Mưa lũ tại miền Trung: Lũ rút nhưng nhiều xã vẫn bị cô lập hoàn toàn
Ba xã gồm Húc, Hướng Việt, Hướng Lập thuộc huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị vẫn bị cô lập hoàn toàn do đường bị sạt lở nặng, riêng xã Hướng Việt còn không liên lạc được với bên ngoài.
Tối 20/10, theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị, tỉnh vẫn còn 3 xã gồm Húc, Hướng Việt, Hướng Lập thuộc huyện miền núi Hướng Hóa bị cô lập hoàn toàn, do đường vào các địa phương này bị sạt lở nặng và mực nước ở cầu tràn còn cao nên không đi lại được.
Riêng xã Hướng Việt ngoài bị cô lập hoàn toàn còn không liên lạc được với bên ngoài. Do đó, việc tìm kiếm 3 người còn mất tích ở xã Hướng Việt trong khi đi làm rẫy chiều 19/10 gồm Hồ Văn Minh, Hồ Thị Đang, Hồ Văn Xam không thuận lợi.
Tại đây, công tác cứu chữa 2 người bị thương nặng cũng gặp khó khăn.
Tỉnh Quảng Trị đã và đang huy động lực lượng tiếp cận xã Hướng Việt. Trong đó, một tổ công tác của Biên phòng Quảng Trị đã băng rừng để vào xã Hướng Việt thiết lập thông tin liên lạc bằng vô tuyến điện để liên lạc ra ngoài.
Công tác khắc phục các điểm sạt lở trên đường vào xã Hướng Việt cũng được thực hiện rất khẩn trương. Tỉnh cũng lên các phương án tiếp tế nhu yếu phẩm, vật tư y tế cho người dân xã Hướng Việt đang bị cô lập.
Ở hai xã Húc và Hướng Lập, các đơn vị chức năng trong tỉnh cũng đang nỗ lực thông đường trong thời gian sớm nhất.
Hiện nay, lũ trên các sông ở tỉnh Quảng Trị đang tiếp tục xuống, phổ biến ở mức xấp xỉ báo động 1. Riêng sông Bến Hải và sông Ô Lâu vẫn duy trì ở mức trên báo động 1.
Lũ lớn trong những ngày qua đã khiến 97 trong tổng số 124 xã, phường, thị trấn ở tỉnh Quảng Trị bị ngập lụt, chia cắt. Toàn tỉnh có trên 61.000 căn nhà bị ngập; trên 15.000 hộ với hơn 48.000 người được đưa đến các địa điểm an toàn.
Mưa lũ trên địa bàn cũng đã làm 49 người chết, 4 người mất tích, 25 người bị thương. Về nông nghiệp, tỉnh có gần 1.400ha nuôi thủy sản, trên 2.500ha rau màu bị ngập hầu như mất trắng; trên 553.000 con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi. Các tuyến Quốc lộ 15D, 9D, 49C, 9 và đường liên tỉnh bị sạt lở nghiêm trọng.
Tại Quảng Bình, chiều 20/10, trên địa tỉnh một số vùng ngập lụt nước rút nhưng rất chậm.
Mưa vẫn xảy ra trên diện rộng khiến nước tại các con sông có nguy cơ dâng cao, lượng mưa tính từ 1 giờ ngày 16/10 đến 17 giờ ngày 20/10 tại một số trạm như sau: Trường Sơn 1.381 mm, Minh Hóa 1.415 mm, Đồng Tâm 1.291 mm, Tuyên Hóa 1.092 mm, Mai Hóa 1.032 mm.
Theo Ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, đến nay mưa lũ đã làm 7 người chết, 14 người bị thương; đã có hơn 105.300 nhà ngập sâu trong nước với mức ngập từ 1-4 m; gần 29.800 hộ dân đã được di dời đến nơi an toàn.
Các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, thị xã Ba Đồn… là những địa phương bị ngập lụt nặng nhất của tỉnh Quảng Bình.
Mưa lũ diễn biến phức tạp khiến các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có nguy cơ mất an toàn. Cụ thể: Ở huyện Bố Trạch có hồ Khe Gạo, huyện Quảng Ninh có hồ Trởm (xã Hiền Ninh), hồ Hóc Bốm (xã Trường Xuân), huyện Lệ Thủy có hồ Dạ Lam (xã Thái Thủy).
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình và các địa phương liên quan đã tổ chức đoàn kiểm tra tình trạng các hồ đập, nắm tình hình, triển khai phương án chỉ đạo ứng phó kịp thời.
Nhiều tuyến đê, kè, đập, kênh, mương bị sạt lở, vùi lấp; nặng nhất là tại các tuyến kè biển và bờ biển các xã Thanh Trạch, Hải Phú, Đức Trạch, Nhân Trạch (huyện Bố Trạch); bờ biển xã Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy); kè biển xã Cảnh Dương và Quảng Phú (huyện Quảng Trạch), đê sông Nhật Lệ, kè biển xã Quang Phú (thành phố Đồng Hới)...
Mưa lớn những ngày qua cũng đã khiến nhiều tuyến, điểm giao thông bị ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt, tại Km 137+100 đường 12A, cách Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, xã Dân Hóa huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình khoảng 100m (về hướng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo) phát hiện bị sạt lở đất khối lượng lớn từ phía doanh trại ra hết đường 12A, phương tiện không qua lại được.
Chính quyền tỉnh Quảng Bình và các địa phương, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh vẫn đang tích cực, dồn toàn lực để hỗ trợ nhân dân, chống chọi, khắc phục mưa lũ. Hiện, trời vẫn mưa to kèm gió lạnh, rất nhiều người dân vẫn đang gồng mình, kêu cứu khi nước lũ dâng tràn nóc nhà.
Toàn tỉnh vẫn còn hàng trăm thôn/bản tại 8 huyện, thị xã, thành phố đang bị chia cắt, cô lập. Riêng khu vực biên giới, 59 thôn, bản , 8 xã và 4 huyện biên giới bị chia cắt, tập trung ở các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy.
Theo dự báo, trong 24 giờ tới, khu vực tỉnh Quảng Bình tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to; với tổng lượng mưa ở đồng bằng phía Bắc phổ biến từ 60 -100 mm, phía Nam phổ biến từ 100-200 mm.
Các địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cần chủ động các phương án để ứng phó với các diễn biến do thời tiết gây ra./.