Mưa lũ gây thiệt hại nặng tại nhiều tỉnh phía bắc
Trong những ngày qua, trên địa bàn nhiều địa phương phía bắc xảy ra mưa lớn kéo dài gây ngập úng trên diện rộng, làm thiệt hại nhiều công trình thủy lợi, giao thông và tài sản của người dân.
* Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ chiều 24/5 cho biết, mưa lớn làm đổ sập 4 ngôi nhà của người dân tại huyện Tam Nông, Hạ Hòa và Đoan Hùng; gần 1.500ha lúa và hoa màu bị gập úng, hơn 10ha nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ.
Trong đó, có nhiều địa phương bị thiệt hại nặng như thành phố Việt Trì ngập úng cục bộ hơn 90,52ha lúa, rau màu bị ngập; thị xã Phú Thọ ngập úng cục bộ 192ha lúa, 3ha ngô và rau màu; huyện Phù Ninh ngập úng 617,6ha diện tích lúa và hoa màu, tràn bờ 0,5ha nuôi trồng thủy sản; huyện Đoan Hùng ngập úng cục bộ 456,5ha lúa, 19,3ha ngô và 19,9ha rau màu.
Ngoài ra, mưa lớn cũng khiến nhiều tuyến giao thông, thủy lợi bị sạt lở, trong đó, huyện Đoan Hùng sạt lở 400m bờ hữu sông Chảy tỉnh lộ 323, sạt lở 176m đường giao thông tại các xã Vân Đồn, Chí Đám, Bằng Doãn, Vân Du, Bằng Luân, Ngọc Quan, Ca Đình; huyện Thanh Thủy sạt lở 155m ngòi tiêu và đổ 50m kênh tưới tiêu.
Nhiều địa phương đã huy động cán bộ, chiến sĩ giúp dân gặt lúa, khắc phục hậu quả mưa lũ; lãnh đạo Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện đã xuống kiểm tra hiện trường chỉ đạo khắc phục thiệt hại. Đồng thời, huy động nhân lực, phương tiện khơi thông và bơm tiêu các khu vực bị ngập úng; hướng dẫn người dân khẩn trương thu hoạch lúa bị đổ để giảm thiểu tối đa thiệt hại.
* Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, sau nhiều ngày mưa liên tiếp tại các huyện: Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Tủa Chùa và thành phố Điện Biên Phủ đã bị thiệt hại nhiều về nhà cửa, đường xá, sản xuất và chăn nuôi.
Thống kê toàn tỉnh có 14 ngôi nhà bị sạt lở; gần 14ha lúa, hoa màu bị gãy đổ; gần 10 nghìn m3 đất, đá làm hư hỏng nhiều tuyến đường; thiệt hại ước gần 2 tỷ đồng.
Chịu ảnh hưởng nặng nề là huyện Mường Chà, thiệt hại gần 600 triệu đồng; huyện Nậm Pồ sạt lở đất đá từ ta-luy dương xuống 5 tuyến đường giao thông liên xã, bản với 10 điểm sạt lở, trong đó, có 7 điểm bị đất, đá vùi lấp toàn bộ mặt đường, người và phương tiện không đi lại được. Tổng thiệt hại tại Nậm Pồ là 550 triệu đồng.
Trên quốc lộ 279 đoạn thuộc địa phận xã Na Ư, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), tại km108+900 và km+250 liên tiếp bị tắc cục bộ vì hàng nghìn mét khối đất đá từ vách ta-luy dương chảy tràn xuống lòng đường, khiến giao thông trên quốc lộ 279 qua điểm sạt lở này bị tắc hoàn toàn.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố trong tỉnh Điện Biên chỉ đạo các xã huy động các lực lượng theo phương châm "4 tại chỗ" để giúp đỡ các người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.
* Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, mưa vừa và mưa to đã làm thiệt hại lớn về người và tài sản tại địa phương.
Cụ thể: Có một người chết tại thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn do nước lũ cuốn trôi. Tại huyện Tân Lạc, 11 hộ dân ảnh hưởng sạt lở đất. Bên cạnh đó, tổng diện tích lúa và hoa màu trên địa bàn tỉnh bị ngập úng, thiệt hại và ảnh hưởng hơn 545,97ha.
Trước tình hình trên, chính quyền địa phương nơi xảy ra thiệt hại đã triển khai các biện pháp tiêu thoát úng cho hoa màu, cắm biển cảnh báo khu vực mất an toàn, ổn định đời sống cho người dân.
Ngoài ra, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tiếp tục đôn đốc các huyện, thành phố triển khai các biện pháp chủ động ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo tình hình thời tiết; giúp người dân sửa chữa nhà bị ảnh hưởng, bảo đảm an toàn khi có thiên tai xảy ra.
* Những đợt mưa lớn trong mấy ngày vừa qua khiến hơn 1.000ha lúa, 12ha hoa màu, nhiều tuyến đường giao thông ở 6 xã phía nam, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa bị ngập.
Nước trên sông Dừa dâng cao nên chính quyền địa phương, nhân dân dùng bao tải đựng cát gia cố, chống tràn đê. Chi nhánh thủy nông huyện Thiệu Hóa vận hành tối đa các máy bơm tiêu, thoát nước.
Tại huyện Thọ Xuân có 40ha nuôi trồng thủy sản, 30 trang trại tổng hợp, hơn 400ha lúa bị ngập, trong đó riêng xã Xuân Hồng bị ngập khoảng 200ha. Công ty TNHH một thành viên sông Chu đã vận hành 35 trạm bơm tiêu, chống ngập úng cho diện tích lúa, hoa màu ở các huyện: Triệu Sơn, Thọ Xuân, Nông Cống, Thiệu Hóa, Đông Sơn.