Mưa lũ ở Tây Nguyên: 9 người chết, thiệt hại nặng nề về tài sản
Đến chiều ngày 9/8, các cơ quan ban ngành cũng như chính quyền các địa phương trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên vẫn đang 'căng mình' khắc phục cũng như ứng phó với mưa, lũ khắc nghiệt.
Theo thống kê, đến chiều ngày 9/8, đã có 9 người tử vong vì mưa lũ (Đăk Nông có 4 người, Kon Tum 2 người, Gia Lai 1 người, Đăk Lăk 1 người và Lâm Đồng 1 người).
Ngoài ra, do lượng mưa lớn đổ về đang đe dọa đến an toàn đập Thủy điện Đăk Kar với dung tích trên 13 triệu m3, tại xã Đăk Ru, huyện Đăk Rlấp, tỉnh Đắk Nông, giáp ranh tỉnh Bình Phước. Trong lúc, van xả lũ của hồ, đập thủy điện này bị kẹt khiến nước trong những ngày vừa qua không ngừng dâng cao, gây nguy cơ vỡ đập, đe dọa nghiêm trọng tính mạng khoảng 5.700 người dân các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước và Lâm Đồng. Chính quyền các địa phương các tỉnh trên đã phải cấp tốc thông báo di dời tất cả những hộ dân trong khu vực đến nơi an toàn.
Cùng với đó, lực lượng chức năng đã khoan lỗ chờ, thậm chí phương án xấu nhất là nổ mìn để giảm tải thiệt hại cũng đã được đưa ra. Đến chiều hôm nay (9/8), mặc dù van xả lũ vẫn chưa được khắc phục nhưng mực nước ở đập thủy điện này đã rút xuống được hơn 3m.
Phần nào đó, đã giảm đến mức thấp nhất nguy cơ vỡ đập nếu như thời gian sắp tới mưa tiếp tục giảm dần. Ngược lại, nếu mưa tiếp tục lớn như những ngày vừa qua, thì nguy cơ tiềm ẩn vỡ đập vẫn còn hiện hữu. Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác và hạn chế qua lại ở những nơi nguy hiểm.
Ngoài ra, tại huyện Đăk R’lấp (Đăk Nông), hai đập thủy điện Đăk Kar và Đăk Sin 1 cũng xuất hiện nhiều hư hỏng. Cụ thể, tại Đập Thủy điện Đăk Kar: có 02 hộ dân dựng chòi tạm để sản xuất nông nghiệp đã được vận động đến nơi an toàn. Hiện ống dẫn nước thủy điện bị gãy, hệ thống van xả đáy bị kẹt, không thoát nước. Vào sáng ngày 09/8/2019, mực nước đã rút dần, Công ty CP Thủy điện Đăk Kar đang tính toán biện pháp khắc phục để xả lũ;
Khu vực nhà máy thủy điện Đăk Sin 1: Mưa bão gây sạt lở đất kèm theo cây cối, đất đá vùi lấp tại nhiều vị trí dọc theo tuyến công trình thủy điện. Làm hư hỏng nặng đến nhà van, tuyến đường ống áp lực, nhà máy và đường giao thông; phần nhà máy bị ngập nước toàn bộ, Tuabin, máy phát và các thiết bị điện khác ngập trong nước. Hiện đường giao thông bị chia cắt, cô lập tại nhiều vị trí dọc theo tuyến công trình, khu vực công trình vẫn còn đang mưa lớn, hiện tượng lở núi, vùi lấp, sụt lún nguy hiểm vẫn còn tiếp diễn. Trước mắt, Công ty đã huy động lực lượng và các phương tiện để khắc phục. Đến 15h00’ ngày 09/8, Công ty đã đóng được cửa nhận nước, dùng bao cát lấp thêm vào cửa nhận nước để hạn chế tối đa nước xuống nhà máy; cấp điện đến các vị trí trọng yếu và tiếp tục cưa cắt cây gãy đổ, dọn đất đá trên một số vị trí đường giao thông.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện này có 3 cây cầu dân sinh bị nước lũ cuốn trôi, 2 ngôi nhà bị sập, cuồn trôi. 27 ngôi nhà bị ngập nước. Gần 300 ha hoa màu và nuôi trồng thủy sản bị ngập lụt, nhiều nơi đang bị cô lập… Ước tính thiệt hại ban đầu trên 10 tỉ đồng.
Tại Đắk Lắk: Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thì đến thời điểm hiện tại mưa lũ đã làm 1 người chết, 768 ngôi nhà bị ngập, hơn 9.858ha cây trồng các loại bị ngập; hơn 170 con gia súc, 1.700 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 33ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập.
Nhiều tuyến đường giao thông, công trình giao thông bị hư hỏng hoặc ngập sâu như: Quốc lộ 14c bị ngập chia cắt xã Ia Rvê với xã Ia Lốp, huyện Ea Súp; Quốc lộ 27 bị chia cắt do ngập cục bộ khu vực chợ Trung Hòa, huyện Cư Kiun, độ sâu ngập trung bình 0,6m. Đường tỉnh lộ 1 bị ngập, chia cắt 3 điểm: Cầu Đắk Bùng, xã Cư Mlan; Cầu cây Sung, xã Ea Rốk; Cầu trắng nối xã Ea Rốk với xã Ia Jlơi; Nhiều tuyến đường giao thông thuộc các Ia Rvê, Ia Lốp, Ya Tờ Mốt, Ea Rốk, Cư Mlan, Ea Bung bị ngập nước hư hỏng với 10 điểm hư hỏng…
Tại Lâm Đồng: Theo thống kê ban đầu, mưa lũ đã gây lũ quét, ngập lụt tại nhiều nơi, khiến cho 1.400 ngôi nhà bị ngập; gần 2.000 ha rau mùa, trên 50 ha ao cá bị cuốn trôi… thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng. Ông Hoàng Minh Tú, 50 tuổi là Công an viên thôn Tân Thịnh, xã Lộc Châu (TP.Bảo Lộc) trong khi đi làm nhiệm vụ ứng phó thiên tại đã trượt chân xuống hố sâu và tử vong.
Tại Gia Lai: Một cháu bé 7 tuổi đã tử vong do bị nước cuốn trôi vào cống. 26 ngôi nhà bị ngập nhưng đã rút hết nước, 50ha tổng diện tích bị ngập cục bộ và khoảng 10ha lúa bị ngập. Hiện chưa thống kê được mức độ thiệt hại. Ngoài ra, tại tỉnh Kon Tum mưa lớn, làm sập chòi canh rẫy, khiến 2 vợ chồng ở huyện Ngọc Hồi tử vong.
Dự báo, trong thời gian tới, mưa lũ ở Tây Nguyên còn nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở và lũ lụt, vì vậy mọi người cần đề phòng cảnh giác.