Mưa lớn, Thừa Thiên Huế điều tiết xả lũ 2 hồ thủy điện
Mưa lớn liên tục trong nhiều giờ qua tại Thừa Thiên Huế khiến mực nước các sông lớn trên địa bàn dâng nhanh. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát lệnh yêu cầu các chủ hồ chứa thủy điện, thủy lợi điều tiết lượng nước xả về hạ du phù hợp nhằm tăng dung tích phòng lũ của hồ chứa.
Chủ hai hồ chứa vừa được lệnh khẩn điều tiết nước tăng dung tích phòng lũ là hồ thủy điện Hương Điền trên sông Bồ và hồ chứa thủy lợi Tả Trạch ở thượng nguồn sông Hương. Theo đó, đơn vị quản lý vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện Hương Điền qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần từ 400 -700m3/giây, điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ. Thời gian bắt đầu tăng lưu lượng từ 15 giờ ngày 30/10.
Đối với hồ chứa nước Tả Trạch, vận hành điều chỉnh tăng lưu lượng điều tiết hồ chứa nước qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 350-700m3/giây, điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ, thời gian tăng dần lưu lượng là 14 giờ ngày 30/10. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các địa phương vùng hạ du của hồ Hương Điền và Tả Trạch nghiêm cấm các hoạt động thuyền bè, vớt củi, câu cá trên sông, đồng thời thông báo đến người dân để chủ động phòng tránh.
Sáng 30/10, ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, A Lưới, thị xã Hương Trà và thành phố Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 30-80mm, có nơi mưa trên 120mm. Sau đó mưa có xu hướng mở rộng về các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông và thị xã Hương Thủy. Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết:“Tỉnh cũng đã có chỉ đạo các địa phương có phương án ứng phó cũng như các chủ đập xây dựng các kịch bản để có phương án điều tiết, đảm bảo an toàn cho hạ du. Mưa lớn sẽ gây ra ngập úng cục bộ đề nghị người dân cũng như chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi để cảnh báo cho người dân an toàn trong sinh hoạt khi nước lên cũng như vấn đề giao thông qua lại các ngầm tràn, các điểm xung yếu”.