Mùa mật ngọt trên đồi
Gió mát se sẽ luồn vào bờ tóc rối để con bé kịp nhận ra một điều tuyệt vời là bốn phía hôm nay đều một màu sương mù. Sực nhớ tới lời hẹn của chúng bạn, con bé ăn quàng bát cơm cá bống kho, giắt dao sau lưng kiểu người đi rừng, xách chiếc làn đan bằng nan cây giang vàng óng và xin phép mẹ lên đồi một buổi. Đầu bản, đếm sơ cũng được tám đứa trẻ trâu. Vừa gặp mắt nhau, chúng ồ lên rồi tranh phần nói. Thằng Ban được bầu làm đại ca, dẫn đường. Cả đội vừa đi vừa đọc vang: 'Ai ăn sim chín lên đồi. Ai ăn ổi chín thì ngồi lại đây'. Mùa hái quả sim chín năm nào của lũ trẻ chúng tôi cũng bắt đầu như thế.
Mùa hái quả sim chín trên đồi (Ảnh minh họa)
Sườn dốc toàn ken đặc vạt guột còi cọc, lá lun sun chỉ cao bằng đầu gối người lớn mà đường mòn leo khó ghê! Lắm đứa chủ quan trượt dép, vồ ếch, sấp bụng là chuyện bình thường. Mẹ tôi bảo, sương giăng khắp núi đồi là để ủ sim chín, ủ đến tầm tám chín giờ sáng thì tan. Nắng đủ sức len xuống khe núi, kéo mây lên đến chỗ bàn cờ, tụ lại dưới chân đèo Ông Tiên. Mây đuổi nhau thành từng dải dài mềm như lụa dần tản ra mờ ảo dưới ánh nắng vàng.
Sim chỉ mọc ở nơi có đủ ánh sáng và gió. Đất càng cằn cỗi, cây càng khỏe khoắn. Mùa hoa nở, đồi Khau Khiêu bạt ngàn màu tím khiến các mế đi kiếm măng giang, măng nứa ở khe suối về đây cũng phải ngây ngất nhìn. Đàn ong rộn lên giục lũ trẻ lên đồi như hôm nay để cùng nhau chia sẻ niềm vui sau bao ngày ngóng đợi. Đỉnh đồi, bãi cỏ may bằng phẳng trải hoa lún phún chực luồn kim may kín ống quần cánh con gái, len đũng quần thằng nào còi còi, bên cạnh những khóm sim. Chúng tôi tản ra, vui sướng: Sim chín nhiều quá, tím ngăn ngắt. Có đứa lại “vồ ếch” vì vấp phải rễ sim duỗi dài. Hái quả đầu tiên, da tay cảm nhận được lớp vỏ mịn như nhung bọc quả căng mọng. Nhanh nhảu, tay trái rứt phần “tai” sim, tay phải bỏ vào miệng. Vị ngọt lịm tan ra đầu lưỡi. Hương quyện mùi nắng, mùi gió. Quả thứ hai, quả thứ ba,... cứ thế đến khi vạt áo nặng trĩu sim.
Chúng tôi hú nhau đến dưới gốc ổi ngồi uống nước. Môi đứa nào đứa đấy xám ngắt, bụng no mòng sim. Ấy vậy, ai cũng dòm sang vạt áo thằng ngồi kế bên chọn quả mọng nhất, nhón tay, cù nách nhau cười lóe xóe. Thằng Ban hô:
- Ổi chín rồi chúng mày ơi!
Tức thì tám cái cổ nghển cao, mắt hau háu, miệng vẫn ăn sim. Có đứa há hốc miệng như chim non chờ mồi. Thoăn thoắt, thằng Ban trèo lên hái cho đồng đội ở dưới gốc chìa mũ hứng quả. Mùi ổi rừng thơm không kém sim. Khi đã no nê, chúng tôi thả số ổi còn lại xuống đáy làn, đội mũ ra dãi nắng hái sim.
Sim chín gặp nắng ăn ngọt đậm. Trời mưa thì nhạt thếch nên ngày mưa, đồi sim vắng bóng người, chỉ có bìm bịp “quan” gọi nhau ụt ụt và tiếng ếch nhái dưới khe suối đồng ca. Những chai nước đem theo đã nhẹ bẫng thì ai nấy cũng tạm hái đủ sim. Thằng Ban nhanh nhẹn nhất nhưng nó không đơn giản như chúng tôi là lấy sim về chia ông bà, bố mẹ, anh chị em, các bạn đợi ở nhà, gửi quà về thành phố theo hành lí người bà con về thăm quê dịp hè. Nó hái nhiều sim để chiều đem ra chợ bán, phụ mẹ gom tiền đong gạo. Bố nó mất sớm, nhà chỉ có hai mẹ con nên nó già trước tuổi. Tôi cũng đã đạp xe theo nó đem sim ra chợ huyện bán. Rá sim tím đợi chờ, ngực thằng Ban phấp phỏng. Mỗi lon sữa bò chất đầy sim được trả hai ngàn đồng. Cầm những đồng tiền đó trên tay, mắt thằng Ban lấp lánh. Cũng có hôm, nó đi chợ gặp cơn giông. Dáng gầy của nó co ro ở góc chợ, đôi mắt buồn thăm thẳm như mây.
Có hôm nó đi chợ về sớm lắm. Nó tạt qua nhà tôi khoe:
- Mày ơi, nay tao gặp khách giàu ú ụ. Ông ấy mua cả rổ sim, cả cái rổ luôn mày nhá. Ông đặt tất cả vào cốp ô tô để đem về ngâm rượu, và cười híp mắt bảo: Rượu sim quý lắm, uống thì bổ máu, sống lâu. Ông cho tao địa chỉ và dặn hái được bao nhiêu thì đem đến tận nhà, tiền nong khỏi bàn. Mai, mày theo tao lên đồi sim nhé, ổi cũng bán được giá lắm. Nó nhảy cà tửng cà tưng, lắc lư cái đầu như con nghé cuồng chân phi ra cổng, bóng nhỏ khuất sau hàng rào đá. Tôi nhìn theo cười nắc nẻ.
Mười năm xa quê, đứa cháu gửi cho dì nó một túi sim chín tím ngắt. Lòng tôi nao nao nhớ về Khau Khiêu...
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-hoc-nghe-thuat/mua-mat-ngot-tren-doi/203635.htm