Mưa lũ ở miền Trung: Ứng phó mọi tình huống có thể xảy ra
Tính đến chiều 12/10, lũ trên sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) đang lên rất nhanh, trên các sông ở tỉnh Thừa Thiên Huế đang dao động ở mức cao và xuống chậm. Lũ trên các sông ở tỉnh Quảng Nam đang xuống, sông Kiến Giang (tỉnh Quảng Bình) có dao động.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, ngày 11/10, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại huyện Phong Điền. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó Tư lệnh Quân khu trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo lực lượng vũ trang thực hiện các biện pháp hỗ trợ chính quyền địa phương và tham gia ứng cứu nhân dân vùng thấp trũng bị cô lập do mưa lũ.
Lãnh đạo Sở Y tế đã tổ chức, phân công cán bộ chỉ đạo, phụ trách đối với các huyện, thị xã, thành phố, hướng dẫn chuyên môn và sẵn sàng hỗ trợ về công tác phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Đảm bảo cán bộ và phương tiện thường trực để ứng phó các tình huống có thể xảy ra. Có kế hoạch phân công, điều động cán bộ cụ thể khi cần thiết, chuẩn bị nhiên liệu cho xe cấp cứu, máy phát điện. Dự phòng lương thực, thực phẩm hỗ trợ cho người bệnh đang điều trị có hoàn cảnh khó khăn trong 7 ngày.
Sở Y tế Quảng Trị đã điều động Tổ cấp cứu lưu động thường trực 24/24 tại Cảng Cửa Việt phục vụ y tế hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn...
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang còn nhiều khu vực bị chia cắt, mất điện và thông tin liên lạc. Thông tin ban đầu cho biết, có khoảng 32 trạm y tế xã bị ngập lụt, hệ thống mái che bị thấm dột, cửa sổ, cửa chính bị hư hỏng do bão lũ.
Sở Y tế Quảng Bình đã thành lập các đoàn đi khảo sát công tác phòng chống lụt bão tại Trung tâm y tế các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa, Tuyên Hóa.
Theo thống kê ban đầu, trên địa bàn các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa, Tuyên Hóa có 18 trạm y tế bị ngập, trong đó, Trạm Y tế xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa có nguy cơ bị sạt lở) và một số trạm ở huyện Minh Hóa bị lũ chia cắt hoàn toàn. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị đều cố gắng duy trì hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, đồng thời di chuyển trang thiết bị, thuốc, hóa chất... đến nơi an toàn, không để thiệt hại lớn về mặt tài sản do lũ, lụt.
Qua khảo sát tình hình thực tế, Sở Y tế Quảng Bình đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị y tế cơ sở trong việc khắc phục khó khăn để duy trì các hoạt động chuyên môn; đồng thời yêu cầu các đơn vị chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh thường phát sinh sau lũ: hướng dẫn người dân các địa phương bị ngập lụt nặng thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, xác động vật, khử khuẩn nguồn nước.
Sở Y tế cũng trao cơ số thuốc, hóa chất cho các trung tâm y tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị triển khai tốt các hoạt động khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân.