Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại địa bàn biên giới
Cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn BĐBP cho biết, tính đến 6 giờ ngày 18-10, tại khu vực Biên phòng đã xảy ra 4 vụ/26 người/3 phương tiện bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Hậu quả 2 người chết, 2 phương tiện bị chìm, 1 phương tiện bị mắc cạn.
BĐBP thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã điều 114 cán bộ, chiến sĩ/3 xuồng, trưng dụng 1 phương tiện/3 ngư dân tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Điều động 20 cán bộ, chiến sĩ cứu tàu bị nạn
Tại Hải Phòng, hồi 7 giờ ngày 16-10, tại khu vực cảng Vật Cách, tàu Minh Khánh 25 do ông Đỗ Văn Nhạ (sinh năm 1988, trú tại xã Cát Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) làm thuyền trưởng có thuyền viên Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1982, trú tại phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) nằm bất động trong nhà vệ sinh. Sau đó, nạn nhân Cường đã tử vong trên đường đi cấp cứu.
Cũng trong ngày 16-10, tại khu vực biển cách Đảo Dáu, quận Đồ Sơn khoảng 300 m, tàu HP 2204 TS/3 lao động do ông Trần Văn Hòa (sinh năm 1976, trú tại xã Hồng Phong, huyện Đông Triều, tỉnhQuảng Ninh) làm thuyền trưởng, trong khi di chuyển tránh gió đã va phải đá ngầm và bị chìm. BĐBP thành phố Hải Phòng đã điều 5 cán bộ, chiến sĩ, trưng dụng 1 phương tiện/3 ngư dân tham gia cứu nạn, đánh dấu vị trí tàu chìm, cảnh báo các phương tiện.
Đến 17 giờ 15 phút cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã đưa 3 lao động vào cảng cá Ngọc Hải (quận Đồ Sơn) an toàn và tiến hành chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Tại Quảng Ninh, hồi 12 giờ 30 phút ngày 16-10, khi đang di chuyển từ cảng Vạn Gia đến khu vực tại tọa độ 21023'N-107052'E (khu vực biển xã Vĩnh Trung, thành phố Móng Cái), tàu Cửa Lục 01, biển kiểm soát QN 8112 cùng 2 thuyền viên của Công ty Cổ phần Kim Thủy (trụ sở tại phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long) chở 40 m3 dầu DO, bị sóng lớn đánh chìm.
BĐBP tỉnh Quảng Ninh đã điều 8 cán bộ, chiến sĩ/2 xuồng phối hợp với lực lượng chức năng cứu được thuyền viên Nguyễn Văn Phú (sinh năm 1975), trú tại xã Hoàng Quế, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), hiện sức khỏe ổn định. Còn thuyền viên Nguyễn Văn Bảo (sinh năm 1963, trú tại xã Hưng Đạo, huyện Đông Triều) đã tử vong.
BĐBP Quảng Ninh tiếp tục duy trì 7 cán bộ, chiến sĩ/1 xuồng trực tại hiện trường phối hợp với các lực lượng khắc phục hậu quả. Hiện, Công ty TNHH Trục vớt tìm kiếm cứu nạn biển Anh Phát (trụ sở tại phường Cẩm Đông, thị xã Cẩm Phả) đã trải phao quây, giấy thấm dầu, hóa chất... ngăn chặn nguy cơ tràn dầu và đang tiến hành trục vớt tàu.
Tại Quảng Trị hồi 10 giờ 30 phút ngày 17-10, tại khu vực cách Phao số 0 khoảng 3 hải lý, tàu vận tải Glory Future (tải trọng 28.000 tấn), quốc tịch Hồng Kông/20 thuyền viên, do ông Iwu Quojlang (sinh năm 1971, quốc tịch Trung Quốc) làm thuyền trưởng, khi đang neo đậu, do sóng to, gió lớn làm rê neo nên tàu bị trôi dạt và mắc cạn tại bờ Nam Cửa Việt, cách bờ khoảng 2 km. Hiện tàu đang neo đậu, chờ hết mưa sẽ tìm phương án di chuyển ra khỏi khu vực mắc cạn.
Mưa lũ gây sạt lở nhiều khu vực
Mưa lớn do hoàn lưu bão số 8 đã gây sạt lở nhiều khu vực. Trong đó, khu vực cầu cảng Đảo Trần, tỉnh Quảng Ninh bị sạt lở 4 đoạn, dài khoảng 30 m kè bờ biển.
Tại Hà Tĩnh, mưa lớn làm sạt lở 700-1.000 m bờ biển tại thôn Hải Thịnh, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh. Thôn Trường Vệ, phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh (địa bàn Đồn Biên phòng Kỳ Anh) ngập từ 0,5-01 m.
BĐBP tỉnh Hà Tĩnh đã điều động 30 cán bộ chiến sĩ phối hợp với địa phương khắc phục sự cố sạt lở, giúp dân di dời tài sản đến nơi an toàn.
Cũng do ảnh hưởng của mưa lớn, sóng biển dâng cao, bờ biển xã Thuận An, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế (địa bàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Thuận An), bị xâm thực dài khoảng 100 m, sâu 7 m.
Trên khu vực miền núi, mưa lớn cũng làm ngập úng từ 50-70 cm tại thôn Pire, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới (địa bàn Đồn Biên phòng A Lưới).
BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế điều 50 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với địa phương khắc phục sự cố sạt lở và di dời 36 hộ/98 khẩu đến nơi an toàn.
Theo báo cáo của BĐBP tỉnh Quảng Trị, mưa lớn những ngày qua đã khiến 7 điểm giao thông bị chia cắt do ngập úng (địa bàn 4 Đồn Biên phòng: Ba Nang, Hướng Phùng, A Vao, Hướng Lập). 1 người dân tại xã Tà Long, huyện Đakrông do uống rượu say trượt chân ngã xuống suối, mất tích.
BĐBP tỉnh Quảng Trị đã điều động 14 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với địa phương tổ chức chốt chặn, cảnh báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Tại Quảng Bình, có 1 người dân bản Chân Trộng, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh bị mất tích; 1 nhà dân xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy bị sập; 1 phương tiện bị chìm tại xã Trường Sơn, Huyện Quảng Ninh. Ngoài ra, 4 bản tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch và xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh bị chia cắt.
Khu vực bờ biển, sóng biển cao đánh vỡ, hư hỏng khoảng 70m đường bê tông ven biển tại thôn Nhân Nam, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch. Do mưa lớn có 5 điểm trên Quốc lộ 9C, 9E và tỉnh lộ 562 bị ngập. Ngoài ra, nhiều điểm thuộc địa bàn Đồn Biên phòng Lý Hòa, Làng Mô, Làng Ho, Cà Xèng, Cồn Roàng, Cồn Roòng, Ra Mai bị sạt lở gây ách tắc giao thông.
BĐBP Quảng Bình đã điều 118 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với lực lượng chức năng tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố, trực tại các điểm ngập úng, di dời 66 hộ/303 khẩu đến nơi an toàn.
Theo Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, mưa lũ trong những ngày qua đã làm 3 người chết (Nghệ An: 2, Hòa Bình: 1), 3 người mất tích (2 người ở Quảng Bình và 1 người ở Quảng Trị). Về giao thông, có 76 vị trí sạt lở đường giao thông địa phương gây ách tắc giao thông (Thừa Thiên Huế 6, Quảng Nam 31, Nghệ An 33, Quảng Bình 6). 36 điểm đường Quốc lộ tại tỉnh Thừa Hiên Huế (17 điểm), Quảng Nam (14 điểm), Nghệ An (1 điểm), Quảng Bình (5 điểm) và Đắk Lắk (1 điểm) và 143 tràn, điểm đường giao thông nội tỉnh tại Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Đắk Lắk bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông.