Mưa lớn ở Bắc Bộ kéo dài đến khi nào?

Cơ quan khí tượng dự báo từ nay đến hết ngày 24-8, khu vực Bắc Bộ và Hòa Bình tiếp tục xảy ra mưa lớn với lượng mưa phổ biến khoảng từ 50-100 mm, có nơi trên 200 mm

Mưa lớn đêm 22-8 khiến giao thông ở nhiều tuyến phố ở Thái Nguyên bị tê liệt. Ảnh: MXH

Mưa lớn đêm 22-8 khiến giao thông ở nhiều tuyến phố ở Thái Nguyên bị tê liệt. Ảnh: MXH

Chiều 23-8, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết đêm qua và sáng nay 23-8, Bắc Bộ và khu vực Hòa Bình đã xảy ra một đợt mưa rất lớn với lượng mưa phổ biến từ 50-100 mm, một số nơi có mưa lớn hơn như Thái Nguyên là 219 mm; ở khu vực Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) mưa 195 mm; Hoài Đức (Hà Nội) là 193 mm.

Đáng lưu ý, lượng mưa ở Hoài Đức đã vượt mức lịch sử được thiết lập vào tháng 8-2022 là 190 mm.

Nguyên nhân của đợt mưa lớn lần này là vùng xoáy thấp phát triển từ mặt đất lên đến 5.000 m cộng thêm tác động của trường gió Đông Nam của khối không khí biển lấn từ phía Đông vào.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Clip: Hoàng Linh

Theo ông Hưởng, từ chiều tối ngày 23-8 đến sáng ngày 25-8, ở khu vực phía Đông Bắc Bộ và Hòa Bình có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-100 mm, cục bộ có nơi trên 200 mm.

Từ đêm 24-8 đến sáng ngày 25-8, ở phía Tây Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-50 mm, cục bộ có nơi trên 150 mm.

Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc

Cơn mưa lớn kéo dài từ tối muộn ngày 22-8 tới tận sáng hôm 23-8 khiến cho Hà Nội xuất hiện nhiều điểm úng ngập, các phương tiện di chuyển khó khăn, thậm chí có nơi giao thông bị tê liệt.

Trận mưa lớn đêm 22-8 đã gây ngập nhiều nơi tại TP Hà Nội

Trận mưa lớn đêm 22-8 đã gây ngập nhiều nơi tại TP Hà Nội

Tại Thái Nguyên, do ảnh hưởng trận mưa lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh từ ngày 22-8 đến nay, một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên đã bị thiệt hại về tài sản. Mưa lớn cũng khiến cho mực nước tại hồ Núi Cốc dâng cao, nhiều tuyến phố, đường Minh Cầu, ngã tư Lương Ngọc Quyến - Phan Đình Phùng, ngã tư Hoàng Gia, khu vực cổng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, ngã ba Bắc Nam, đường Bến Tượng... bị ngập sâu, giao thông tê liệt.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên, tại huyện Đại Từ và Định Hóa, mưa to đã gây ngập úng khoảng 51,5 ha lúa, 1,5 ha cây màu và 7 ha chè; làm vỡ 1 ao nuôi cá truyền thống với mức thiệt hại khoảng 2 tấn; một số cầu tràn của hai huyện bị ngập sâu. Tại một số hồ chứa của huyện Đại Từ (Đoàn Ủy, Suối Diễu, Phú Xuyên, Gò Miếu…) mực nước đã vượt qua ngưỡng tràn.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Thái Nguyên, các sông suối trên địa bàn tỉnh hiện đang xuất hiện một đợt lũ với biên độ từ 1,5 đến 3 m; nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, đô thị của 9 huyện, thành phố trong tỉnh; đặc biệt là các khu vực xung quanh dãy Tam Đảo (bao gồm các huyện Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương và các thành phố Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên).

Dự báo xa hơn, sau đợt mưa lớn này, Bắc Bộ chuyển sang trạng thái ít mưa cho đến hết tháng 8. Bước sang tháng 9 vẫn là tháng mùa mưa khu vực Bắc Bộ, vì vậy Bắc Bộ và các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục có nhiều ngày mưa vừa, mưa to, nguy cơ xảy ra lũ quét, trượt lở đất trong thời gian tới tiếp tục ở mức cao đến rất cao.

Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mua-lon-o-bac-bo-keo-dai-den-khi-nao-196240823160241781.htm