Mưa lũ diễn biến phức tạp tại Sơn La
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, tính đến trưa ngày 24/7, có 9 người dân địa phương bị thương vong và mất tích do mưa lũ.
Trong đó, huyện Mai Sơn có 3 người chết do sạt lở đất gồm: Giàng Thị Dụ (sinh năm 1995, trú tại bản Hua Pư, Chiềng Nơi), Vàng A Bông (sinh năm 2016, trú tại bản Hua Pư, Chiềng Nơi), Lò Văn Thoan (sinh năm 2019, trú tại bản Ta Vắt, Phiêng Pằn). Cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh 4 người mất tích.
Tại huyện Thuân Châu ghi nhận 1 người mất tích là Lò Thị Nó (sinh năm 1970 trú tại Bản ít Cang, xã chiềng Bôm). Huyện Mường La có 1 người bị thương đang được các cơ quan chức năng xác định nhân thân.
Theo thông tin từ Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chiều ngày 23/7, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão số 2) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực các tỉnh Lạng Sơn-Quảng Ninh và tiếp tục di chuyển theo hướng Tây sau đó suy yếu và tan dần.
Hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới đã gây mưa lớn cho các tỉnh phía Bắc. Dự báo ngày 24/7, trên các sông ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ, với biên độ lũ lên trên các sông từ 2-5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông thuộc tỉnh Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình và cửa sông ven biển có khả năng lên mức báo động (BĐ) 2; đỉnh lũ trên các sông tại tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ và thượng lưu sông Thái Bình lên mức BĐ1-BĐ2; đỉnh lũ thượng lưu sông Mã, sông Bưởi lên mức BĐ1.
Do mưa lớn, mực nước ở các sông đang lên cao. Cụ thể: Mực nước lúc 7 giờ ngày 24/7 trên sông Hồng tại trạm Hà Nội là 5,56m; trên sông Thái Bình tại trạm Phả Lại là 2,98m. Mực nước trên sông Đáy lúc 6 giờ ngày 24/7: Tại trạm Ba Thá 5,66m trên BĐ1 0,16m; tại trạm Phủ Lý 3,64m, trên BĐ2 0,14m. Mực nước trên sông Tích lúc 6 giờ ngày 24/7: tại trạm Kim Quan 7,74m, trên BĐ2 0,14m; tại trạm Vĩnh Phúc 7,49m, trên BĐ2 0,29m. Mực nước trên sông Bùi lúc 6 giờ ngày 24/7 tại trạm Yên Duyệt 6,75m, trên BĐ2 0,25m.
Dự báo, mực nước hạ lưu sông Hồng biến đổi chậm, đến 0 giờ ngày 25/7 tại trạm Hà Nội có khả năng ở mức 5,70m; trong 36 giờ tới, mực nước tại Phả Lại cao nhất có khả năng ở mức 2,30m và thấp nhất ở mức 1,90m.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông và các khu đô thị tại các tỉnh khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ; lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa.
Thông kê chưa đầy đủ cho thấy, tính đến sáng 24/7, tại Hà Nội, mưa lớn đã cuốn trôi 1 người dân ở xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai khi đi qua ngầm tràn.
Mưa lớn trong hai ngày qua cũng gây nhiều thiệt hại cho các địa phương khác ở phía Bắc và Bắc miền Trung. Trong đó, mưa lớn làm 16 nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại (Thanh Hóa 8, Nghệ An 8); 25.556 ha lúa, 2.544 ha hoa màu bị ngập úng, ảnh hưởng; 22 con gia súc, 849 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Về giao thông, có hơn 300 điểm sạt lở với tổng khối lượng trên 10.000 m3 đất, đá, bê tông. Hiện tại các điểm sạt lở đã được xử lý và thông xe tạm thời.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mua-lu-dien-bien-phuc-tap-tai-son-la-post478608.html