Mưa lũ bất thường gây thiệt hại nặng nề

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng diễn biến bất thường của thời tiết lần này đã gây thiệt hại lớn cho nhiều địa phương miền Trung, cần mời các nhà khoa học nghiên cứu giải pháp hỗ trợ, ứng phó

Ngày 3-4, đoàn công tác do ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Tìm giải pháp hỗ trợ, ứng phó

Tại chuyến kiểm tra ở Quảng Trị, ông Trần Quang Hoài cho rằng diễn biến bất thường của thời tiết lần này đã gây thiệt hại lớn cho nhiều địa phương miền Trung. Trước mắt, Quảng Trị cần lưu ý những khu vực còn có thể bảo vệ được vụ mùa thì bơm thoát nước, chăm sóc cây trồng ngay sau khi nước rút; khu vực nào ngập sâu cần tập trung bắt đầu cho vụ mùa tới. Quảng Trị cần lưu ý việc bảo vệ tài sản, tính mạng người dân mùa mưa lũ.

Theo ông Hoài, Tổng cục Phòng chống thiên tai đang đề xuất mời các nhà khoa học, chuyên gia đồng hành cùng các tỉnh, thành miền Trung nghiên cứu giải pháp hỗ trợ vùng ngập, vùng biển và tính toán kỹ phương án chuyển đổi, xây dựng công trình tưới tiêu, cắt lũ, hạ tầng giao thông... để thích ứng với giai đoạn biến đổi khí hậu hiện nay. Cùng với đó, sẽ triển khai những giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương một cách bền vững, lâu dài.

Lực lượng chức năng kéo tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định bị sóng đánh chìm lên bờ vào ngày 3-4. Ảnh: ĐỨC ANH

Lực lượng chức năng kéo tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định bị sóng đánh chìm lên bờ vào ngày 3-4. Ảnh: ĐỨC ANH

Qua kiểm tra tại Thừa Thiên - Huế, ông Hoài đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả, nhất là các diện tích lúa còn lại của người dân; báo cáo thiệt hại gửi cơ quan Trung ương xem xét hỗ trợ. Lãnh đạo địa phương cần nghiên cứu để có giải pháp chuyển đổi mùa vụ phù hợp đối với một số vùng trũng trước hiện tượng thời tiết bất thường ngày càng diễn ra thường xuyên như hiện nay.

Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp huy động toàn bộ máy bơm tổ chức tiêu úng ngay sau khi nước rút để cứu lúa. Bên cạnh đó, kiểm tra xác định cụ thể mức độ thiệt hại và bàn biện pháp khắc phục, đặc biệt đối với các công trình đê bao nội đồng, các cống qua đê...; đồng thời lập kế hoạch sửa chữa kịp thời nhằm cấp nước phục vụ sản xuất.

Nhiều nơi vẫn còn ngập úng

Trước đó, từ ngày 31-3 đến 2-4, mưa lũ dị thường, trái mùa khiến nhiều địa phương ở miền Trung thiệt hại nặng nề. Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lũ gây ngập úng hơn 13.500 ha lúa, hoa màu và làm thiệt hại gần 200 ha nuôi trồng thủy sản ở huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, thị xã Quảng Trị; khoảng 800 nhà dân, chủ yếu ở huyện Hải Lăng, bị ngập.

Tại Thừa Thiên - Huế, mưa lũ, lốc xoáy đã làm 27 căn nhà tốc mái, 4 người bị thương. Cơn lũ trái mùa đã làm khoảng 20.090 ha lúa bị ngập úng, trong đó 12.502 ha ngập nặng; 2.400 ha rau màu, cây ăn quả cũng bị ngập; nhiều quai đê nội đồng bị hư hại. Hiện nay, nhiều khu vực, tuyến đường giao thông huyết mạch ở khu vực thấp trũng tại các huyện Quảng Điền, Phong Điền còn bị ngập sâu trong nước như Quốc lộ 49B, Tỉnh lộ 4, Tỉnh lộ 6, Tỉnh lộ 8A...; có nơi ngập đến 0,5 m, giao thông gián đoạn.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, sóng to, gió lớn bất thường vào sáng 31-3 đã đánh chìm 77 phương tiện đánh bắt của ngư dân ven biển, thiệt hại ước tính gần 4 tỉ đồng. Ngoài ra, tỉnh Bình Định còn có hơn 14.000 ha lúa sắp thu hoạch bị đổ ngã, 750 ha lúa và hơn 2.000 ha hoa màu bị ngập úng. Hiện các địa phương tại tỉnh Bình Định đang tiếp tục thống kê tình hình thiệt hại.

Đại tá Trần Quốc Bình, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, cho biết từ trước đến nay, khu vực ven biển tỉnh này hiếm khi xảy ra sóng dữ, gió lớn bất thường. Vì vậy, đợt mưa lũ gây sóng lớn bất ngờ vừa qua làm ngư dân trở tay không kịp, bị thiệt hại nặng.

Đến chiều 3-4, mưa lớn vẫn còn khiến nhiều cánh đồng lúa, hoa màu của người dân tại tỉnh Quảng Ngãi ngập sâu. Hàng ngàn hecta dưa hấu của nông dân Quảng Ngãi trồng dọc theo bãi bồi sông Trà Khúc bị hư hỏng nặng. Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, tính đến chiều 2-4, toàn tỉnh có khoảng 5.000 ha lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông và chuẩn bị thu hoạch bị ngập nước, ngã đổ. Ngoài ra, mưa lớn cũng làm cho 1.000 ha hoa màu bị ngập úng, hư hại nặng.

Tại Quảng Nam, đợt mưa lũ bất thường đã khiến 1 người chết, 160 nhà bị ngập, 2.963 ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn, 1.585 ha bị thiệt hại 50%-70%, 174 ha bị thiệt hại 30%-50%, hơn 8.400 ha bị ngập nước, lúa đang trổ bông nên khả năng hư hại rất cao...

Mưa lũ ngay đầu mùa khô là "rất dị thường"

Ông Lê Quang Lam, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, nhận định đợt mưa lũ vừa qua xảy ra ngay đầu mùa khô là rất dị thường. Ngay từ ngày 28-3, các cơ quan chuyên môn về dự báo đã phát các bản tin cảnh báo mưa lớn diện rộng, dự báo lũ. Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường, địa bàn tỉnh Quảng Trị lại chịu ảnh hưởng kết hợp của nhiều hình thế thời tiết nguy hiểm, liên tục nên thực tế về lượng mưa, mực nước đều vượt các mức độ cảnh báo ban đầu khá lớn.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết cuối tháng 3-2015, địa phương này cũng xảy ra trận mưa lũ bất thường. Tuy nhiên, vào năm đó thì mưa chỉ trên diện hẹp. Đợt mưa lần này có quy mô, mức độ lớn hơn nhiều, không những ở tỉnh Thừa Thiên - Huế mà trên diện rộng tại khu vực miền Trung, gây ra lũ trái mùa.

"Có thể do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu và hiện tượng thời tiết La Nina. Trong năm 2022 còn có thể xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết bất thường nữa" - ông Hùng dự báo.

Lý giải về hiện tượng mưa lũ trái mùa những ngày vừa qua, ông Phạm Văn Chiến, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ, cho biết nguyên nhân là do ảnh hưởng kết hợp giữa vùng rãnh thấp với vùng áp thấp và gió mùa Đông Bắc. Đợt mưa lớn này được nhận định là bất thường so với quy luật nhiều năm. Lượng mưa đo được lớn nhất phổ biến từ ngày 30-3 đến 1-4 ở miền Trung là 100-200 mm, có nơi 300 mm hoặc cao hơn.

Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả

Ngày 3-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ bất thường tại khu vực miền Trung.

Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của người dân các địa phương. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp với địa phương chỉ đạo điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, hiệu quả, an toàn tuyệt đối cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai; sơ tán, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương.

B.Trân

Tiếp tục mưa lớn trong những ngày tới

Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ chiều 3-4 đã phát bản tin dự báo mưa lớn trong những ngày tới ở khu vực này. Cụ thể, trong hai ngày 4 và 5-4, tại Thừa Thiên - Huế có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to; các tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

Nguyên nhân của đợt mưa này được nhận định là do ảnh hưởng của đới gió Đông rìa áp cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây, kết hợp với rìa Tây Nam lưỡi áp cao lạnh lục địa. Vì vậy, các địa phương cần theo dõi sát tình hình thời tiết qua các cơ quan dự báo, cảnh báo sớm thời tiết nguy hiểm để có phương án ứng phó phù hợp.

NHÓM PHÓNG VIÊN MIỀN TRUNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/mua-lu-bat-thuong-gay-thiet-hai-nang-ne-20220403212651223.htm