Mùa ngủ chòi ở rẫy

Chòi ở rẫy Ma B’ren buôn Ma Đao, xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa. Ảnh: LÊ KHA

Khi lúa trổ, đỗ sắp chín là đến mùa bà con nông dân đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ra ngủ chòi ở rẫy, để canh giữ, ngăn chim muông, thú rừng phá hoại.

Hiện nay, đồng bào DTTS ở các huyện miền núi trong tỉnh vẫn còn tập quán trồng lúa, bắp, sắn và các loại đậu đỗ trên rẫy. Khi cây lúa trổ đòng, trái bắp đóng hạt, cây sắn ra củ, đậu đỗ kết trái…, họ bắt đầu ra rẫy ở cả ngày lẫn đêm để canh giữ chim muông, thú rừng phá hoại hoa màu. Tập tục này có từ lâu đời và được bà con người DTTS duy trì, gìn giữ đến ngày nay.

Tôi vừa có cuộc trải nghiệm cùng bà con dân tộc Chăm ở xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) ngủ chòi ở rẫy trên núi Chư P’Rông cách trung tâm xã khoảng 7km. Trên rẫy có một cái chòi được dựng nơi bằng phẳng, phong quang để dễ bề quan sát. Chòi có diện tích chừng 10m2, như một nhà sàn thu nhỏ, bên trong có một cái bếp, phía ngoài cột võng để ngủ hoặc nằm ngủ dưới sàn. Để canh giữ hoa màu, họ thường làm hình nộm, cung tên treo đong đưa trong gió, để con chim, con két sợ mà bay đi. Ban đêm, thỉnh thoảng họ giật bọ cạp làm bằng gốc tre già chẻ đôi, âm thanh vang vọng để đuổi con chồn, bầy khỉ, đàn heo rừng…

Ngủ chòi ở rẫy buồn lắm, ban đêm chỉ có một mình, chỉ có bếp lửa bập bùng, tí tách suốt đêm là bạn; những đêm mưa thì được nghe dàn hợp xướng của các loài côn trùng, ngoài rừng thì mang kêu, vượn hú gọi bầy, không ai trò chuyện. Chỉ khi có điều gì khả nghi bất an thì họ đánh mõ, gõ thùng thiếc để báo động cho những người cùng ngủ rẫy lân cận biết để sẵn sàng hỗ trợ. Khi thu hoạch lúa, bắp, sắn, khoai xong cũng là lúc những người ngủ chòi về lại nhà. Anh Y Tun ở buôn Ma Đao, chia sẻ: “Khi về nhà, tôi nhớ những ngày ngủ chòi ở rẫy; nhớ hương thơm lúa ngậm sữa, nhớ mùi đất, nhớ sương lạnh, gió núi; thèm nghe tiếng gà rừng gáy gọi ông mặt trời. Buổi tối lại nhớ tiếng mang gọi bầy…”.

TRẦN LÊ KHA

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/233053/mua-ngu-choi-o-ray.html