Mưa lũ ở Tây Bắc gây thiệt hại lớn
Từ cuối tháng 6 đến nay, vùng Tây Bắc thiệt hại nặng vì mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất, nhất là các địa bàn các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Sơn La. Dự báo khu vực này tiếp tục xảy ra mưa lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết chiều 6/7, ông Phan Văn Cường, Trưởng phòng dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc, cho biết những ngày qua khu vực các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình liên tục có mưa giông cục bộ, đặc biệt Lai Châu có mưa lớn. Lượng nước thượng nguồn đổ về nhiều và mực nước sông Đà dâng lên nhưng vẫn dưới mức nước dương bình thường.
Dự báo trong những ngày tới vẫn có diễn biến phức tạp và nguy cơ cao sạt lở tại Lai Châu và Sơn La. Nhân dân địa bàn này được cảnh báo cẩn trọng khi phải lưu thông trên các tuyến đường núi.
Lai Châu là địa bàn tiếp tục bị thiệt hại rất nặng. Không chỉ những đợt mưa đá bất thường khiến hoa màu, cây trồng bị tàn phá nhiều lần từ đầu năm đến nay. Vào cuối tháng 4 vừa qua, mưa lớn, lũ quét gây thiệt hại 16 tỷ đồng, 2 người chết, 1 người mất tích, 14 người bị thương.
Đặc biệt, ngày 16/6, huyện Phong Thổ còn gánh chịu động đất khiến 34 nhà dân bị nứt, nhiều trường học bị ảnh hưởng. Mưa lũ mấy ngày vừa qua khiến sạt lở tại nhiều địa bàn và các tuyến giao thông, 1 người mất tích (anh Sùng A Dơ 33 tuổi, xã Mù Sang, Phong Thổ).
Cảnh báo các ngày 6,7 và 8/7, địa phương này vẫn tiếp tục có mưa to diện rộng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm lũ quét và sạt lở cao.
Ảnh hưởng rãnh áp thấp trục Tây Bắc – Đông Nam có vùng hội tụ gió trên cao nên liên tục những ngày qua tại Lào Cai đổ mưa to, thậm chí rất to. Một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và nhiều tuyến đường huyện bị sạt lở.
Tại Lào Cai có hơn 20 nhà dân bị hư hỏng, gần 40 ha diện tích lúa, hoa màu, cây trồng bị ngập úng, thiệt hại ước tính trên 10 tỷ đồng. Giao thông tại các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên, Mường Khương, thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai bị thiệt hại nặng nề.
Nhân dân và các phương tiện giao thông được cảnh báo hạn chế lưu thông trên các tuyến tuyến Tỉnh lộ 156 (Bát Xát – Y Tý đi qua địa phận các xã Bản Vược, Cốc Mỳ, Trịnh Tường, A Mú Sung), tỉnh lộ 156 b (Bản Vược – Mường Hum – Y Tý), tỉnh lộ 158 (Bát Xát – Sa Pa).
Hàng chục điểm bị ngập úng, trí sạt lở, hư hỏng nền đường và lề đường gây ách tắc giao thông, có tuyến sạt lở tới 2/3 mặt đường, xe ô-tô không đi được.
Tại huyện Bảo Thắng mưa lũ đã khiến hồ đập Hồ Nhuần 4 (dung tích 60.000 m3) bị sạt lở chân đập phía taluy âm dài khoảng 60m, gây nguy cơ mất an toàn cho thân đập. Sơ bộ ước tính tổng khối lượng sạt lở tại tất cả các tuyến giao thông lên tới hàng trăm ngàn m3. Nguy cơ cao bị chia cắt nếu tiếp tục các ngày 7 và 8/7 còn mưa lớn.
Tỉnh Lào Cai đã huy động nhiều lực lượng vào cuộc khắc phục thiên tai ở tất cả các địa phương, đặc biệt giải tỏa ách tắc giao thông do sạt lở và hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Đến nay, một số điểm trên các tuyến tỉnh lộ 156 (Bát Xát – Y Tý), 156b (Bát Xát – Dền Sáng) vẫn ách tắc cục bộ. Nước thượng nguồn từ Trung Quốc đổ về khiến sông Hồng dâng cao đột biến, tuy nhiên vẫn dưới báo động 1.
Tỉnh Lào Cai đã liên tục cảnh báo hiểm họa, tuyên truyền người dân không ra sông vớt củi, đánh cá, vớt vật trôi nổi và hạn công việc canh tác, trồng trọt, thu hoạch hoa màu bị ngập ven sông.
Dự báo đỉnh lũ sẽ lên tới 80 m (báo động I). Đây là trận lũ lớn nhất ghi nhận được trên sông Hồng tính từ đầu mùa mưa đến nay.
Chiều tối qua (5/7), trao đổi với Đại Đoàn Kết, lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai cho biết mưa dông diện rộng kèm thời tiết cực đoan đang diễn biến rất phức tạp tại địa bàn này. Mưa đá, lốc xoáy, gió giật mạnh và sét đánh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nên đã cảnh báo người dân chú ý phòng tránh trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng.
Tại Yên Bái – địa phương những năm qua thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vì sạt lở và lũ quét, đã rất chủ động ứng phó cho mùa mưa lũ năm nay. Lượng mưa các ngày 4-5/7 từ to đến rất to tại các huyện Lục Yên, Văn Yên và Mù Cang Chải nhưng không gây thiệt hại lớn (ước tính chỉ 1,2 tỷ đồng và chưa có thương vong).
Tỉnh chỉ đạo ứng trực 24/24h và cử người ứng trực tại chỗ ở tất cả các địa điểm có nguy cơ cao, kịp thời xử lý sự cố và luôn có báo cáo nhanh về trung tâm chỉ huy PCTT&TKCN của tỉnh.
Dự báo thời tiết và thiên tai còn diễn biến xấu. Hầu hết các tỉnh Tây Bắc đều có chỉ đạo sát, yêu cầu rà soát, ứng trực tại các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, khu dân cư, sẵn sàng huy động lực lượng (thanh niên, quân đội, công an, dân phòng), phương tiện sẵn sàng ứng phó, sơ tán dân, khắc phục hậu quả trong tình huống mưa lũ kéo dài, ngập úng, sạt lở đất, lũ quét trên diện rộng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mua-lu-o-tay-bac-gay-thiet-hai-lon-490245.html