Mùa mía đắng

Trước tình trạng nắng hạn kéo dài, lãnh đạo huyện Đăk Pơ chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra và thống kê diện tích cây trồng bị thiệt hại để đề xuất các giải pháp hỗ trợ cho người dân.

Thiệt hại hàng ngàn hecta mía

Nắng hạn kéo dài trong suốt những tháng qua làm cho nhiều diện tích mía trên địa bàn Gia Lai, còi cọc, chết khô, thậm chí nhiều diện tích có nguy cơ mất trắng. Tình trạng này khiến nhiều nông dân trồng mía tại Gia Lai đối mặt với thất thu trong niên vụ mía 2019-2020…

Đơn cử, tại huyện Đăk Pơ, K’Bang, thị xã An Khê (Gia Lai), nơi được xác định là vựa mía của Gia Lai. Cây mía tại đây được xem như cây xóa đói giảm nghèo của người dân. Song do ảnh hưởng tình hình biến đổi khí hậu, từ đầu năm 2019 đến nay, thời tiết khắc nghiệt, khô hạn gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc trồng mía, nhiều diện tích mía bị chết khô.

Hàng ngàn hecta mía của người nông dân tại Gia Lai bị thiệt hại năng suất do ảnh hưởng hạn hán kéo dài

Hàng ngàn hecta mía của người nông dân tại Gia Lai bị thiệt hại năng suất do ảnh hưởng hạn hán kéo dài

Tại xã An Thành, huyện Đăk Pơ (Gia Lai), tình hình cũng tương tự. Hai vụ liên tiếp giá mía giảm sâu khiến nông dân lỗ nặng, doanh thu từ bán mía không đủ bù đắp cho hoạt động sản xuất. Trước thực tế đó, nhiều hộ phá mía để chuyển sang cây trồng khác.

Tiếp đó, niên vụ này, bà con nông dân lại đối mặt với nắng hạn, hàng chục hecta mía đang dần khô lá. Bà Nguyễn Thị Hòa, một hộ trồng mía tại địa phương cho hay, từ Tết Nguyên đán đến nay chưa có cơn mưa nào lớn tại đây. Nếu thời tiết thuận lợi, có mưa đều như những năm trước thì thời điểm này, cây mía đã vươn cao đến hơn 2m. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng bởi khô hạn, chỉ còn có khoảng 3 tháng nữa là vào vụ thu hoạch nhưng nhiều diện tích mía hiện còn chưa làm lóng. Mía chưa thể thu hoạch, nông dân cũng chưa thể có tiền trả nợ cho nhà máy. Chưa kể có một số diện tích mía vì thiếu nước, cây cháy khô.

Theo nhiều hộ trồng mía tại huyện Đăk Pơ, với tình hình này, chắc chắn năng suất mía sẽ giảm trên 50%, thậm chí nhiều hơn, gây thiệt hại lớn cho người dân. Ông Lương Thành Công (tổ 1, thị trấn Đăk Pơ) than thở: “Hai năm liên tiếp vừa qua, mía mất mùa, mất giá khiến nông dân điêu đứng”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Pơ, đây là một trong những vùng nguyên liệu mía lớn của Gia Lai, với gần 5.500ha. So với vụ trước, diện tích mía đã giảm trên 2.000ha do nhiều nông dân bỏ mía để chuyển sang các cây trồng khác. Trước tình hình này, các nhà máy đường có nguy cơ không đủ nguyên liệu cho vụ tới.

Tính đến cuối tháng 8/2019, huyện Đăk Pơ có trên 1.769ha mía bị ảnh hưởng do nắng hạn. Con số này đang có khả năng tiếp tục tăng lên.

Chính quyền vào cuộc

Theo UBND huyện Đăk Pơ, trước tình trạng nắng hạn kéo dài, lãnh đạo huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra và thống kê diện tích cây trồng bị thiệt hại để đề xuất các giải pháp hỗ trợ cho người dân. Đồng thời, chỉ đạo ngành nông nghiệp nghiên cứu thực hiện việc khuyến khích nông dân chuyển đổi một số diện tích mía tại các địa điểm không thuận tiện về nguồn nước tưới, sang trồng các loại cây chịu hạn tốt…

Không riêng Đăk Pơ, nhiều diện tích mía trên địa bàn thị xã An Khê và huyện K’Bang cũng rơi vào cảnh tương tự. Xã Tú An (thị xã An Khê) có diện tích mía hơn 1.000ha. Nhiều diện tích mía trên vùng gò đồi đều bị khô héo, còn tại ven hồ, đập thì không phát triển được. Hàng trăm hộ dân trồng mía tại các địa phương này đang rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Cũng như vậy, huyện K’bang có 9.000ha diện tích mía của bà con trồng tập trung tại các xã Đak Hlơ, Kông Pla, Nghĩa An, Lơ Ku và xã Đông... Nắng hạn kéo dài đã gây thiệt hại cho gần 1.400ha mía tại xã Kông Pla. Đây là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất. Tổn thất trong niên vụ 2019-2020 ước tính là 28 tỷ đồng.

Trước tình hình nắng nóng gay gắt, UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo chính quyền các địa phương và ngành nông nghiệp của tỉnh thực hiện các giải pháp để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng, trong đó có cây mía. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các phương án chống hạn, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hạn chế tối đa hạn cục bộ gây thiệt hại cho các loại cây trồng khác.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, do thiếu hụt lượng mưa trong năm 2018, gây ra tình trạng hạn hán trên địa bàn, gây thiệt hại hơn 87,3 tỷ đồng. Để hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại khôi phục sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Tờ trình số 124/TTr-SNNPTNT đề nghị UBND tỉnh Gia Lai báo cáo với Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các bộ, ngành xem xét hỗ trợ kinh phí cho các địa phương bị thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm 2019 đến nay. Theo đó, hỗ trợ về nông nghiệp 4,3 tỷ đồng, thủy lợi 19 tỷ đồng. Hiện các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê diện tích bị thiệt hại để đề xuất hỗ trợ. Trước mắt, các địa phương xuất ngân sách dự phòng để hỗ trợ người dân, nếu vượt quá khả năng thì đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ.

Bài và ảnh Chí Thiện

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/mua-mia-dang-92033.html