Mưa lớn ở Tây Nguyên: Ít nhất 6 người chết, hàng ngàn ngôi nhà ngập lụt
Đến trưa ngày 8-8, theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Tây Nguyên, mưa lớn kéo dài từ chiều ngày 6-8 đến ngày 8-8 đã gây lũ lụt cục bộ trên nhiều tỉnh, thành Tây Nguyên, làm ít nhất 3 người chết, nhiều người bị nước cuốn, may được cứu nạn kịp thời; hàng ngàn ngôi nhà cùng nhiều diện tích tài sản, hoa màu; hàng vạn con gia súc, gia cầm bị ngập lụt, cuốn trôi, thiệt hại ước tính cả ngàn tỷ đồng.
Tại Lâm Đồng: Đến sáng 8-8, trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục xảy ra mưa lớn kéo dài trên diện rộng, gây ngập lụt cục bộ ở nhiều nơi, nhiều tuyến đường nước ngập sâu gần 1m gây ngập lụt, chia cắt; nhiều diện tích hoa màu cùng khoảng 100 ngôi nhà bị chìm trong biển nước.
Các huyện phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, gồm Đạ Huoai, Đạ Tẻh, cát Tiên hàng năm đều xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét, năm nay thiệt hại nặng nề. Huyện Cát Tiên nhiều nơi bị ngập sâu, trung bình khoảng 0,8m. Nước lớn làm ngập đường giao thông khiến thôn 1, xã Tiên Hoàng bị chia cắt, cô lập trong nhiều giờ.
Các huyện và hai thành phố còn lại là Đà Lạt, Bảo Lộc liên tục có mưa không ngớt suốt những ngày qua. Tại Bảo Lộc, khoảng 8 giờ 30, trong lúc giúp đỡ người dân thông cống, tránh nước ngập, ông Hoàng Minh Tú (50 tuổi, Công an viên thôn Tân Thịnh, xã Lộc Châu) đã bị trượt chân rơi xuống hố cống sâu và bị nước nhấn chìm. Mặc dù được mọi người nỗ lực tìm kiếm và trục vớt, nhưng ông Tú đã tử vong khi được đưa lên bờ.
Tại TP. Đà Lạt, mưa lớn nước đổ về dòng suối Cam Ly, gây ngập lụt nhiều nhà dân quanh các phường 4, 5, 8, 11. Nhiều tuyến đường trong phố ngập sâu trong nước. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho bà con, các địa phương đang huy động các lực lượng chức năng sẵn sàng triển khai nhiệm vụ giúp đỡ người dân phòng chống mưa lũ.
Tại Đắk Nông: Những ngày qua liên tục có mưa to, kéo dài gây ngập cục bộ tại một số địa phương, khiến hàng ngàn ha cây trồng và hơn 60 căn nhà bị ngập lụt. Nặng nhất tại 2 xã Cư Knia và Ea Pô của huyện Cư Jút là bị ngập 700 ha hoa màu và 40 ngôi nhà.
Còn tại huyện Đắk Rlấp, 400 ha cà phê hồ tiêu và 20 nhà dân cũng đang bị ngập trong nước. Tại các huyện Tuy Đức, Đắk R'lấp, mực nước đang lên rất nhanh, có nguy cơ xảy ra lũ quét. Nhiều tài sản của người dân và gia cầm bị cuốn trôi, nhiều tuyến giao thông liên xã bị ách tắc khó lưu thông.
Do mưa lớn kéo dài, tại xã Đắk Sin, H.Đắk R’lấp xảy ra vụ sạt lở đất vùi lấp 3 người trong gia đình anh Trần Văn Hiệu (28 tuổi, ngụ thôn 14, xã Đắk Sin) cùng vợ là Đỗ Thị Yến (25 tuổi) và con gái Trần Thị Diệu (2 tuổi) bị vùi lấp do sạt lở đất. Được biết chị Yến đang mang thai người con thứ 2. Đến chiều nay lực lượng chức năng đã tìm được 3 thi thể.
Tại Đắk Lắk: Đến nay, mưa lũ khiến 1 người chết, trên 800 ngôi nhà bị ngập lụt. Nạn nhân tử vong là ông Hoàng Trung Tùng (60 tuổi), ngụ thôn Hiệp Kết, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar. Khoảng 13 giờ ngày 6-8, ông Tùng lội qua con suối trước nhà để sang nhà hàng xóm chơi. Khi ông đi đến giữa dòng thì bất ngờ cơn lũ đổ về, cuốn trôi. Đến 17 giờ, người dân và cơ quan chức năng mới tìm thấy thi thể nạn nhân, cách hiện trường khoảng 1km.
Tại huyện Ea Sup (Đắk Lắk), trên 600 ngôi nhà và trên 6.000ha hoa màu bị ngập lụt, gần 200 con gia súc và trên 1.000 con gia cầm bị nước cuốn trôi. Nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã bị sạt lở, chia cách. Ước thiệt hại khoảng 700 tỷ đồng. Huyện Buôn Đôn cũng bị thiệt hại nặng nề do lũ quét. Đến nay, khoảng 150 ngôi nhà, nhiều diện tích hoa màu, hồ nuôi cá bị nhấn chìm trong nước. Mực nước tại các con sông, suối vẫn tiếp tục dâng cao.
Tại Gia Lai: Ngày 7-8, trên địa bàn có một cháu bé bị nước cuốn trôi vào cống dẫn đến tử vong. Nạn nhân là cháu Rơ Châm Khải (SN 2012, trú tại làng KLăh. Vào khoảng 8h sáng cùng ngày, cháu Khải ngồi chơi với mẹ và bà ở nhà. Khi mẹ và bà ngoại vào nhà có việc rồi đi ra, thì không thấy cháu Khải đâu. Lúc này gia đình nghi ngờ cháu ra cống trước nhà, nghịch nước rồi bị dòng nước chảy mạnh cuốn vào trong.
Nhận được tin báo từ gia đình, đến khoảng 9 giờ sáng, UBND xã đã nhanh chóng xuống nơi xảy ra sự việc và huy động tìm người, nhưng khi vớt được cháu Khải lên thì nạn nhân đã tử vong do bị ngạt nước. Nạn nhân chậm phát triển về trí não nên nói chưa rõ và phát triển không bình thường.
Trưa ngày 7-8, cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Ia Lốp, đóng xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã cứu được 3 người dân mắc kẹt khi nước lũ lên nhanh, tại khu vực Suối Đen. Mưa lớn kèm lũ quét cũng khiến người dân 2 tỉnh Gia Lai - Kon Tum bị thiệt hại nặng nề về tài sản: nhà cửa, hoa màu, gia súc, gia cầm...
Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, lãnh đạo tỉnh ủy, UBND các tỉnh Tây Nguyên và các ban, ngành chức năng đã chỉ đạo các lực lượng thành lập các đoàn công tác trực tiếp xuống các địa bàn xảy ra mưa lũ, lũ quét, chỉ đạo và thực hiện công các ứng phó, động viên nhân dân có nhà cửa bị ngập, cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại; di dời người dân có nhà cửa bị ngập đến nơi an toàn; đồng thời đảm bảo khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra; không để người dân bị đói trong những ngày mưa lũ và lũ rút; phòng chống dịch bệnh xảy ra...
Một số hình ảnh mưa lũ tại các tỉnh Tây Nguyên: