Mưa lũ chưa dứt, miền Trung có thể lại hứng bão cuối tuần tới
Hiện phía Đông Philippines đang hình thành nhiễu động, có thể thành áp thấp nhiệt đới hoặc bão và nhiều khả năng lại đi vào khu vực miền Trung vào cuối tuần tới (24-26/10).
Sáng nay (18/10), Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai tổ chức họp ứng phó với lũ khẩn cấp khu vực miền Trung.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm thông tin, hôm nay và ngày mai, ở Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An có mưa rất to với lượng mưa từ 400-600mm.
Khu vực từ Quảng Trị đi vào hôm nay lượng mưa giảm hơn so với 2-3 ngày trước, dự kiến từ 50-80mm/24h. Tuy nhiên, ngày mai không khí lạnh tăng cường, từ đêm mai đến ngày 21/10 tiếp tục có mưa, lượng mưa từ 100-150mm/24h.
Về lũ, sông Thạch Hãn lên mức BĐ3, trên BĐ3, hôm nay có thể xuống chậm. Tuy nhiên trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy lúc 7h sáng nay mức xấp xỉ lũ lịch sử 1979, ở mức 3,91m. Dự báo trong chiều nay sẽ lên cao hơn mức lịch sử khoảng 0,3-0,4m. Tại Hà Tĩnh khả năng lũ cũng rất cao.
Ông Khiêm cũng thông tin, hiện phía Đông Philippines đang hình thành nhiễu động, có khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới, có thể cuối tuần tới ảnh hưởng khu vực nước ta, nhiều khả năng lại đi vào khu vực miền Trung.
“Nếu vào khoảng ngày 24-26/10 thì cũng sẽ gây lượng mưa rất lớn, mức độ mưa tùy thuộc vào cơn áp thấp nhiệt đới hoặc bão này”, ông Khiêm nói.
Đại diện Bộ GTVT cho hay, mưa lũ kéo dài 2 tuần nay là rất nguy hiểm, được xem là thời kỳ nhạy cảm. Hiện Quốc lộ 1 đang tắc ở Quảng Bình (4 điểm bị ngập nước), Quảng Trị 1 điểm ngập. Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông tạm thời thông xe, nhánh Tây còn rất phức tạp.
Tối qua đường ray tại Đông Hà (Quảng Trị) đã bị ngập, hiện đã cho ngừng chạy tàu.
Đại tá Nguyễn Đình Hưng - Phó Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thông tin, tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tình hình sạt lở rất nghiêm trọng. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã điều trên 100 chiến sĩ cơ động vào Hướng Hóa phối hợp triển khai biện pháp ứng cứu cán bộ chiến sĩ bị vùi lấp tại căn nhà tập thể của Đoàn kinh tế 337 (Quân khu 4).
Sơ tán gần 53.000 hộ bị ngập và có nguy cơ sạt lở
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, tính đến 5h sáng nay, còn 52.933 hộ bị ngập và có nguy cơ sạt lở đất đang phải sơ tán, trong đó 8.337 hộ đã sơ tán. Các địa phương khác nước đã rút, người dân đã trở về nhà.
Mưa lũ khu vực miền Trung từ 6/10 đến nay làm 64 người chết, 5 người mất tích.
Cập nhật tại Thừa Thiên Huế về tình hình công nhân tại Rào Trăng 3 có 2 người chết và 15 người mất tích.
12 tuyến Quốc lộ, 17.409m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng (tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi)…
Kết luận cuộc họp, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng về tập trung ứng phó với mưa lũ lớn tại các tỉnh miền Trung.
Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; cứu chữa người bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại; bảo đảm khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ; khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ; hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực còn bị ngập sâu và kể cả người dân ở vùng lũ đã rút, tránh tâm lý chủ quan.
Đồng thời chỉ đạo, tổ chức giám sát, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du, dành dung tích để đón đợt lũ tiếp theo, đặc biệt là đối với các hồ chứa lưu vực sông Hương…