao thông ở Mường Pồn khoảng 25 tỷ đồng. Trong ảnh: Lũ quét phá hủy nhiều ngôi nhà, ruộng nương của bà con. Ngoài 18 ngôi nhà bị 'xóa sổ' thì có khoảng 100 nhà dân bị ảnh hưởng do mưa lũ. (Nguồn: Tuổi trẻ)
Ngay trong đêm, khi nhận tin lũ quét, huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng về Mường Pồn, lãnh đạo, cán bộ Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên hỗ trợ cứu người, di chuyển tài sản và tìm kiếm người mất tích. Hiện tại còn hàng chục ngôi nhà vẫn ngập trong nước và đối diện nguy cơ đổ sập vì đất từ ta-luy dương vẫn tiếp tục trượt từ trên núi xuống. (Nguồn: Nhân dân)
Ngày 25/7, công tác tìm kiếm người mất tích, di chuyển người dân khỏi vùng lũ quét được thực hiện hết sức khẩn trương song rất khó khăn vì mưa liên tục không ngớt. Đất đá tiếp tục sạt trượt từ trên núi xuống rất nhiều. Trong ảnh: Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm người bị mất tích. (Nguồn: Nhân dân)
Quốc lộ 12 đoạn từ trung tâm xã Mường Pồn đi huyện Mường Chà bị hư hỏng nặng; nhiều đoạn đất vùi lấp toàn bộ nền đường, giao thông trên tuyến bị tê liệt hoàn toàn. Trong ảnh: Một trong những điểm sạt lở nghiêm trọng tại Quốc lộ 12 đoạn qua xã Mường Pồn, huyện Điện Biên đang được ngành chức năng huy động máy móc, nhân lực khẩn trương khắc phục.(Nguồn: Nhân dân)
Ngay sau khi nhận được thông tin, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường đã trực tiếp đến hiện trường kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các lực lượng ưu tiên cao nhất nhân lực, phương tiện tập trung tìm kiếm người mất tích; khẩn trương cứu chữa người bị thương và thăm hỏi gia đình có người bị nạn. Trong ảnh: Lực lượng cứu hộ cứu nạn đưa người dân bị thương do mưa lũ, sạt lở đất qua suối để đi cấp cứu. (Nguồn: Điện Biên)
Theo thống kê của UBND tỉnh Sơn La đến 16 giờ ngày 25/7, mưa to đã gây ra lũ quét, sạt lở đất đá làm 6 người chết tại bản Hua Pư, xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn và 1 người chết tại bản Hua Lành, xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu; 3 người mất tích tại xã Bản Lầm, Chiềng Bôm và Co Mạ, huyện Thuận Châu do bị lũ cuốn trôi, ba người bị thương; gây thiệt hại 763 nhà ở, trong đó 53 gia đình phải di dời khẩn cấp, còn lại bị ngập nước và thiệt hại từ 30% đến hơn 70%. (Nguồn: Thanh niên)
Là một trong những huyện bị ảnh hưởng nặng nhất do tại địa bàn xảy ra lũ quét, thiệt hại lớn về người và tài sản, huyện Mai Sơn đã huy động các lực lượng phối hợp cùng xã, bản hỗ trợ, giúp các gia đình di chuyển người, tài sản đến nơi an toàn đối với các hộ trong diện nguy cơ bị sạt lở, lũ quét. Trong ảnh: Mưa, lũ gây thiệt hại cây trồng tại xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Quốc Tuấn)
Theo Bí thư huyện ủy Mai Sơn Nguyễn Việt Cường, tại địa bàn xã Chiềng Nơi có hai bản Pá Hốc và Hua Pư bị thiệt hại nặng nhất, có sáu người chết... huyện đã chỉ đạo lực lượng “4 tại chỗ” của xã, bản tìm kiếm người mất tích và tập trung khắc phục hậu quả. Trong ảnh: Cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ người dân ra khỏi khu vực ngập úng. (Nguồn: Nhân dân)
Nhiều tuyến đường sạt lở, ngập nặng do mưa lớn, cản trở việc đi lại của người dân. (Nguồn: Thanh niên)
Tại thành phố Sơn La, cũng do mưa lớn trong đêm kéo dài đã gây sạt lở đất và ngập úng trên diện rộng, làm 538 nhà ở bị sạt lở, ngập trong nước. Trong đó, 124 ngôi nhà thiệt hại từ 30-70% và 414 ngôi nhà… bị ngập úng ước tính thiệt hại ban đầu gần 73 tỷ đồng. (Nguồn: Thanh niên)
Ngay sau đó, thành phố Sơn La đã thành lập 12 đoàn công tác tới nắm tình hình, thăm hỏi, hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng mưa lũ; tổ chức lực lượng hỗ trợ di chuyển người, tài sản ra khỏi khu vực ngập úng...; thực hiện nghiêm việc duy trì chế độ trực chỉ huy liên tục và cung cấp số điện thoại thường trực đến người dân và trên các phương tiện thông tin đại chúng. (Nguồn: Thanh niên)
Tại Hòa Bình, mưa lũ trên diện rộng đã gây thiệt hại lớn về tài sản và hoa màu tại tỉnh Hòa Bình. Mưa lũ còn làm sạt lở nhiều tuyến đường khiến giao thông tê liệt. Nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, ngập lụt chia cắt giao thông: tại huyện Đà Bắc sạt lở 11 điểm, lượng đất đá sạt hàng chục nghìn m3. (Nguồn: Nhân dân)
Cụ thể, tại huyện Mai Châu có 42 nhà bị sạt lở; tại thành phố Hòa Bình: 5 nhà. Tại huyện Lương Sơn có 166 nhà bị ngập và chết 3.200 con gà. Mưa lớn gây ngập úng khoảng 21ha lúa mới cấy tại huyện Đà Bắc; khoảng 129ha lúa, 14ha ngô, 5 hoa màu tại thành phố Hòa Bình; 120,3ha lúa và hoa màu tại huyện Mai Châu; huyện Lương Sơn ngập 247ha lúa… (Nguồn: Nhân dân)
Tại Hà Nội, mưa lớn kéo dài từ ngày 23/7 đến sáng 24/7 khiến nhiều khu vực tại Hà Nội bị ngập nặng. Địa bàn xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) xảy ra bốn sự cố sạt trượt mái đê, gồm: sự cố sạt trượt mái đê thượng lưu, với chiều cung sạt 12m; sạt trượt mái đê thượng lưu tại địa bàn xã Đồng Quang, với chiều dài cung sạt 30m; sạt trượt tại vị trí K15+050÷K15+075, với chiều dài cung sạt khoảng 25m và sạt trượt mái đê thượng lưu, tại địa bàn xã Tân Hòa, với chiều dài cung sạt 20m. Trong ảnh: Nước sông Bùi dâng cao gây ngập sâu tại huyện Quốc Oai. (Nguồn: Nhân dân)
Đến chiều 24/7, trên địa bàn huyện Quốc Oai có gần 1.580ha, gồm hơn 1.350ha trồng lúa, 22ha cây màu, hơn 201ha cây ăn quả bị ngập. Trong ảnh: Lực lượng chức năng xã Phú Cát, huyện Quốc Oai khắc phục sự cố sạt lở đê bao. (Nguồn: Nhân dân)
Tại tuyến đường Hoàng Tùng đoạn qua Khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức), dù trời đã tạnh mưa nhưng đường vẫn ngập sâu tới 80-90cm khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng; các phương tiện giao thông di chuyển khó khăn. (Nguồn: Nhân dân)
Nhiều tuyến phố và khu dân cư ngập sâu ảnh hưởng đến giao thông và đời sống dân sinh. Trong ảnh: Nước ngập sâu tới từng con ngõ trong phố Triều Khúc (quận Hà Đông) khiến việc đi làm, đi học của người dân gặp trở ngại. (Nguồn: Dân trí)
Phố Ngọc Lâm (Long Biên) nhiều đoạn cũng trong tình trạng ngập úng kéo dài. (Nguồn: Dân trí)
(tổng hợp)
Kha Ninh