Mưa lớn tại miền Trung buộc thủy điện phải xả lũ, nhiều xã bị nước cô lập
Theo dự báo, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to, khả năng kéo dài đến ngày 5/9
1 áp thấp nhiệt đới suy yếu trên biển
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin, lúc 13h ngày 3/9 vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (tên quốc tế Kajiki) ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên khu vực ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 60km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 13h ngày 4/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 13h ngày 5/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở ngay trên vùng biển phía Đông Nam đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong khi đó, hiện nay 1 áp thấp nhiệt đới khác trên khu vực Bắc Biển Đông đã suy yếu thành một vùng áp thấp. 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Bắc, hướng về đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cảnh báo, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài đến ngày 5/9 (tổng lượng mưa phổ biến 300-500mm/đợt, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế 500-700mm/đợt, có nơi trên 700mm/đợt); khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to (200-300mm/đợt), Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông (100-150mm/đợt).
Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam cường độ mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Sóng biển cao 2,5-3,5m. Biển động mạnh.
Nhiều thủy điện buộc phải xả lũ
Ghi nhận thực tế, sáng nay (3/9) lượng mưa cao nhất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tập trung ở Hương Trạch (huyện Hương Khê) với 456,7mm. Mưa lớn dồn dập đã khiến mực nước các sông lên nhanh, Thủy điện Hố Hô buộc phải xả tràn.
Theo ông Phan Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, ngay sau khi Thủy điện Hố Hô tiến hành xả lũ, dòng nước lớn từ hồ đổ về nhanh khiến vùng hạ du huyện Hương Khê ngập sâu, nhiều nơi bị chia cắt không thể đi lại. Đến đầu giờ chiều nay, 10 xã trên địa bàn Hương Khê đã bị nước lũ cô lập, chia cắt cục bộ. Riêng các xã Phương Mỹ, Phương Điền, thôn Tân Dừa (Hương Trạch)… đã bị cô lập hoàn toàn.
Trong khi đó, trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã thông báo xả lũ từ 16h chiều nay.
Cũng từ 16h chiều nay, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện miền Trung mở cửa xả điều tiết nước hồ thủy điện A Lưới (diện tích lưu vực 331 km2, dung tích toàn bộ hồ chứa 60,2 triệu m3) về phía hạ du huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào với lưu lượng tăng dần từ 20 đến 400m3/s.
Tại tỉnh Nghệ An, cơn mưa kéo dài từ đêm 2/9 đến sáng 3/9 đã khiến nhiều tuyến đường tại TP Vinh ngập nặng từ 0,5 đến 0,8 m. Do vậy, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn; có nơi nước dâng cao nên người dân không dám xuống đường lưu thông mà phải chờ nước rút.
Còn theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, tại huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, mưa lớn kéo dài khiến nhiều địa phương bị cô lập cục bộ do nước dâng cao tại các cầu, tràn, khe suối. Vào đêm 2/9, tại xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong xảy ra lốc xoáy khiến nhiều nhà dân trên địa bàn bị tốc mái.
Tại tỉnh Quảng Bình, trên địa bàn huyện Minh Hóa đã có mưa to đến rất to, gây lũ chia cắt ở một số nơi; 1 người bị lũ cuốn mất tích khi đi bắt cá là chị Hồ Thị Chăn (SN 1989, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa) do lũ cuốn chiều 2/9. Hiện lực lượng chức năng đang tích cực tìm kiếm nạn nhân.