Mưa lớn ở Hà Nội, Thái Nguyên kéo dài đến khi nào?

Mưa lớn diện rộng kéo dài đã gây ra tình trạng ngập úng nghiêm trọng ở nhiều khu vực tại Hà Nội, Thái Nguyên.

Chiều 23/8, trao đổi với Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đêm qua và sáng nay, Bắc Bộ và khu vực Hòa Bình đã xảy ra một đợt mưa với lượng rất lớn từ 50-100mm. Một số nơi có mưa lớn hơn như Thái Nguyên là 219mm, ở khu vực Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) mưa 195mm, Hoài Đức (Hà Nội) là 193mm. Đáng lưu ý, lượng mưa ở Hoài Đức đã vượt mức lịch sử được thiết lập vào tháng 8/2022 là 190mm.

Đường Phan Đình Phùng, phường Đồng Quang, TP. Thái Nguyên ngập sâu 50-70cm

Đường Phan Đình Phùng, phường Đồng Quang, TP. Thái Nguyên ngập sâu 50-70cm

Ông Nguyễn Văn Hưởng nhận định, nguyên nhân của đợt mưa lớn lần này là vùng xoáy thấp phát triển từ mặt đất lên đến 5000m cộng thêm tác động của trường gió Đông Nam của khối không khí biển lấn từ phía Đông vào.

Vùng xoáy thấp và đới gió Đông Nam tiếp tục duy trì nên từ chiều tối và đêm nay đến hết ngày 24/8, khu vực Bắc Bộ và Hòa Bình tiếp tục xảy ra mưa lớn với lượng mưa khoảng từ 50-100mm, có nơi trên 200mm. Ngoài ra, các khu vực khác có lượng mưa phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 100mm.

"Sau đợt mưa này, Bắc Bộ chuyển sang trạng thái ít mưa đến hết tháng 8. Trong tháng 9 vẫn là tháng mùa mưa ở Bắc Bộ, Tây Nguyên, do đó khu vực này vẫn có nhiều ngày mưa vừa, mưa to, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực này vẫn ở mức cao đến rất cao", ông Nguyễn Văn Hưởng lưu ý.

Trước các hình thái thời tiết trên, vị chuyên gia khuyến cáo người dân cần phải thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố, khu vực, đồng thời cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.

Chính quyền và các đơn vị chức năng cần cung cấp nhanh, kịp thời thông tin dự báo thiên tai cho người dân, vận động, tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất... Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương.

Chí Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mua-lon-o-ha-noi-thai-nguyen-keo-dai-den-khi-nao-341067.html