Mưa lũ đi qua, xót xa ở lại
Sau 4 ngày cơn lũ tràn qua, người dân huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An) vẫn đang phải 'lóp ngóp' với bùn đất cùng nỗi cơ cực bủa vây. Rạng sáng 27-9, mưa lớn, lũ tràn qua để lại người dân trong ngập ngụa khó khăn. Từ năm 2007 đến nay, người dân nơi đây mới phải hứng chịu trận lũ lớn như vậy.
Chạy lũ trong đêm
Thường lệ, vào dịp cuối tuần, dãy nhà trọ của bà Nguyễn Thị Vinh ở khối 4 thị trấn Tân Lạc rất vắng lặng, bởi đây là dịp các em học sinh về thăm nhà. Thế nhưng tuần này, 40 học sinh Trường THPT Quỳ Châu đang trọ tại đây phải ở lại. Đây là những em ở vùng sâu, xa nhất của huyện ở các xã Châu Phong, Châu Hoàn, Diên Lãm. Các em không thể về thăm nhà vì tuyến đường vào các xã này vẫn bị ngập ở các đoạn qua khe suối.
Em Lô Thị Giang ở xã Châu Phong nói trong rơm rớm nước mắt: “Cuối tuần mà không được về nhà buồn lắm ạ. Bố mẹ biết tin mọi thứ đã mất hết nhưng cũng không thể ra thăm, mang gạo, đồ ăn ra. Nhưng may là các em có thầy cô, các bạn, rồi các cô bác cho quần áo mặc, cho đồ ăn…”.
Các em kể lại, rạng sáng 27-9, khoảng 3 giờ, khi mọi người đang ngủ thì nghe tiếng “ục ục”, “lục bục” mỗi lúc một to. Khi bật điện lên thì nước đã “chui” qua cửa tràn vào phòng. Lúc này, các phòng bắt đầu nháo nhác, có cả tiếng la hét. Chẳng mấy chốc nước dâng cao lên giường. Nhiều em bắt đầu hoảng loạn.
“Đến lúc sực nhớ mở cửa chạy ra thì cửa bị nước đẩy vào quá mạnh không mở được. Có bạn còn nói chạy ra rồi đi đâu nên các em càng rối. Rồi chợt có ai đó phòng bên kêu lên "khoét nóc nhà, khoét nóc nhà!" Vậy là các em kê bàn học và ghế lên giường, phá ngói chui ra”, em Cầm Bá Đạt, học sinh lớp 11 kể.
Khi chui lên được mái nhà, các em thay nhau kêu cứu, người lớn xung quanh nghe được và đến cứu. Ngày hôm sau nước rút, các em trở về thì phòng tan hoang. Sách vở, áo quần, đồ dùng ngổn ngang cùng bùn đất. Có bạn đứng trước cửa phòng bật khóc trong mớ hỗn độn mà mưa lũ để lại.
Bới bùn tìm sách
Cô Lữ Thị Như, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A Trường Tiểu học Châu Thắng, đang cùng các đồng nghiệp bới đống bùn để tìm sách và đồ dùng, nhưng tất cả đã bết bát bùn đất. Cô Như có chồng là cán bộ công an huyện, nhà ngay gần trường cũng bị ngập, hư hỏng nhưng hai vợ chồng phải khóa cửa để đó, mỗi người đi một hướng giúp dân, lo việc trường. Con gửi nhờ ông bà, nhưng ông bà và cháu cũng phải đi ở nhờ vì nhà cửa ngập bùn đất chưa dọn.
Các cô giáo điểm trường Tà Sỏi thuộc điểm trường Châu Hạnh 2 (Quỳ Châu, Nghệ An) phơi sách vở sau lũ
Cô Như chia sẻ: “Học sinh ở trường và lớp tôi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, lại ở vùng 135 nên phần lớn nhà các em đều nghèo khó. Riêng lớp tôi đã có 17 em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Giờ trường ngập, nhà các em cũng ngập, hư hỏng nên khó càng thêm khó. Rất mong các nhà hảo tâm dang tay giúp các em”.
Cô Vạn Thị Nga, chủ nhiệm lớp 2A, ngậm ngùi: “Hơn một nửa học sinh lớp tôi nhà cửa bị hư hỏng, đồ đạc mất hết. Giờ thương các em nhưng thầy cô bất lực, không biết phải làm thế nào”.
Điểm trường Tà Sỏi thuộc Trường Tiểu học Châu Hạnh 2, nằm ở xã trung tâm, thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Tranh thủ trời hửng nắng, sau khi dọp dẹp, lau chùi bùn đất, các cô giáo ở điểm trường mang sách vở, đồ dùng ra phơi. Cô Lang Thị Diệu, phụ trách điểm trường, thở dài: “Chúng tôi đem sách ra phơi để xem có vớt vát được gì không. Chứ sách mà ngâm mấy ngày trong bùn, trong nước thì còn gì. Nhưng trong khi chưa có sách mới thì cũng cố để có cái cho các em học tạm”.
Cô Diệu kể, 102 em học tại điểm trường đều là người dân tộc thiểu số, hầu như nhà nghèo, khó khăn. Phần lớn cha mẹ các em đi làm ăn xa ở trong Nam, Hà Nội, Bắc Ninh. Các em ở nhà với ông bà nên khi lũ về, ông bà và cháu xoay trở không kịp, may giữ được tính mạng nhưng tài sản, sách vở, đồ dùng học tập bị hư hỏng, cuốn trôi hết.
Trắng tay theo cơn lũ
Sau 4 ngày, “dư âm” của lũ vẫn còn hiển hiện tại các địa bàn dọc sông Hiếu như Châu Thắng, Châu Hạnh, Châu Hội, thị trấn Tân Lạc… Dấu vết của cơn lũ là những ngấn nước ám lên các bức tường. Trong nhiều nhà, đồ đạc vẫn ngổn ngang, bê bết bùn đất. Nhiều con đường vẫn còn như được phết lên một lớp nhựa dẻo.
Bà Nguyễn Thị Thắng (sinh năm 1968, thị trấn Tân Lạc) ngồi bần thần trong xưởng sản xuất đồ nội thất của con trai. Cách đây mấy năm, chồng bà mất, một mình bà nuôi 4 người con. Con gái đầu mới xin được vào làm ở Phòng Lao động huyện, 2 con sau đang học. Vừa rồi, bà vay mượn ngân hàng 500 triệu đồng để người con trai thứ 2 khởi nghiệp với nghề sản xuất đồ nội thất. Anh đầu tư máy móc hiện đại mở xưởng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho mình và 5 lao động địa phương. Xưởng khai trương 2 tháng trước, nhiều mối hàng đã nhận, nguyên liệu đã tập kết về xưởng… Bất ngờ, lũ đổ về trong đêm, trở tay không kịp. Máy móc, nguyên liệu, sản phẩm ngâm trong nước, trong bùn “hóa bùn” luôn. Ước tính thiệt hại 600-700 triệu đồng. Bà Thắng ngửa mặt than: “Trắng tay rồi, mất hết rồi các chú ơi! Rõ là ông trời không thương người!”.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mua-lu-di-qua-xot-xa-o-lai-post707856.html