Mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng tại các tỉnh phía Bắc

Những ngày qua, tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Thái Nguyên, Lào Cai, Điện Biên… người dân đang chống chọi với mưa lũ lớn. Hậu quả đã có rất nhiều người tử vong và mất tích, gây sạt lở nhiều tuyến đường, nhà cửa, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân, giao thông.

Thái Nguyên: Ngập úng, sạt lở trên diện rộng

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên, từ ngày 28/7 đến sáng 31/7, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra mưa, mưa to và rất to làm thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng nặng nề cho cuộc sống người dân ở các huyện Định Hóa, Phú Bình, thành phố Sông Công...

Mưa lũ đã cuốn trôi một người dân (trú tại xã Bảo Linh, huyện Định Hóa) trong lúc người này đi qua cầu tràn Làng Vẹ, xã Định Biên. Sau gần 13 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân tại cầu tràn Vằng Chương.

Mưa lớn gây ngập cục bộ tại thị trấn Chợ Chu. (Nguồn: Báo Thái Nguyên)

Mưa lớn gây ngập cục bộ tại thị trấn Chợ Chu. (Nguồn: Báo Thái Nguyên)

Mưa lũ cũng làm một số đường tràn, ngầm tràn bị ngập sâu, sạt lở tại Km9 Quốc lộ 3C lấp 1/2 mặt đường, nhiều đoạn đường liên xã, xóm tại huyện Định Hóa, Phú Lương bị sạt lở taluy dương. Đặc biệt, tại khu vực Đèo So, huyện Định Hóa đã bị sạt lở, gây ách tắc tuyến đường giao thông Quốc lộ 3C từ huyện Định Hóa đi huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Nhiều nhà dân bị nước tràn vào, trong đó có 3 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; hàng nghìn ha lúa bị ngập úng; một số trang trại chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng...

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên, đến 7 giờ ngày 31/7, mực nước tại Hồ Núi Cốc đã đạt mức báo động cấp 1 và vẫn đang lên nhanh.

Phía vùng hạ du sau tràn vận hành xả lũ (hai bên bờ sông Công) cần đề phòng lũ, ngập úng cục bộ, sạt lở đất có khả năng cuốn trôi người, gia súc, tài sản, cây cối ven sông, suối, ngập cầu tràn..., sạt lở taluy dương, công trình giao thông, thủy lợi, bãi thải, hầm mỏ, ngập úng cục bộ ở những khu vực trũng thấp, khu dân cư, đô thị...

Điện Biên: Sạt lở, lũ ống khiến 1 người chết và 1 người mất tích

Ngày 30/7, trên địa bàn tỉnh Điện Biên tiếp tục có mưa lớn diện rộng gây sạt lở, lũ ống khiến 1 người thiệt mạng và 1 người mất tích. Nạn nhân tử vong là chị Chang Thị Thào (SN 1980, trú thôn Kể Cải, xã Mường Báng).

Vào khoảng 8 giờ ngày 30/7, tại khu vực Km5+850 (Tỉnh lộ 144, địa phận xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa), chị Thào đang từ trên nương trở về nhà bất ngờ bị đất, đá ở phía taluy dương sạt, sập xuống vùi lấp.

Điểm sạt lở tại Km1+520, tỉnh lộ 140. (Ảnh: TTXVN)

Điểm sạt lở tại Km1+520, tỉnh lộ 140. (Ảnh: TTXVN)

Sau khi nhận được thông tin, lực lượng chức năng cùng với người dân địa phương đã bới đất và tìm được thi thể nạn nhân. Lãnh đạo huyện Tủa Chùa đã đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình người bị nạn.

Tại huyện Mường Chà, vào khoảng 9 giờ ngày 30/7, anh Nguyễn Anh Tuấn ( SN 1991, trú thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà) cũng đã bị nước lũ cuốn trôi tại đoạn suối chảy qua khu vực tổ dân phố 9, thị trấn Mường Chà. Vào thời điểm trên, anh Tuấn đã lội qua suối để sang phía bờ bên kia thì bị nước suối chảy xiết cuốn về phía hạ nguồn.

Sau khi nắm được thông tin, chính quyền địa phương đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành tìm kiếm nạn nhân. Tuy nhiên, do trời mưa, nước lũ trên suối chảy xiết gây khó khăn cho lực lượng tìm kiếm. Đến chiều cùng ngày, lực lượng chức năng và gia đình vẫn chưa tìm thấy nạn nhân.

Tính đến ngày 30/7, đợt mưa lớn từ ngày 25/7 đến nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã khiến 5 người thiệt mạng và 4 người mất tích.

Sơn La: Tìm thấy thi thể cháu bé 12 tuổi bị lũ cuốn trôi

Trưa 31/7, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh Sơn La) thông tin, Công an huyện Quỳnh Nhai, Công an xã Pá Ma Pha Khinh và các lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể cháu L.T.V.T (12 tuổi, trú bản Tậu Khứm, xã Pá Ma Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La) bị lũ cuốn trôi.

Khu vực hồ nước bản Ái, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, nơi tìm thấy thi thể cháu L.T.V.T. (Ảnh: TTXVN)

Khu vực hồ nước bản Ái, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, nơi tìm thấy thi thể cháu L.T.V.T. (Ảnh: TTXVN)

Trước đó, vào khoảng 10 giờ, ngày 29/7, trong lúc đi cấy lúa cùng người thân, thấy mưa to, cháu L.T.V.T liền về nhà. Nhưng khi cháu chạy qua suối, lũ bất ngờ đổ về nên L.T.V.T bị nước cuốn trôi.

Ngay khi nhận được thông tin, lực lượng chức năng đã huy động 20 cán bộ, chiến sỹ, cùng 2 xe chuyên dụng, 1 xuồng máy, phối hợp với các lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm nạn nhân. Đến trưa 31/7, thi thể cháu T đã được tìm thấy tại hồ nước bản Ái, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai.

Nhằm ứng phó với thiên tai đang diễn biến phức tạp, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh cùng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh đã và đang chỉ đạo địa phương huy động lực lượng, khẩn trương khắc phục hậu quả; tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kinh phí mai táng cho gia đình có người chết. Đồng thời, yêu cầu các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát, thống kê đánh giá thiệt hại và báo cáo theo quy định và cần tích cực chủ động biện pháp ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Lai Châu: Nhiều tuyến giao thông ách tắc cục bộ do sạt lở

Mưa lớn trên diện rộng kéo dài từ đêm qua đến sáng 31/7 đã gây sạt lở taluy dương trên một số tuyến đường tại tỉnh Lai Châu, gây ách tắc giao thông cục bộ.

Theo thông tin từ các đơn vị quản lý đường bộ ở tỉnh Lai Châu, mưa lớn trên diện rộng đã gây sạt lở tại một số tuyến quốc lộ và tỉnh lộ.

Đặc biệt, trên quốc lộ 4H kết nối huyện Sìn Hồ (Lai Châu) với huyện Mường Nhé (Điện Biên) đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở tại km 242+550, 319+710, 190+710, 186+300…, gây ách tắc giao thông cục bộ.

Ông Hoàng Tiến Quý, Giám đốc Công ty Cổ phần bảo trì đường bộ 1 Lai Châu, cho biết trên tuyến quốc lộ 4H sáng 31/7 đã xuất hiện 5 vị trí sạt lở với tổng khối lượng ước tính 3.500m3.

 Điểm sạt lở trên quốc lộ 4H kết nối huyện Sìn Hồ (Lai Châu) với huyện Mường Nhé (Điện Biên)

Điểm sạt lở trên quốc lộ 4H kết nối huyện Sìn Hồ (Lai Châu) với huyện Mường Nhé (Điện Biên)

Trước tình huống này, đơn vị đã bố trí sẵn sàng nhân lực, máy móc túc trực dọc tuyến để tập trung khắc phục. Hiện tại, máy móc của đơn vị đã tiếp cận được các điểm sạt lở, dự kiến đến trưa 31/7 sẽ thông xe dọc tuyến.

Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lai Châu, đợt mưa này có khả năng kéo dài đến hết ngày 2/8, lượng mưa phổ biến từ 25-60mm, cục bộ có nơi lên tới gần 100mm. Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.

Đặc biệt, mưa lớn có khả năng gây lũ quét, sạt lở đất ở những sườn dốc và ngập úng vùng trũng, thấp. Vì vậy, để đảm bảo an toàn về người và tài sản, người điều khiển phương tiện giao thông cần chú ý quan sát khi di chuyển.

Người dân sinh sống ở những vùng trũng, thấp, ven sông suối cần chủ động các phương án phòng, chống ngập úng; không đánh bắt cá, vớt củi trên sông khi có mưa to.

Sông Hồng xuất hiện lũ lớn nhất từ đầu mùa mưa

Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết từ đêm 30/7 đến sáng 31/7, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, kết hợp với lũ phía thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Hồng đoạn chảy qua thành phố Lào Cai dâng cao.

Nước lũ lên nhanh, cuốn theo đất, cát vùi lấp gây hư hại, ngập úng sâu nhiều diện tích cây trồng, rau xanh, hoa màu các loại của người dân gieo trồng dọc theo hai bên vùng thấp ven sông.

Lúc 7 giờ ngày 31/7, Trạm thủy văn Lào Cai quan trắc được mực nước lên 80,13m, cao trên báo động I là 0,13m, biên độ lũ đạt mức 2,75m. Dòng nước lũ đục ngầu và chảy xiết, cuốn theo nhiều củi rác trôi về rải rác khắp mặt sông. Hiện lũ trên sông Hồng vẫn tiếp tục dâng cao.

Lũ lớn trên sông Hồng

Lũ lớn trên sông Hồng

Dự báo đỉnh lũ lớn nhất khả năng lên tới 80,7m (trên báo động I là 0,7m); thời gian xuất hiện đỉnh lũ vào khoảng 14 giờ chiều 31/7, sau đó giảm dần. Đây là trận lũ lớn nhất xuất hiện trên sông Hồng tính từ đầu mùa mưa năm 2024 đến nay.

Hiện các cấp chính quyền thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn đang tích cực thông báo để nhân dân sinh sống khu vực ven sông theo dõi sát diễn biến của lũ, sẵn sàng sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết. Đồng thời đơn vị chức năng tuyên truyền và nghiêm cấm người dân không đánh bắt cá, chèo thuyền vớt củi, các vật trôi nổi trên sông để phòng ngừa hiểm họa; hướng dẫn tàu thuyền, bè mảng neo đậu vào bến bãi để đảm bảo an toàn.

Trước đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai đã có văn bản đề nghị các địa phương chỉ đạo chủ đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi kiểm tra hồ đập, xử lý khu vực trọng điểm xung yếu. Đồng thời tổ chức tuần tra, cảnh giới, cắm biển cảnh báo những vị trí ngầm tràn có nguy cơ xảy ra ngập úng, lũ ống, lũ quét, khu vực có nguy cơ sạt lở đất..., kịp thời hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn; sẵn sàng phương án tiêu nước chống úng, bảo vệ sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

P.V (tổng hợp)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/mua-lu-tiep-tuc-dien-bien-phuc-tap-gay-thiet-hai-nghiem-trong-tai-cac-tinh-phia-bac_165380.html