Mùa mận chín ở Yên Sơn
Những ngày tháng 6, về xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, trên các sườn đồi, thung lũng, người dân đang hối hả thu hoạch mận hậu. Những chuyến xe ngược xuôi nhộn nhịp chở mận đi tiêu thụ. Năm nay, người dân Yên Sơn phấn khởi vì mận được mùa, được giá.
Tại bản Kim Sơn 1, các hộ đang khẩn trương thu hái mận để kịp đơn hàng bán cho thương lái. Bản Kim Sơn 1 có 128 hộ, 464 nhân khẩu; thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, từ năm 2014, bản tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi từ trồng cây lương thực ngắn ngày sang trồng cây ăn quả, trong đó chủ yếu là trồng mận hậu; bà con còn tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất, đến nay, cả bản có 50 ha mận hậu, trong đó có 35 ha được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt.
Anh Lê Đại Phong, Trưởng bản cho biết: Năm nay, sản lượng mận của bản Kim Sơn 1 đạt trên 1.250 tấn. Mận được giá, thu hoạch đến đâu, thương lái đến tận vườn mua với giá từ 15-30 nghìn đồng/kg, cao gấp 3 lần so với năm 2021; mận ở đây không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà thương lái còn được bán ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình.
Gia đình ông Nguyễn Văn Kha ở bản Kim Sơn 1, là một trong những hộ có thu nhập cao từ trồng mận hậu, do biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc và đầu tư hơn 100 triệu đồng lắp hệ thống tưới nhỏ giọt cho hơn 2 ha mận hậu. Ông Kha cho biết: Năm nay, sản lượng mận ước đạt hơn 40 tấn, trừ chi phí thu về gần 700 triệu đồng. Nguồn thu nhập này giúp gia đình ổn định cuộc sống, có điều kiện tái đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.
Còn ở bản Kim Sơn 2, bước vào vườn mận của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng, chúng tôi ấn tượng bởi cây nào cũng sai trĩu, quả to, vị ngọt đậm, giòn. Anh Hùng bảo: Vườn mận này trồng từ năm 2002. Việc chăm sóc được gia đình thực hiện đúng kỹ thuật, từ tỉa cành, tạo tán, đến việc bón phân hữu cơ, đầu tư hệ thống phun nước tự động, nên sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng cao. Với hơn 3 ha, năm nay gia đình ước thu 60 tấn, trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Mùa mận chín, dọc hai bên đường ở các bản Kim Sơn 1, Kim Sơn 2, Bó Phương, Chờ Lồng, bản Đán, những chiếc xe máy tấp nập chở các thùng mận vận chuyển đến điểm tập kết, xếp lên xe ô tô tải đang chờ mua hàng để vận chuyển đi tiêu thụ. Chị Đỗ Thị Thơm, tiểu thương chuyên thu mua mận ở Yên Sơn, chia sẻ: Mận hậu Yên Sơn khi chín có mẫu mã rất đẹp, màu đỏ sẫm, vỏ có phấn trắng, vị ngọt, giòn, được khách hàng rất ưa chuộng. Mặc dù sắp hết thời điểm mận chín rộ, nhưng ngày nào tôi cũng thu mua được 3-5 tấn để chuyển về các tỉnh, thành phố miền xuôi và vào miền Nam tiêu thụ, dù vậy vẫn không đủ cung cấp cho thị trường.
Yên Sơn hiện có 295 ha mận cho thu hoạch. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã hỗ trợ, khuyến khích người dân thay đổi tư duy canh tác. Từ chỗ trồng, phát triển tự nhiên, đến nay, khoảng trên 40% diện tích mận ở Yên Sơn đã được đầu tư hệ thống tưới ẩm. Cây được đốn tỉa, tạo tán và bón phân theo từng chu kỳ. Nhờ vậy, mận cho chất lượng ngon, kích thước to đều, có nhiều vườn mận đạt từ 12-18 quả/kg. Dự kiến năm nay, Yên Sơn sẽ cung cấp ra thị trường từ 3.300 - 3.500 tấn mận hậu, với giá bán hiện tại từ 15-30 nghìn đồng/kg, tổng thu từ mận hậu đạt trên 85 tỷ đồng.
Ông Bùi Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Yên Sơn, cho biết: Những năm vừa qua, mận Yên Sơn cũng đã được tham gia các chương trình trưng bày kết nối nông sản của huyện, được người tiêu dùng biết tới và dần có thương hiệu. Đến thời điểm này, bà con đã thu hoạch và tiêu thụ được hơn 2.500 tấn; trung bình mỗi ha mận hậu mang lại thu nhập từ 150-200 triệu đồng. Hiện nay, xã đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, hướng tới sản xuất sạch, sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Với tiềm năng, lợi thế và định hướng cụ thể, cây mận hậu ở Yên Sơn đang từng bước khẳng định chất lượng và thương hiệu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/mua-man-chin-o-yen-son-50751