Mua máy in với giá 'cắt cổ', một doanh nghiệp khởi kiện ra tòa
Sau 8 năm trôi qua từ khi vụ khởi kiện bắt đầu, chiếc máy in là nguyên nhân tranh chấp đã hư hỏng đến nay vụ án vẫn chưa có hồi kết.
Dự kiến ngày 29/9, TAND TP.HCM sẽ mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án “Tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa”, giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn (Saigonbook) và bị đơn là Công ty TNHH Thương mại - Tư vấn - Kỹ thuật Sao Nam (Công ty Sao Nam).
Đáng nói, trong vụ án này Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam (Công ty KMV), Công ty TNHH MTV cho thuê tài chính Ngân hàng Á Châu (ACBL) được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Vụ án này đã từng 2 lần bị TAND Cấp cao hủy Bản án phúc thẩm vì những sai sót trong quá trình xét xử.
Theo nội dung vụ việc, giữa tháng 8/2014, Saigonbook ký hợp đồng mua máy in C1070P của nhà cung cấp là Công ty KMV thông qua đại lý là Công ty Sao Nam với giá hơn 1,3 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 10/2014, Saigonbook tiếp tục ký với Công ty Sao Nam mua máy C1100 với giá 3,4 tỷ đồng. Saigonbook đã thanh toán trước hơn 500 triệu đồng. Do kẹt tiền nên Saigonbook, Công ty Sao Nam và Công ty ACBL đã tiến hành ký lại hợp đồng, trong đó có phụ lục để Công ty ACBL cho thuê tài chính thanh toán mua máy.
Sau khi nhận máy và đưa vào hoạt động, Saigonbook nhận ra giá các máy in của mình mua quá cao so với giá thị trường hiện hành nên đã tiến hành khảo sát giá máy in cùng loại trên thị trường.
Qua đó, Saigonbook phát hiện chiếc máy C1070P mà công ty mua với giá hơn 1,3 tỷ đồng thì tại Công ty Giải pháp công nghệ Sài Gòn (một đại lý thương mại khác của Công ty KMV) báo giá chỉ có 760 triệu đồng; còn chiếc C1100 phải mua hơn 3,4 tỷ đồng, thì Công ty Giải pháp công nghệ Sài Gòn bán chưa đến 1,3 tỷ đồng.
Sau khi thu thập chứng cứ, Saigonbook yêu cầu Công ty Sao Nam và Công ty KMV thu hồi máy trả lại tiền.
Sau đó, ngày 14/8/2015, Saigonbook đã trả lại máy C1070P và nhận lại hơn 1,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với máy C1100, Công ty Sao Nam đề nghị làm thủ tục thu hồi máy bằng hợp đồng mua bán, vì cho rằng máy C1100, Saigonbook đã ký hợp đồng thuê tài chính từ Công ty ACBL, máy này là tài sản của Công ty ACBL.
Không đồng ý với yêu cầu của Công ty Sao Nam, Saigonbook cho rằng mình trả máy chứ không bán máy và cũng đã tất toán khoản vay của Công ACBL.
Do cả 2 không đạt được thỏa thuận, Saigonbook đã khởi kiện ra tòa, buộc Công ty KMV và Công ty Sao Nam hoàn trả số tiền mua máy và các khoản thiệt hại với số tiền gần 3,8 tỷ đồng.
Ngày 19/4/2016, TAND Quận 3 đã chấp nhận một phần khởi kiện của Saigonbook, buộc Công ty KMV và Công ty Sao Nam phải trả lại cho Saigonbook số tiền mua máy hơn 3,4 tỷ đồng (không chấp nhận yêu cầu về thiệt hại). Sau đó, cả nguyên đơn và bị đơn đã làm đơn kháng cáo.
Ngày 22/9/2016, TAND TPHCM xét xử phúc thẩm, tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Saigonbook.
Không đồng tình với phán quyết này, Saigonbook đã đề nghị kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm.
Ngày 6/11/2020, Ủy ban Thẩm phán của TAND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ cho thấy ngay từ đầu phía Công ty Sao Nam đã không trung thực trong việc giao kết hợp đồng với Saigonbook. Cấp phúc thẩm xét xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Saigonbook là không có căn cứ, không phản ánh đúng các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án.
Vì vậy, Ủy Ban TAND cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng nghị của Chánh án, quyết định hủy bản án phúc thẩm, đề nghị xét xử phúc thẩm lại.
Tại phiên phúc thẩm lần 2, TAND TP.HCM đã quyết định hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm để giải quyết lại từ đầu.
Saigonbook tiếp tục đề nghị kháng nghị Giám đốc thẩm lần 2, Chánh án TAND cấp cao cũng kháng nghị, đề nghị hủy án bản án phúc thẩm lần 2.
Tại phiên Giám đốc thẩm lần 2, Ủy Ban Thẩm phán nhận định: Hợp đồng kinh tế, Hợp đồng mua bán tài sản và Phụ lục hợp đồng đều vô hiệu do lừa dối. Tuy nhiên, cấp phúc thẩm không tuyên bố các hợp đồng này vô hiệu mà lại hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để giải quyết lại từ đầu là không đúng.
Ngoài ra, Ủy Ban thẩm phán còn chỉ ra rằng, cấp phúc thẩm cho rằng tòa sơ thẩm chưa thu thập đủ tài liệu, chứng cứ về yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn, nhưng vấn đề này thực tế cấp sơ thẩm đã thu thập, chứng từ có trong hồ sơ.
Vì vậy, Ủy Ban Thẩm phán đã chấp nhận đề nghị kháng nghị của nguyên đơn, kháng nghị của Chánh án, hủy toàn bộ án phúc thẩm lần 2, yêu cầu xét xử phúc thẩm lại lần 3.