Mùa 'mật ngọt' trên vùng đất Khe Giao
Giữa mùa hè oi bức, nhiều hộ dân thôn Khe Giao, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) vẫn đang tất bật chăm sóc những đàn ong mật. Thời gian qua, những đàn ong mật đang là chiếc phao 'cứu cánh' trong phát triển kinh tế của mười hộ dân nơi đây. Cũng từ nghề nuôi ong lấy mật đang mở ra triển vọng phát triển kinh tế và thay đổi tư duy sản xuất của người dân địa phương.
Những hộ dân Khe Giao bắt đầu nuôi ong lấy mật mấy tháng nay từ nguồn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Với lợi thế nguồn hoa dồi dào, phong phú như: Nhãn, vải, cây ăn quả, hoa tự nhiên... cùng kỹ thuật chăm sóc tốt nên con ong phát triển tốt, ổn định đàn, cho mật nhiều và hiệu quả kinh tế cao.
Tạo sinh kế cho bà con nông dân
Trước đây bà con thôn Khe Giao, xã Sơn Lộc với nguồn thu nhập chủ yếu từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, những năm gần đây chăn nuôi, trồng cây ăn quả hiệu quả không cao. Nên việc kết hợp nuôi ong lấy mật dưới tán cây vừa không mất diện tích đất bù lại có thêm nguồn thu nhập cho nhân dân.
Về Khe Giao, những ngày cuối tháng 7 những hộ tham gia dự án xây dựng mô hình Hợp tác xã nuôi ong và xây dựng sản phẩm OCOP đang rất phấn khởi bởi sau một thời gian các đàn ong nuôi đã mang lại nguồn thu nhập ổn định. Theo những hộ dân nơi đây, nuôi ong lấy mật đầu tư vốn ít và không vất vả. Khi chăm sóc, người nuôi cần sự tỉ mỉ cũng như nắm được đặc tính của ong sẽ cho kết quả tốt.
Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp dịch vụ Tâm An Nguyễn Văn Kiên, thôn Khe Giao cho biết, “Hiện nay, hợp tác xã có 10 thành viên và tất cả đều tham gia dự án nuôi ong lấy mật. Các gia đình có điều kiện thuận lợi như: Vườn rộng, có tán cây ăn quả, nhất là các hộ này đã từng nuôi ong lấy mật nên có nhiều kinh nghiệm. Mô hình sản xuất này khác hơn so với cách nuôi ong ngày trước. Nếu trước kia người dân địa phương nuôi ong bằng cách bẫy ong tự nhiên sau đó mang về nuôi nhưng sau vài lần khai thác mật, quy trình chăm sóc hạn chế vì vậy phần lớn ong bỏ đi. Từ khi có dự án hỗ trợ nuôi ong và chuyển giao về mặt kỹ thuật giúp các hộ có quy trình sản xuất tốt hơn nên ong cho mật cao, chất lượng tốt”.
Là một trong mười hộ dân tham gia dự án, hiện nay gia đình ông Nguyễn Hữu Tương thôn Khe Giao đang nuôi 50 đàn ong. Chia sẻ với chúng tôi, anh Tương cho biết, “Sau khoảng hai tháng nuôi, đàn ong của gia đình tôi đã cho thu hoạch mật ba lần, mỗi lần cách nhau 20 ngày và đạt 2 kg/đợt/đàn, giá bán khoảng 300 nghìn đồng/lít. Hiện nay, mật ong một phần do gia đình tự tiêu thụ còn lại Hợp tác xã Nông lâm nghiệp dịch vụ Tâm An thu mua”.
Cũng theo ông Kiên, khi tham gia dự án nhân dân được hỗ trợ 50% chi phí con giống cũng như vật tư, thiết bị khác. Nhằm hỗ trợ bà con tham gia dự án, ngay từ khi đưa ong giống về, cán bộ khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh đã hướng dẫn nhân dân từ việc lựa chọn địa điểm đặt tổ, giá đỡ và thường xuyên đến kiểm tra quy trình chăm sóc, thu hoạch mật, nhất là việc dưỡng đàn, giữ đàn khi thời điểm hoa ít. Nhờ đó, các gia đình đã biết cách chăm sóc, giữ đàn trong mùa khan hiếm hoa vì vậy đàn ong không bỏ đi. Đến nay, với 500 đàn ong trong dự án đang phát triển mạnh, cho năng suất cao, bình quân mỗi đàn cho 1,8 đến 2 kg mật/lần thu hoạch. Dự kiến 1 năm sản lượng sẽ thu về 6 đến 7 tấn mật. Giá bán khoảng 300 đến 350 nghìn đồng/lít.
Hướng đến sản phẩm OCOP
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh, dự án xây dựng mô hình Hợp tác xã nuôi ong và xây dựng sản phẩm OCOP với quy mô 500 đàn/10 hộ tham gia tại thôn Khe Giao, sau hai hai tháng nuôi dù thời tiết nắng nóng kéo dài nhưng đàn ong vẫn phát triển tốt, ổn định đàn. Đến nay, các gia đình đã khai thác được ba đợt mật với sản lượng trung bình từ 1,8 đến 2,1 kg/đợt/đàn.
So với cách nuôi ong truyền thống của các gia đình trước đây với nguồn ong giống lấy từ tự nhiên, không thực hiện theo quy trình kỹ thuật và áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: Bổ sung phấn hoa, chống nóng trong mùa hè nên ong thường bỏ đi cũng như sản lượng mật thấp chỉ đạt 0,9 đến 1,1 kg/đợt/đàn. Từ khi được tham gia dự án, các hộ được tập huấn kỹ thuật, có sự hướng dẫn trực tiếp của cán bộ chuyên môn và nguồn ong giống tốt nên hiệu quả cao hơn so với nuôi ong truyền thống trước đây.
Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp dịch vụ Tâm An Nguyễn Văn Kiên, thôn Khe Giao chia sẻ: “Nghề nuôi ong lấy mật ở Khe Giao không mới với nhân dân nhưng phát triển và nâng cao chất lượng đàn ong theo mô hình này đang là hướng đi mới với bà con. Hiện tại thu nhập của bà con từ chăn nuôi, trồng cây ăn quả kết hợp nuôi ong ngày càng ổn định, cuộc sống khấm khá hơn. Hợp tác xã đang hướng đến nhân rộng mô hình để chia thêm đàn nhằm hỗ trợ các hộ gia đình khác trên địa bàn”.
Bên cạnh đó, để tạo dựng thương hiệu mật ong trên thị trường, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp dịch vụ Tâm An đã xây dựng bộ nhận diện sản phẩm mang thương hiệu mật ong Tâm An và đang tham gia chấm OCOP. Các sản phẩm khi đưa ra thị trường đều có nhãn mác, bao bì, tem truy suất nguồn gốc.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho biết, “Mô hình nuôi ong của bà con thôn Khe Giao đang là hướng đi đúng trong phát triển kinh tế. Với mô hình này người dân có thể tăng thêm giá trị bằng việc tận dụng nguồn hoa tự nhiên từ rừng bạch đàn, keo, hoa nhãn, vải, cây ăn quả... Các vùng đất ở đây dự địa để nuôi ong còn rất nhiều nên cần nhân rộng mô hình này để nâng cao thu nhập cho nhân dân. Để việc tiêu thụ được tốt và ổn định, sản phẩm cần bảo đảm tiêu chuẩn cũng như có mẫu mã, bao bì đẹp nhằm thu hút người tiêu dùng”.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mua-mat-ngot-tren-vung-dat-khe-giao-post766072.html