Mưa lớn, triều cường gây thiệt hại nặng
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, từ tối 30 đến sáng 31/3, khu vực Phú Yên có mưa to đến rất to, một số địa phương ven biển xuất hiện triều cường. Mưa to, gió lớn đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp; triều cường làm nhiều tàu cá bị chìm, nhiều lồng bè nuôi thủy sản bị thiệt hại.
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết: Từ đêm 30 đến sáng 31/3, khu vực huyện Tuy An có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa các nơi phổ biến từ 65-100 mm/đợt, kết hợp gió lớn gây thiệt hại cho một số xã trên địa bàn huyện. Đến chiều 31/3, trên địa bàn huyện có 2 người mất tích (gồm Trần Văn Thiện, sinh năm 2008, thôn Xóm Cát và Nguyễn Sam, sinh năm 1982, thôn Nhơn Hội, cùng ở xã An Hòa Hải). Về tàu thuyền, toàn huyện có 33 chiếc bị chìm; trong đó xã An Hòa Hải 27 chiếc, xã An Chấn 5 chiếc, xã An Ninh Đông 1 chiếc, ước thiệt hại về tàu thuyền khoảng 9,5 tỉ đồng. Về thủy sản, khoảng 100 bè nuôi tôm hùm ươm tại cửa biển Lễ Thịnh, thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông bị trôi dạt vào bờ; 2.000 lồng với khoảng 600.000 con tôm hùm ươm ở xã An Hòa Hải hư hỏng; ước thiệt hại về nuôi trồng thủy sản khoảng 65 tỉ đồng. Về lúa vụ đông xuân, trên địa bàn huyện đã có khoảng 1.140ha bị ngã đổ, ước thiệt hại khoảng 2,5 tỉ đồng.
“Trước mắt, tỉnh sẽ làm việc với các ngân hàng để có chính sách hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ, tái cho vay đối với những trường hợp bị thiệt hại. Về lâu dài, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tính toán, có giải pháp hợp lý, nhất là sắp xếp các khu vực nuôi trồng thủy sản phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh”
Theo UBND TP Tuy Hòa, đến trưa 31/3, trên địa bàn có 30 tàu cá và các trang thiết bị, ngư lưới cụ của ngư dân xã An Phú bị sóng đánh chìm, trong đó 10 tàu cá có công suất từ 100CV trở lên, ước thiệt hại ban đầu hơn 5 tỉ đồng. “Toàn bộ ngư dân trên các tàu cá bị sóng biển đánh chìm đã được đưa lên bờ đến nơi an toàn, không có thiệt hại về người. UBND TP Tuy Hòa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và xã, phường trên địa bàn phối hợp với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn triển khai ứng cứu, hỗ trợ khẩn cấp đối với người dân gặp nạn. Đồng thời yêu cầu các xã, phường tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết để triển khai các phương án ứng phó kịp thời. Hiện nay, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang tiếp tục di dời, trục vớt các tàu cá bị chìm”, ông Nguyễn Lê Vi Phúc, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa nói.
Tại TX Sông Cầu, ảnh hưởng mưa lớn, triều cường cũng gây thiệt hại nặng. Ông Hồ Nam Yên, Trưởng Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, cho biết: Đến chiều 31/3, trên địa bàn thị xã có 23 chiếc thuyền bị sóng lớn đánh chìm, nhiều thúng chai phục vụ nuôi trồng thủy sản cũng bị chìm, chưa thống kê được số lượng. Hiện các xã, phường phối hợp với bộ đội biên phòng cùng người dân trục vớt tàu thuyền bị chìm. Khoảng 6ha diện tích làm muối và muối đã thành hạt bị ngập nước. Ngoài ra, trên địa bàn thị xã còn nhiều diện tích lúa, cây trồng bị ngập úng, nhiều tuyến giao thông bị sạt lở nặng. Riêng vùng nuôi trồng thủy sản bị ngọt hóa, người dân chưa thống kê được thiệt hại.
Còn theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN TX Đông Hòa, trên địa bàn thị xã có 4 tàu cá cỡ nhỏ bị chìm khi đang neo đậu tại Vũng Rô, đến đầu giờ chiều 31/3, người dân đã trục vớt xong. Hiện còn 1 tàu cá công suất 90CV của ngư dân phường Hòa Hiệp Trung hành nghề mành tôm bị chìm tại Mũi Yến, người dân đang trục vớt. Về lúa vụ đông xuân, toàn thị xã có gần 2.890ha bị ngã đổ, ngập nước có khả năng bị thiệt hại.
Tại huyện Tây Hòa, từ chiều 30/3-31/3, mưa lớn khiến 3.522ha lúa vụ đông xuân đang giai đoạn chín sáp bị ngã, đổ, ngập. Ngoài ra, 70ha bắp sinh khối đang giai đoạn thu hoạch tại xã Sơn Thành Tây cũng bị đổ ngã; bờ tràn ở thôn Lạc Đạo (xã Sơn Thành Tây) và cầu Bến Nhiễu (xã Hòa Mỹ Tây) bị ngập, người dân địa phương không thể đi lại. Nước sông Bánh Lái lớn bất ngờ làm ngập 3 tổ máy bơm và làm chập cháy đường dây trạm bơm điện Ngọc Lâm...
Tại huyện Phú Hòa, ông Lê Ngọc Tính, Bí thư Huyện ủy cho biết: Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện có hơn 3.368ha (khoảng 62,8%) diện tích lúa bị đổ ngã; trong đó, hơn 230ha bị ngập trong nước. Nặng nhất là ruộng lúa tại các xã Hòa Quang Nam, Hòa An, Hòa Thắng. Hiện tại các xã tiếp tục rà soát, nắm chắc số lượng hoa màu bị thiệt hại của người dân để có hướng hỗ trợ.
Chiều 31/3, sau khi kiểm tra tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả do mưa lớn, triều cường tại huyện Tuy An, đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Tuy An phối hợp với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp tục tìm kiếm những người mất tích. Các sở, ngành và địa phương khẩn trương triển khai lực lượng hỗ trợ giúp dân khắc phục hậu quả do thiên tai, thống kê tình hình thiệt hại, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/272707/mua-lon-trieu-cuong-gay-thiet-hai-nang.html