Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại các địa phương
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, từ ngày 6 - 9/10, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất đã gây nhiều thiệt hại.
Tính đến 8 giờ ngày 9/10, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đã làm 4 người chết và mất tích, trong đó ba người chết do sạt lở đất tại tỉnh Yên Bái, một người mất tích tại Thái Nguyên do lũ cuốn.
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, mưa lũ làm 379 ngôi nhà bị ảnh hưởng; trong đó có một nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, 5 nhà phải di dời tạm thời để đảm bảo an toàn, 330 nhà bị ngập nước. Diện tích lúa, hoa màu, cây lâm nghiệp bị thiệt hại, ngập úng với tổng diện tích gần 91 ha; hơn 41 ha ao nuôi cá bị tràn, vỡ bờ… Một điểm trường của Trường Mầm non xã Vũ Linh (huyện Yên Bình) bị hư hỏng, ảnh hưởng; 26 điểm ngập úng cục bộ tại thành phố Yên Bái; tuyến đường tỉnh lộ 163 (đoạn qua địa phận xã Yên Thái, huyện Văn Yên) bị sạt lở với khối lượng khoảng 2.100 m3; tuyến đường Yên Thái - Ngòi A - Quang Minh - An Bình (huyện Văn Yên) có hơn 20 điểm sạt lở ta luy dương… Nhiều công trình đường bộ, thủy lợi và hệ thống đường điện cũng bị sạt lở, ảnh hưởng…; ước thiệt hại khoảng 5,4 tỷ đồng.
Tại tỉnh Lào Cai, mưa lớn làm hai nhà ở tại xã Nậm Dạng và Võ Lao (huyện Văn Bàn) bị ảnh hưởng; một số diện tích ngô vụ đông bị ngập úng. Đường giao thông nông thôn tại thôn Xuân Tiến, xã Võ Lao bị sạt lở ta luy dương trên 10 điểm với tổng khối lượng đất đá khoảng 200 m3; sạt lở taluy âm làm gãy 20m mương bê tông xi măng tại thôn Nậm Lan, xã Nậm Dạng... Sạt lở ta luy âm hệ thống đường sắt khiến các tàu chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai phải tạm dừng.
Mưa lớn kéo dài cùng triều cường dâng cao tại tỉnh Cà Mau đã làm 423 căn nhà; 22.270 ha lúa; 172,5 ha rau màu; 137 ha cây ăn trái; 25 ha chuối bị ngập; một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Cà Mau bị ngập sâu; 450 ha diện tích ao nuôi thủy sản bị ngập tràn; 10 m lộ giao thông nông thôn và một cống xổ vuông nuôi tôm bị hỏng do sạt lở. Các địa phương chịu nhiều thiệt hại do thiên tai trong những ngày vừa qua là huyện Trần Văn Thời, U Minh; thành phố Cà Mau.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã đến thăm hỏi những gia đình có người bị thiệt mạng; đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng hỗ trợ, giúp đỡ người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày từ 10 - 11/10, khu vực Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to.
Từ ngày 9 - 16/10, khu vực Trung và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào, dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to (thời gian mưa tập trung vào chiều và tối). Riêng từ đêm 10 - 12/10, Trung Trung Bộ có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa mưa to đến rất to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Để tiếp tục chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 4, hoàn lưu sau bão theo Công điện số 12/CĐ-QG ngày 5/10/2023 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo mưa dông, mưa lớn cục bộ, lốc, sét, gió giật mạnh để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời. Tỉnh Yên Bái, Thái Nguyên tiếp tục khắc phục hậu quả do mưa lũ và tìm kiếm nạn nhân còn mất tích do lũ cuốn. Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.