Mưa lũ diễn biến phức tạp tại khu vực miền Trung

Trong những ngày tới mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp tại khu vực miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Các địa phương cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các diện tích lúa, hoa màu tại các khu vực trũng, thấp, ngập úng tại các khu đô thị.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ ngày 13 đến sáng 14/10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đã có mưa to, có nơi mưa rất to. Các khu vực có mưa lớn như:Hương Vĩnh 122,6mm (Hà Tĩnh); Đồng Tâm 181,6mm (Quảng Bình); Đập thủy điện La To 61,2mm (Quảng Trị); Tà Lương 217mm (Thừa Thiên Huế), Suối Đá 515,4mm (Đà Nẵng), Núi Thành 258,6 (Quảng Nam);…

 Tuyến đường Nguyễn Nhàn tại TP Đà Nẵng ngập sâu. Ảnh chụp sáng 14/10.

Tuyến đường Nguyễn Nhàn tại TP Đà Nẵng ngập sâu. Ảnh chụp sáng 14/10.

Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 90%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Cảnh báo mưa trong thời gian tiếp theo như sau, trong 6 giờ tới, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến 40-60mm, có nơi trên 70mm; từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam 60- 100mm, có nơi trên 150mm.

Trong ngày 14/10, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện. Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

Trong những ngày tới, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ hôm nay (14/10) đến ngày 17/10, trên các sông ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3-8m, hạ lưu từ 1-4m.

Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ ở thượng lưu sông La (Hà Tĩnh), các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; trên các sông nhỏ có khả năng lên mức BĐ3; hạ lưu sông La dao động ở mức BĐ1. Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.

 Sạt lở trên đèo Hải Vân xảy ra ngày 13/10.

Sạt lở trên đèo Hải Vân xảy ra ngày 13/10.

Đặc biệt, từ ngày 14/10 đến đêm 15/10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 450mm, khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 300-450mm, có nơi trên 800mm; ở khu vực phía Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 200mm.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi: cấp 2; Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam: cấp 3; Nam Nghệ An và Hà Tĩnh: cấp 1.

Dự báo tác động của mưa lớn, các địa phương cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các diện tích lúa, hoa màu tại các khu vực trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị.

 Lực lượng chức năng TP Đà Nẵng đưa người dân ở vùng ngập sâu đến nơi an toàn.

Lực lượng chức năng TP Đà Nẵng đưa người dân ở vùng ngập sâu đến nơi an toàn.

Tại TP Đà Nẵng sáng 14/10, tiếp tục có mưa lớn, hiện tượng ngập lụt xảy ra trên nhiều tuyến đường và khu vực thấp trũng ở hầu hết các quận, huyện. Mưa lớn đã làm ngập lụt đã gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, gây hư hỏng nhiều phương tiện giao thông, làm thiệt hại các công trình, tài sản của người dân, ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, xã hội. Tại đô thị, mưa lớn cũng đã làm ngập nhiều nhà dân và nhiều tuyến đường phố ngập sâu gây khó khăn cho phương tiện giao thông di chuyển trên đường.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng đã có công văn khẩn yêu cầu các lực lượng tập trung ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, các quận, huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện cứu nạn theo phương châm "4 tại chỗ".

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, mưa lớn cũng làm nhiều tuyến đường ở TP Huế, thị xã Hương Thủy, các huyện Phong Điền, Quảng Điền bị ngập, có nơi nước ngập hơn 1 m khiến giao thông tê liệt.

Tại Quảng Nam, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam đã có công điện gửi các ngành, địa phương về chủ động ứng phó, có phương án phòng chống sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét và sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm.

 Sạt lở trên đèo Le ở Quảng Nam.

Sạt lở trên đèo Le ở Quảng Nam.

Tại Quảng Trị, mưa lớn đã gây ngập úng tại một số vùng trũng thấp. Người dân các xã “rốn lũ” đã khẩn trương ứng phó, di dời tài sản, thóc lúa đến nơi khô ráo.

Tại Hà Tĩnh, hàng trăm mét khối đất đá, cây cối bị sạt lở xuống mặt đường gây ách tắc, chia cắt trên tuyến Tỉnh lộ 551, đoạn qua địa bàn thôn Nam Phong, xã Kỳ Phong, giáp ranh với thôn Đất Đỏ, xã Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh). Đất đá, cây cối chiếm hết mặt đường và lề đường rộng khoảng 12m, kéo dài khoảng 50m, gây chia cắt, ách tắc giao thông khiến người dân và các phương tiện không thể lưu thông qua lại.

Tại Quảng Bình, trong ngày 13/10, mưa lớn kéo dài khiến nước dâng cao đã làm nhiều điểm trên địa bản tỉnh Quảng Bình, nhất là khu vực miền núi có nhiều khu vực tạm chia cắt do nước rút chậm.

Xuân Nha

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/mua-lu-dien-bien-phuc-tap-tai-khu-vuc-mien-trung-147179.html