Mưa lũ tàn phá Tây Nguyên
* Đồng chí Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên người dân bản Sa Ná
* Đồng chí Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên người dân bản Sa Ná
Tính đến chiều 8-8, đã có 5 nạn nhân tử vong tại một số địa phương trên địa bàn các tỉnh khu vực Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng do ảnh hưởng của vùng áp thấp nhiệt đới gây mưa lũ trong những ngày qua.
Nhiều khu vực đã bị ngập lụt, sạt lở gây chia cắt, hàng nghìn héc-ta cây trồng, nhà cửa, đường giao thông bị ngập, hư hỏng.
Đồng chí Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên tặng quà nhân dân vùng bị lũ lụt bản Sa Ná.
Thanh Hóa - Ngày 8-8, đồng chí Phạm Minh Chính- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức TW cùng đoàn công tác đã tới thăm hỏi, động viên, tặng quà nhân dân vùng bị ảnh hưởng lũ lụt và kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, H. Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Cũng tại bản Sa Ná, đồng chí Phạm Minh Chính đã gặp gỡ, biểu dương CBCS Lữ đoàn 414 Công binh (Quân khu 4) đã nỗ lực trong việc bắc cầu phao thông đường để bản Sa Ná không bị cô lập, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân từ thiện vận chuyển nhu yếu phẩm cần thiết hỗ trợ đồng bào Sa Ná.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa ngay tại bản Sa Ná, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị vũ trang khẩn trương tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, tìm các giải pháp ổn định cuộc sống cho nhân dân. Địa phương cần nhanh chóng xây dựng, sửa sang lại để học sinh kịp đón khai giảng năm học mới; làm tốt công tác tiếp nhận, phân bổ quà hỗ trợ của các tổ chức cá nhân từ thiện...
Cũng trong dịp này, các tổ chức, cá nhân từ thiện đi cùng đoàn công tác đã hỗ trợ 31 tỷ đồng, góp phần để Thanh Hóa khắc phục hậu quả thiên tai do mưa bão số 3 gây ra.
Tìm thấy 3 nạn nhân bị vùi lấp
Đến 14 giờ ngày 8-8, sau nhiều nỗ lực đào bới, tìm kiếm, lực lượng chức năng và người dân xã Đắk Sin (H. Đắk Rlấp, Đắk Nông) đã tìm thấy thi thể 3 nạn nhân trong một gia đình bị vùi lấp khi một quả đồi sạt lở ngay gần đó. Theo thông tin ban đầu, vào rạng sáng cùng ngày trên địa bàn H. Đắk Rlấp xảy ra mưa lớn kéo dài và một phần quả đồi sạt lở với khoảng 5.000m3 đất vùi lấp nguyên căn nhà của anh Trần Văn Hiệu (1991, trú thôn 14, xã Đắk Sin) nằm dưới chân đồi. Trong nhà lúc này có anh Hiệu cùng vợ là chị Đỗ Thị Yến (1994) và con gái là cháu Trần Thị Diệu (2016). Nhận được tin báo, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cùng người dân tích cực tìm kiếm với hy vọng mong manh. Tuy nhiên, thời điểm xảy ra sạt lở thì gia đình anh Hiệu đều ngủ trong nhà và toàn bộ căn nhà đã bị vùi lấp sâu dưới lớp đất, đá khiến công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Hàng trăm người dầm mình dưới trời mưa và lớp bùn nhão chạy đua với thời gian tìm kiếm những điều hy vọng, dù nhỏ nhặt nhất.
Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, đào xới hàng nghìn m3 đất, đá đến 14 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 3 nạn nhân vùi lấp dưới lớp đất sâu. Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ một phần kinh phí và kêu gọi các đơn vị hỗ trợ nhằm đưa thi thể các nạn nhân về tỉnh Hưng Yên cho gia đình an táng. Lực lượng chức năng vẫn đang mở rộng tìm kiếm khu vực quả đồi bị sạt lở nhằm kiểm tra, tránh tình trạng vẫn còn nạn nhân bị vùi lấp bên dưới.
Các địa phương thiệt hại nặng
Theo thống kê ngày 7-8, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có khoảng 1.000ha cây trồng và hơn 60 căn nhà của người dân bị ngập nước và con số này vẫn chưa dừng lại khi dự báo trong ngày và đêm 8-8, trên địa bàn Đắk Nông tiếp tục xảy ra mưa vừa và mưa to. Địa phương này cũng đã phát đi cảnh báo về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại một số khu vực ven suối nhỏ ở các huyện: Đắk Rlấp, Tuy Đức và khu vực hạ lưu sông Đắk Nông, đoạn chảy qua cầu Đắk Nông (thuộc TX Gia Nghĩa). Đồng thời, cử các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và đưa người dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Tại tỉnh Đắk Lắk, thống kê đến ngày 8-8, mưa lớn kéo dài trên địa bàn từ ngày 6-8 đến tối ngày 7-8 đã gây ngập lụt đến toàn bộ các địa phương trên địa bàn. Trong đó, có 3 địa phương chịu ảnh hưởng nặng là: TP Buôn Ma Thuột, H. Ea Súp và H. Buôn Đôn. Trên địa bàn đã xảy ra 1 trường hợp tử vong do mưa lũ, nạn nhân là ông Hoàng Trung Tùng (1954, trú thôn Hiệp Kết, xã Quảng Hiệp, H. Cư Mgar) khi ông bất cẩn lội suối và bị nước lũ cuốn trôi. Theo báo cáo của Trung tâm phòng chống lụt bão tỉnh Đắk Lắk, mưa lớn cùng với thủy điện xả lũ khiến các xã Ea Huar, Ea Wer, Krông Na (Buôn Đôn) bị thiệt hại nặng. Còn tại H. Ea Súp, đến chiều 7-8, trên địa bàn có khoảng 30.000 hộ dân bị cô lập do các tuyến đường bị ngập sâu, chia cắt nhiều đoạn. Tính đến thời điểm ngày 8-8, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, mưa lớn kéo dài đã gây ngập hơn 6.000ha cây trồng, 585 ngôi nhà, làm chết gần 1.400 con gia súc, gia cầm; hư hỏng nhiều tuyến đường. Thiệt hại ước tính hơn 700 tỷ đồng.
Mưa lớn cùng với nước từ thượng nguồn đổ xuống cũng đã gây ngập lụt, gây cô lập một số điểm dân cư tại xã biên giới Ia Mơr (H. Chư Prông, Gia Lai). Theo thống kê, có 26 nhà của người dân bị ngập lụt và 60ha lúa, hoa màu của bà con bị ngập. Trên địa bàn H. Chư Prông cũng đã xảy ra 1 trường hợp tử vong khi ngã xuống cống bị nước cuốn.
Hỗ trợ xuyên biên giới
Trong đợt mưa lũ vừa qua, nhờ chủ động phương châm 4 tại chỗ, lực lượng bộ đội biên phòng trên tuyến biên giới đã kịp thời ứng cứu những người dân trên địa bàn và người dân nước bạn Campuchia bị nước lũ cô lập đến nơi an toàn. Cụ thể, vào lúc 7 giờ 45 ngày 7-8, Đồn Biên phòng Ia Lốp (H. Chư Prông) – Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Gia Lai nhận được điện thoại của người dân canh tác tại khu vực bãi mía gần lô cao su của Cty Cao su Chư Păh, cách chốt suối Đen khoảng 700m, có 3 người dân bị mắc kẹt do ngập lụt cục bộ. Đồn đã chủ động cử 1 tổ công tác gồm 7 cán bộ, chiến sĩ trang bị đầy đủ, tiếp cận ứng cứu số người dân gặp nạn. Đến khoảng 11 giờ 25 cùng ngày, đơn vị đã tiếp cận và đưa được 3 người dân đến khu vực an toàn.
Cũng vào chiều 7-8, mưa lớn kéo dài trên khu vực biên giới H. Buôn Đôn (Đắk Lắk) và tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia). Nhận được đề nghị cứu hộ từ phía chính quyền nước bạn, Đồn biên phòng Sê Rê Pốk – Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk đã triển khai lực lượng và dùng xuồng máy cứu hộ 8 sĩ quan, binh sĩ và người dân Campuchia. Trong đó có 4 sĩ quan, binh sĩ của Đồn Cảnh sát Mê Ruk (Ty CA tỉnh Mondulkiri) và 4 người dân. Hiện cả 8 người này đang được chăm sóc sức khỏe tại Đồn biên phòng Sê Rê Pốk.
Lâm Đồng: Giải cứu thành công 41 người bị lũ chia cắt
Trận mưa kéo dài khiến cho nhiều địa phương tại tỉnh Lâm Đồng bị lũ cục bộ. Tại xã Lát, H. Lạc Dương, lũ đã bất ngờ ập đến cô lập một nông trại làm 41 người trong đó có 7 trẻ em phải tháo chạy lên cao và bị mắc kẹt có nguy cơ bị nước cuốn trôi.
Ngay khi nhận được thông tin, sáng 8-8 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH CA tỉnh Lâm Đồng điều lực lượng đến hiện trường cùng lực lượng địa phương giải cứu. Do nước suối Đạ Nghịt chảy xiết nên việc giải cứu các nạn nhân bằng ca-nô không thành công. Lực lượng chức năng phải dùng phương án đu dây qua bên kia suối để cứu người. Đến trưa cùng ngày, toàn bộ 41 người đã được giải cứu an toàn.
Một công an viên tử vong trong lúc giúp dân chống lũ
Sáng 8-8, tại thôn Tân Thịnh, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) nước dâng cao gây ngập nhà cửa, hoa màu. Chính quyền địa phương đã huy động công an, dân quân, đoàn thanh niên, với hàng trăm người giúp người dân chống lũ. Ông Hoàng Minh Tú (50 tuổi, công an viên thôn Tân Thịnh) trong lúc giúp một hộ dân đập tường rào, tạo lỗ hổng thoát nước thì bị trượt chân rơi xuống cống sâu mất tích. Nạn nhân được tìm thấy sau đó nhưng đã không qua khỏi.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_210716_mua-lu-tan-pha-tay-nguyen.aspx