Mưa lũ gây thiệt hại lớn ở nhiều tỉnh miền Bắc
Mưa lũ đã gây thiệt hại về người, hoa màu, nhà cửa và ngập úng nhiều điểm ở Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình...
Ngày 25.7, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La cho biết, do ảnh hưởng của bão số 2, từ ngày 22 - 24.7, Sơn La có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to gây thiệt hại về người, hoa màu, nhà cửa và ngập úng nhiều điểm.
Tính đến 24 giờ ngày 24.7, mưa lũ tại Sơn La đã làm 5 người chết, 4 người mất tích, 1 người bị thương do sạt lở và lũ cuốn trôi. Mưa lũ cũng làm hư hỏng 389 ngôi nhà, trong đó 28 nhà phải di dời khẩn cấp; 6 điểm trường tiểu học, trường mầm non bị ngập; 126 điểm giao thông bị sạt lở; hơn 270ha lúa bị ngập và cuốn trôi; hơn 3.460 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi...
Đặc biệt, tại địa bàn TP.Sơn La, mưa lũ đã gây ngập nặng, làm 538 ngôi nhà ở bị sạt lở, ngập úng; hơn 26ha lúa, ngô, hoa màu bị ngập; 207 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi hoặc chết; 38,4ha ao cá bị ảnh hưởng; 555m đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng; 115 xe ô tô, xe máy, xe điện cùng nhiều tài sản khác và 10 tấn gạo bị ngập nước, hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính gần 73 tỉ đồng.
Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2, trên địa bàn huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) có mưa to đến rất to từ tối 23.7 với lượng mưa đo được trên 171mm. Mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ, sạt lở nhiều tuyến đường, nhà dân; ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp, ước tính thiệt hại khoảng 1,5 tỉ đồng.
Cụ thể, tại thị trấn Lương Sơn và các xã Tân Vinh, Nhuận Trạch, Hòa Sơn có 166 hộ dân bị nước ngập vào nhà; 5 hộ dân bị sạt lở đất, đá vào nhà. Ngoài ra, 2 doanh nghiệp là Công ty Sản xuất rượu Victory Tân Vinh và Công ty cổ phần Kim khí Việt Á - Nhuận Trạch bị nước ngập. Nước ngập sâu làm hư hỏng nhiều thiết bị, đồ dùng gia đình của các hộ dân.
Đối với sản xuất nông nghiệp, có 247ha lúa bị ngập, 0,7ha lúa bị vùi lấp; 3ha ngô đổ gãy; mưa lũ làm chết hơn 3.200 con gà của 1 hộ dân xã Lâm Sơn; 12 con lợn và nhiều gia cầm bị lũ cuốn trôi; vỡ, tràn 12 ao cá, ước thiệt hại trên 3 tấn cá.
Mưa lũ cũng gây sạt lở nhiều tuyến đường, trong đó nặng nhất là các xã Cao Dương, Liên Sơn, Hòa Sơn, Nhuận Trạch, Lâm Sơn, Tân Vinh và thị trấn Lương Sơn.
Theo báo cáo nhanh ngày 25.7 của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, mưa lũ đã khiến 2 người thiệt mạng, 2 người bị thương, 5 người mất tích. Về tài sản, khoảng 10 ngôi nhà bị cuốn trôi, 8 nhà đổ sập, khoảng 100 nhà khác bị ảnh hưởng.
Về sản xuất, thống kê ban đầu có khoảng 40ha lúa bị vùi lấp và 2ha thủy sản bị thiệt hại hoàn toàn. Do đất đá sạt lở, bùn nước ngập đường gây ách tắc giao thông cục bộ tuyến quốc lộ 12, đoạn qua địa phận bản Lĩnh (xã Mường Pồn). Hiện nay các lực lượng đang tìm kiếm người mất tích và khắc phục thiệt hại mưa lũ.
Trong khi đó, theo Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, trong những ngày qua mưa lớn, sạt lở đất đã gây thiệt hại đáng kể cho các địa phương.
Tính đến ngày 25.7, mưa lũ đã khiến 5 người chết, 4 người mất tích và 1 người bị thương. Cùng với đó, có khoảng 640 ngôi nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại; hơn 25.000ha lúa và gần 2.700ha hoa màu bị ngập úng; hàng nghìn con gia cầm gia súc bị chết, lũ cuốn trôi.
Đặc biệt có gần 700 điểm sạt lở với tổng khối lượng gần 45.000m3 đất, đá, bê tông sạt lở, ảnh hưởng đến giao thông, gây nguy hiểm cho người dân.
Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai cho biết, trong ngày và đêm nay (25.7), khu vực Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa rào và dông, có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-40mm, có nơi trên 80mm. Khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa rào rải rác và có nơi có dông, có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.
Đáng chú ý, theo Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, hiện mực nước trên các sông nhỏ thuộc các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam và TP.Hà Nội tiếp tục lên và dao động ở mức báo động (BĐ) 1-2. Khu vực cửa sông ven biển có khả năng lên mức BĐ1-BĐ2. Thượng nguồn sông Mã (tỉnh Thanh Hóa) có khả năng lên mức BĐ1. Riêng mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên và sẽ ở mức 6,5m vào sáng ngày 26.7.
Trong mấy ngày qua, do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài trên tuyến đê hữu Đáy (cấp 3) ở huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội đã xảy ra sự cố sạt lở mái đê phía sông tại 4 đoạn với tổng chiều dài 112m.
Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh thành Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hạ du; đặc biệt an toàn cho các tuyến đê khi thủy điện Sơn La, Hòa Bình xả lũ.
Các địa phương cần tổ chức lực lượng canh gác, đặt biển cảnh báo tại các ngầm tràn, đường giao thông, khu vực ngập lụt, sạt lở; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh khi nước rút, không để sự cố sạt lở phát triển thêm.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/mua-lu-gay-thiet-hai-lon-o-nhieu-tinh-mien-bac-220966.html