Mùa mưa lũ cẩn thận với sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát sau đợt mưa lũ do môi trường sống xung quanh bị ô nhiễm từ nước thải, hóa chất…

Sốt xuất huyết có điều trị tại nhà được không?

Sốt xuất huyết là bệnh lý có thể điều trị tại nhà bởi không phải người nào mắc bệnh cũng cần nhập viện, trừ một số đối tượng có nguy cơ diễn biến nặng. Tốt nhất, trong những ngày đầu, người bệnh có thể điều trị tại nhà với sự giám sát của nhân viên y tế hoặc điều trị ở các tuyến y tế xã, phường.

Khi điều trị tại nhà, người bệnh có thể sử dụng một số cách như dùng thuốc hạ sốt hoặc dùng dung dịch bù nước theo hướng dẫn. Ngoài ra người bệnh cần làm xét nghiệm máu mỗi ngày để theo dõi tiểu cầu. Trong trường hợp tiểu cầu xuống dưới 50g/L thường sẽ có chỉ định nhập viện.

Nếu người bệnh điều trị tại nhà và có những biểu hiện sau thì cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn, đó là những cảnh báo nguy hiểm của bệnh:

- Xuất huyết: chảy máu chân răng, chảy máu cam, rong kinh, xuất huyết dưới da…

- Đau bụng vùng gan;

- Chân tay lạnh;

- Mệt mỏi;

- Tiểu ít.

Bệnh sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Bệnh sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Những điều nên làm khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà

- Chế độ dinh dưỡng là một phần quan trọng trong điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Sốt xuất huyết khiến chức năng gan của người bệnh bị ảnh hưởng, từ đó gây ra việc ăn không ngon miệng. Lúc này người bệnh cần ưu tiên chế biến dưới dạng thức ăn mềm, lỏng để dễ hấp thu, có thể chia nhỏ các bữa ăn. Hơn nữa khi ăn đồ ăn mềm sẽ giúp hạn chế nguy cơ lung lay răng, chảy máu răng khiến người bệnh lo lắng, sợ hãi.

- Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý và bổ sung những dung dịch giúp làm mát cơ thể, hạ nhiệt như nước dừa, nước cam, nước chanh, dung dịch oresol…

- Sau khi mắc bệnh, cơ thể cần được bồi dưỡng để nâng cao thể trạng. Bởi quá trình mắc bệnh có thể khiến người bệnh bị sụt cân nhanh, mất sức, mệt mỏi dài ngày.

Hiện tại đã có vaccine phòng sốt xuất huyết, được phê duyệt sử dụng rộng khắp tại hơn 40 quốc gia.

Hiện tại đã có vaccine phòng sốt xuất huyết, được phê duyệt sử dụng rộng khắp tại hơn 40 quốc gia.

Chăm sóc người sốt xuất huyết tại nhà cần tránh những gì?

- Cần tuyệt đối tránh việc sử dụng thuốc kháng sinh, truyền đạm, dung dịch cao phân tử.

- Hạn chế tắm: Trong lúc bị sốt việc tắm có thể khiến cơ thể bị nhiễm lạnh. Hoặc trong giai đoạn mắc bệnh, người bệnh thấy cơ thể mệt mỏi cũng không nên tắm. Ở giai đoạn bệnh hết sốt cũng là lúc tiểu cầu giảm, người bệnh không nên chủ quan tắm gội vì lúc này có thể xảy ra rối loạn vận mạch khiến cơ thể choáng váng, dễ té ngã. Thậm chí, nếu xảy ra té ngã, chấn thương gây chảy máu sẽ rất khó cầm.

Sốt xuất huyết có thể chữa khỏi hoàn toàn. Thông thường người bệnh sẽ hết sốt sau khoảng 5 ngày và từ ngày thứ 7-8 tiểu cầu sẽ tăng trở lại. Lúc này người bệnh sẽ ăn ngon miệng hơn và bệnh ổn định, có thể xuất viện. Người bị sốt xuất huyết rồi vẫn có nguy cơ mắc lại bệnh. Hiện nay đã có vaccine phòng sốt xuất huyết, bên cạnh việc vệ sinh sạch sẽ môi trường ở để hạn chế muỗi sinh sôi nảy nở thì người dân cũng có thể tiêm phòng.

BSCKII Vũ Hoài Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mua-mua-lu-can-than-voi-sot-xuat-huyet-16924092121083327.htm