Mưa nguồn chớp bể
Thư ổng viết: 'Nếu muốn, con về chỗ ba thực tập. Có nhiều chuyện để con viết báo. Ba biết con giận ba. Ngoại không ưa ba. Ba cũng chưa làm hết phận sự của người cha với con. Ba đành mắc lỗi với má con vậy'.
Lá thư ba gửi cho tôi qua tay một người công an phường. Ngoại tôi nhận thư cất biến. Mười ngày sau tôi mới được đọc những dòng chữ nguệch ngoạc xấu như gà bới của ông. Đọc thư, tôi không vui cũng không buồn. “Nó biểu con chi?”, ngoại tôi hỏi. “Biểu con xuống đó thực tập...”. Ngoại mắng: “Đi mần chi. Cả Sài Gòn hổng có chỗ cho con đi làm hay sao mà phải về nơi rừng thiêng, nước độc học việc. Cần bao nhiêu tiền ngoại cho. Hổng đi đâu hết”.
Hổng đi đâu hết! Đây là mệnh lệnh. Tôi lặng lẽ đi lên nhà. Chiếc quạt trần quay tít. Tờ thư của ba tôi bị gió thổi lật liệng xuống nền nhà như một chiếc lá khô.
Trời nóng bức oi ngạt. Mong mưa nhưng những cơn mưa rào đầu mùa chưa tới. Lại cúp điện. Tôi khoác tấm áo chống nóng xuống nhà dắt xe đi. Ngoại tôi tắt tivi, nhìn tôi như một viên cảnh sát theo dõi kẻ tình nghi: “Con đi đâu?”. “Con đi nhảy”. “Ờ, mau về sớm nghe con!”. Nhưng tôi không đi nhảy. Lao vào giữa dòng xe như thác chảy trên đường Cách mạng Tháng Tám, tôi rẽ vào một con đường nhỏ, tìm đến quán cà phê Cây Trúc. Quán ở trong hẻm sâu. Không gian rộng. Có những khóm trúc vàng. Những đôi lứa hay tìm đến đây vừa uống cà phê, vừa trò chuyện. Còn tôi chỉ đến đây một mình. Vào năm học thứ hai, một gã trai bên Đại học Bách khoa Thủ Đức theo đuổi. Ngoại tôi gặp gã lần đầu có vẻ ưng. Đi chơi đến lần thứ ba, tôi nghĩ gã không đáng mặt con trai. Goodbye luôn. Ngoại mắng: “Con tưởng con là con gái đấy hẳn? Ba nó làm to. Giám đốc hay tổng giám đốc chi đó”. “Cái ngữ ấy sớm muộn cũng vô tù, ngoại à”. Má mail về: “Hay con sang đây ở. Má kiếm cho con một anh chàng kỹ sư Mỹ”. Tôi mail lại: “Con không thể đi. Con chăm ngoại”. Động đến ngoại má tôi sợ một phép. Ngoại là pho Phật sống ngự trị trong nhà. Hai cậu tôi còn sợ ngoại. Vừa đúng 100 ngày ông ngoại mất, có mặt các cậu, các nàng dâu và đám cháu nội, ngoại tôi tuyên bố: “Căn nhà này dành cho con Uyên. Nó côi cút, không cha, không mẹ. Tao với ông ngoại nuôi nó từ nhỏ. Nó được hưởng. Thằng Tư, thằng Năm đứa nào thiếu tiền tao cho. Nhà cửa, đất cát các anh các chị cũng chẳng thiếu gì”.
Cậu Tư, cậu Năm tôi đều ở nhà lầu, biệt thự, chủ các doanh nghiệp tư nhân. Chẳng ai có ý tranh giành ngôi nhà cũ kĩ của ngoại và đứa cháu. Nhưng tôi không phải là đứa không cha, không mẹ. Ngoại giận mà rủa sống má tôi và ổng. Má tôi đã đi sang Mỹ những năm “tám mươi” khi phong trào vượt biên đi HO rầm rộ. Ba tôi chưa chết. Bằng chứng là mỗi năm tôi lại có dịp gặp mặt ông vài lần, trong một căn phòng ở chung cư tập thể dưới Chợ Lớn. Tôi ăn với ông bữa cơm trưa ngoài tiệm. Không bao giờ nhìn cho kỹ mặt ông. Không bao giờ hỏi ông làm công việc gì, ở đâu. Trong tờ khai lý lịch, mục nghề nghiệp của ba tôi chỉ vẻn vẹn mấy từ “cán bộ cách mạng, đảng viên Đảng Cộng sản”. Vậy thôi. Có thể, ngay từ khi mới lọt lòng, biết nghe, biết nói, những lời phàn nàn về ba tôi, những lời mắng nhiếc của ngoại đã tạo nên một hình ảnh không đẹp đẽ gì về ổng. Ngoại cấm cửa tôi đến gặp ông. Ngay cái mùi của ông - một lần nào đó xa lơ, xa lắc khi tôi còn nhỏ xíu, ông ẵm tôi đi coi chuồng thú cũng khiến tôi sờ sợ. Nó mằn mặn, tanh nồng. Đầu ông lại húi cua, da nhám nâu... Đã nhiều lần ngồi nhìn ba tôi ăn cơm, đem so sánh với những tấm ảnh chụp của má tôi, chưa bao giờ tôi dám nghĩ đó là một cặp vợ chồng. Ba tôi hệt như một anh nông dân lên thành phố thiệt thà, ngơ ngác, quê mùa, còn má tôi ăn diện như một bà hoàng, kiêu sa và phóng túng. Đã có lần tôi hỏi má: “Sao má không yêu lại lấy?”. “Vì ông đã cứu má trong một lần bị bọn cướp giật xe, lấy túi xách - không có ổng má đã chết”.
“Chị dùng gì?”, cô bé chạy bàn hỏi. “Em cho chị một ly cam vắt”.
Chú tắc kè ngửi thấy mùi thuốc Capri đã lại bò ra. Nó giương đôi mắt nhìn tôi, thè lưỡi chóc, chóc. Thoáng thấy bóng cô bé bê ly cam tới, con tắc kè lại thụt lùi vào đám lá xanh trên tường. Cô bé vừa đi khuất, con tắc kè lại thò nửa thân ra ngó nhìn tôi. Cô đơn. Và lạc lõng giữa những cặp trai gái đưa nhau tới đây. Thức uống chỉ có hai thứ. Sáng ly cà phê đen đá. Chiều cam vắt. Câu chuyện tình của ba má tôi phải nhiều năm sau, khi gia đình nhỏ của tôi tan vỡ, tôi mới hiểu. Má tôi thương ba tôi, nhờ ơn cứu mạng. Còn ngoại tôi, một nhà buôn có hạng lại tìm đến ở cuộc hôn nhân chỗ dựa tinh thần. Có rể là cán bộ cách mạng, buôn bán không ai làm khó dễ. Vả lại má tôi cũng cứng tuổi. Vài ba đám yêu nhưng chẳng đâu vào đâu cả. Sự mãn nguyện của cuộc hôn nhân ấy hẳn đã sinh ra tôi. Nhưng hình ảnh quen thuộc, ám ảnh tôi hàng ngày lại chính là bà ngoại. Trong cơn mơ cũng hiện ra gương mặt ngoại. Ngày tôi còn bé, khóc, ngoại ấn đại bầu vú đã nhám đen, già nua vào miệng tôi để cho tôi nín khóc. “Cha tổ bay, con với cái... để cho tao khổ thế này”. Ông ngoại tôi ngồi nhâm nhi chén rượu với khô mực, cười ngất. Giữa ba tôi và má tôi, tôi nhớ má nhiều hơn. Không hẳn là tuần nào má cũng gọi điện thoại và mail chuyện trò với tôi. Tôi còn được nhìn thấy má với đám con của bà - là những đứa em cùng mẹ, khác cha với tôi - qua màn hình mỏng dính.
Hàng tháng ba tôi gửi tiền nuôi tôi đều đặn vào tài khoản riêng cho tôi. Tôi biết vậy, song tôi vẫn hận ông. Vì sao tôi không rõ, không tự tìm cách cắt nghĩa, lý giải. Bởi tôi được ông bà ngoại và má tôi nuông chiều từ nhỏ. Buồn ít vui nhiều. Vui chuyện học hành, vui thầy vui bạn. Vui với ngôi nhà ấm cúng của ngoại, luôn thơm thoảng mùi hương trầm trên bàn Phật. Chỉ cần thoáng nhìn thấy bóng ngoại tôi ngồi lặng im, tụng kinh, vào mỗi buổi chiều, tôi cảm thấy cuộc đời mình không cần gì khác. Chẳng cần yêu. Tôi đẹp và giàu có. Một cô nhà báo tương lai. Đám con trai phải tìm đến tôi như lũ ong tìm đến hoa. Ấn tượng về những nụ hôn của gã trai học đại học năm thứ hai với tôi cũng đã hết. Nhiều khi tôi lại còn ám ảnh kinh kinh vì cái mùi nước hoa lạ của gã. Con Hoa bạn học, mắng: “Mày là con rồ”. “Rồ cũng mặc tao. Tao ghét tụi con trai. Tao ghét yêu thì sao nào?”. “Thèm vào nói với mày nữa. Chán bỏ mẹ. Có đi nhảy với tao không? Có một sàn mới khai trương ở quận I”. “Dẹp... Tao đi uống cà phê”. Con tắc kè già làm bạn với tôi đã gần 2 năm. Đến quán Cây Trúc dù sáng hay chiều, ngửi thấy mùi thuốc lá của tôi, y như rằng nó bò ra hầu chuyện. Thủy chung như một cái bóng. Không vô hình mà hiện hữu. Không thóc mách, đặt chuyện. Không bợ đỡ, xu nịnh, chạy chọt để kiếm lợi. Lại im lặng ít nói. “Chóc! Chóc!”. Bạn tắc kè của tôi chỉ nói vậy, khi vui. Còn bữa nào tôi buồn, tắc kè vàng chỉ thò đầu ra, giương đôi mắt nhìn tôi như an ủi, chia sẻ.
Rốt cuộc, tôi có nên đi miền Tây một chuyến hay không. Bài luận văn tốt nghiệp vài ba bài báo mang tính ghi chép, phóng sự về những tai nạn giao thông, công trình xây dựng kém chất lượng xuống cấp; một gương sáng lao động tôi có đủ sức hoàn thành cho một kỳ thi. Nhưng vậy thì nhàm chán quá. Nhàm chán như gương mặt anh cán bộ giáo vụ ở khoa tôi, suốt ngày dí mắt vào cái màn hình để đọc tin tức. Mải mê đến nỗi không hay thằng con trai dính nghiện, cô vợ ngoại tình. Nhàm chán cả chính tôi, mỗi khi thấy tên mình đính kèm vào một bài báo. Trong lúc ngoại tôi sung sướng, tự hào. Mua liền một lúc cả chục tờ báo có in bài của cháu gái đi khoe hàng xóm. “Bài của cháu Mỹ Uyên đó”, bà coi, chị coi...
2. Chiếc phi cơ chở khách chỉ đủ chỗ cho 30 người, kể cả hai chú phi công. Cô tiếp viên ngồi trên chiếc ghế nhựa. Đây là loại máy bay của công ty dịch vụ hàng không đi khảo sát địa chất, dầu khí, phát hiện cháy rừng... nay đem ra chở khách đường ngắn. Tiếng động cơ như xe tăng. Lại bay chậm rì.
Chưa bao giờ tôi vượt qua ranh giới bờ nam sông Vàm Cỏ Đông nên đây là chuyến đi xa nhất của tôi về lục tỉnh. Những cuộc đi chơi với bạn bè, nghỉ lễ, nghỉ tết, tôi thường đi Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt. Hình như khí hậu biển, vùng núi hợp với tôi. Còn người dân xứ ruộng, ngày nào tôi chả thấy họ nhan nhản ở bến xe, ở chợ, trên phố.
Mới bước chân ra khỏi cửa nhà ga đã có hai người công an đứng chờ tôi.
“Chị là Mỹ Uyên, con gái chú Ba Hoàng?”. “Dạ phải!” Tôi nhìn họ với ánh mắt e ngại. Chả lẽ tôi bị bắt?. “Các anh là ai?”. Một người trong số họ đáp: “Tôi được chú Ba cử lên đây đón chị về trại...!”. “Vậy ba tôi đâu?”. “Chú Ba bữa nay họp ở tỉnh!”. “Lại họp!”. Tôi làu bàu tỏ vẻ khó chịu. Nhưng tôi không thể làm mặt giận với hai người khách lạ.
Chỉ đến khi ngồi yên vị trong chiếc Toyota phả lạnh tôi mới xua tan chút bực bội. “Giờ ta về đâu... chú?”. Anh công an đeo quân hàm trung úy đưa mắt nhìn anh lái xe. Cả hai mỉm cười. Anh trung úy bảo: “Anh thôi... Đây chưa có ai đáng được gọi là chú. Tôi là Quân còn anh đây (chỉ người lái xe) tên Bảo, tay lái lụa thân cận của chú Ba Hoàng, đó chị”. Tôi cũng chẳng vừa: “Em thôi. Tui thua tuổi hai anh. Các anh là sĩ quan ăn lương nhà nước. Còn tôi đang xài tiền ngoại”. “Một đều nghe Quân”, anh lái xe cười vang. Người tên Quân đỏ mặt chống chế: “Nghe bảo em là nhà báo”. “Sắp thành nhà báo thôi”. “Xinh đẹp lại lanh như em mà làm nhà báo, khối anh chết”. Đến câu này tôi tạm chịu thua. Chả biết anh ta khen tôi đẹp thật hay đùa. Tôi hỏi: “Các anh định đưa tôi đi đâu?”. “Về trại giam!”, Quân đáp và nhìn tôi. Tôi hét lên:
- Về trại giam?
Họ đưa tôi về trại giam thật! Nói cho đúng tên đấy là trại cải tạo phạm nhân đã thành án. Hóa ra cái “ổng” mà tôi gọi bằng ba ấy là đại tá - giám đốc trại cải tạo. Hèn chi khi nghe tôi hỏi ba tôi là chức gì, cả Quân và Bảo đều phá lên cười. Họ cười tự nhiên, hồn hậu. Cười sặc sụa chảy cả nước mắt, nước mũi khiến cho Bảo phải dừng xe cho mọi người xuống nghỉ xả... cười. Họ vừa cười, vừa hỏi trêu lại tôi: một cô nhà báo, vài ba tháng cha gửi tiền về chi cho ăn học, ông đến chức vụ, công việc gì, con gái cũng không biết. Hay thiệt! Tôi giấu bặt chuyện từ nhỏ tôi sống với ngoại và chỉ biết có ngoại. “Quả thật, em không quan tâm”, tôi đánh trống lảng. Nhìn kỹ Bảo và Quân, hai chàng trai chưa vợ được lệnh đi đón tôi, cũng chẳng đến nỗi nào. Bảnh trai, da rám nâu, vóc dáng khỏe mạnh gấp mấy thanh niên thành phố. Trong lúc hai anh lính hút thuốc, tôi nằm đu đưa trên chiếc võng uống nước dừa. Cặp sát bên đường là con kinh chạy dài. Một bên, hút tầm mắt là cánh đồng cỏ lác, cây tràm của vùng rừng U Minh nổi tiếng.
Trên đường về, hai anh lính tỏ ra rất vui vẻ với tôi nhưng ra giữa họ và tôi là một khoảng cách. Tôi là người thành phố. Họ là dân trong đồng, lính của ba tôi... “Đi còn bao xa nữa mấy anh ơi...!”, tôi cố bắt giọng thân tình. “Em có nhìn thấy cái chỏm rừng xanh kia không... Ta ở chỗ ấy”. Theo tay Quân chỉ, tôi chỉ nhìn thấy một đụn mây đen phía chân trời và phơ phất mấy cụm lá dừa. Chớp nhì nhằng. Không gian oi ả. “Thôi ta đi kẻo trời nổi giông”.
Giấc ngủ kéo dài 3 giờ đồng hồ làm cho tôi lại sức. Ai đó đã để sẵn trong buồng tắm khăn mặt, xà bông, dầu gội đầu. Không thể tin được, giữa một khu trại giam ở sâu trong rừng tràm lại có được một phòng khách sang trọng, ấm cúng như thế này. Dòng nước mát làm cho tôi tỉnh táo. Người ta nói ở vùng này nước ngọt hiếm như gạo. Nhưng nước ngọt lại có dư cho con gái giám đốc tắm giặt. Tôi bước ra phòng khách. Bộ xa lông bằng gỗ nóng bỏng. Phích nước, bộ ấm trà sạch sẽ tinh. Có sẵn cả nước khoáng. Một cửa kế phòng khách có tấm bảng đề: Phòng Giám đốc. Ba tôi ở đây? Không một chút ngần ngại tôi đẩy cửa bước vào. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi chính là tấm ảnh bán thân của tôi phóng to bằng nửa cái bàn trà phòng khách. Rồi tấm ảnh chụp má tôi. Má đứng trên đầu mũi thuyền. Dù chỉ mặc bộ đồ bà ba đen, khoác khăn rằn vẫn không giấu được vẻ đẹp kiêu sa của má tôi. Tấm ảnh má chụp nghiêng. Chân bước xuống thuyền, nhưng còn ngoái lại nhìn về bờ. Phía sau lưng bà, tôi thấy cả tấm lưng của ông dượng, tay xách chiếc vali. Chưa bao giờ tôi được thấy tấm ảnh này. Trong phòng còn có một tủ sách, chiếc tivi, chiếc đài bán dẫn, vài bộ quần áo treo trên mắc. Một chiếc tủ gỗ thường. Chiếc giường của ba tôi là giường một, rộng một mét. Chăn mùng xếp gọn gàng, vuông vức như tấm gạch.
- “Em ra ăn cơm kẻo nguội!”.
Tôi giật bắn người, quay phắt lại. Một người phụ nữ lối ngoài 30 tuổi, trẻ và đẹp mặc bộ đồ lụa màu xanh nhạt nhìn tôi. “Chị...”. Tôi ấp úng như kẻ trộm bị bắt quả tang. “Chị là người giúp việc cho Ban quản lý trại. Chị mang cơm lên cho em...”. “Sao không để em xuống ăn?”. “Ăn bếp tập thể hử? Đâu có được. Chú Ba cũng thường ăn cơm ở đây”. “Ba em đâu chị Hai... Xin lỗi tên chị là gì?”. “Chị là Tư Ngọc. Ba em điện về, đêm nay ông phải họp với đoàn cán bộ Trung ương vào. Em sẽ ăn nghỉ ở đây, cứ tự nhiên như ở nhà. Chị và cán bộ Quân sẽ đưa em đi thăm trại, đi chơi trong vùng để em lấy tư liệu viết bài... Em là nhà báo hả?”. Tư Ngọc nói một hơi. Tôi hiểu đêm nay tôi được sống một mình.
Cơm nước vừa xong đã có khách tới thăm nhà. Họ là cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở trại cải tạo. Nghe tin có con gái Ba Hoàng ở thành phố lên thăm cha, vợ chồng con cái ghé chơi thăm hỏi sức khỏe của tôi. Có nhiều người tới như có ý muốn coi mặt cô con gái rượu của giám đốc. Tôi nửa ngỡ ngàng nửa e thẹn. Chị Tư Ngọc đã làm một việc mà tôi phải cám ơn chị. Chẳng biết tự lúc nào, chị Tư đã mua sẵn kẹo, bánh. Chị bày ra đĩa và mời khách, như thể đây là quà của tôi mời khách. Tôi thiệt xấu hổ, hiểu ra sự vô duyên, vô ý của mình.
Quãng hơn 9 giờ khuya, vãn khách. Tôi nài nỉ “Chị Tư đêm nay ngủ lại đây với em”. “Để chị xin phép đã...”. Chị xin phép ai tôi không biết nhưng lúc sau thấy chị ôm mền vào phòng. “Em có đói muốn ăn gì, bảo chị”. “Em không muốn ăn...”. Nghĩ sao, tôi hỏi chị Tư “Ba em là người thế nào chị?”. Chị Tư tròn mắt nhìn tôi. “Sao em hỏi kỳ vậy? Em là con gái của chú Ba, mà không hiểu ba là người như thế nào ư?”. “Từ nhỏ em đã sống xa ba má...”. Chợt chị Tư hỏi tôi “Em nghĩ chị là người thế nào?”. Không chút đắn đo, tôi đáp: “Chị là người phụ nữ đẹp. Lại tốt bụng nữa. Chỉ có điều em không hiểu, thành phố thiếu chi việc làm mà chị lại xin vô đây làm việc?”. “Em có tin chị 8 năm ngồi tù ở trại giam này không?”. “Chị là tù nhân?”. “Còn khủng khiếp hơn cả tù nhân...”. “Chị nói chi ghê vậy?”. “Đã có thời chị là chủ sòng bạc, là bà chủ năm chục cô gái xinh đẹp như hoa hậu... Vàng, đô la chị cất trong két sắt... Chỉ đến khi sòng bạc vỡ, nhà chứa bị công an hốt gọn trong một đêm. Hai tay chị tra vào còng số 8, chị nghĩ vậy là hết. Chấm dứt tất cả Tư Ngọc. Em có biết ai là người lôi chị ra khỏi cái chết không? Vào tù được ít tháng, vừa buồn, vừa tiếc của chị treo cổ tự tử. Chị sao chịu đựng nổi 8 năm sống trong dãy nhà tù nằm lọt thỏm giữa vạt rừng tràm này. Bao quanh là kênh rạch, là thép gai và lính gác. Khi chị tỉnh dậy, vẫn chưa tan nguôi ý nghĩ phải tự tử. Chị giằng lấy cái ly thủy tinh của cô y tá đập bể miệng và đâm vào cổ. Chính lúc ấy, một bàn tay cứng như thép cầm lấy tay chị. Thêm một cái tát đau điếng, nổ đom đóm mắt. Người đàn ông ấy xé toang chiếc áo để lộ ra những vết sẹo chằng chịt trên ngực. Người ấy hỏi chị: “Cô có biết trong người tôi bị đứt mấy khúc ruột không? Tôi chịu đau đớn cũng là để cho những người khốn khổ như cô được sống. Đạn Mỹ khi đánh vào đồn Năm Căn đấy. Người đàn ông ấy là cha cháu đó. Uyên ạ...”.
“Vậy mà cháu chưa nghe ai nói...”. Tôi nói nhỏ. “Má cháu không biết. Ngoại cháu càng không muốn biết.
Nhưng hơn 2.000 người tù đã từng sống ở đây ai cũng biết chuyện đó. Và còn nhiều chuyện động trời khác nữa”.
3. Một ngày trời, Quân và chị Tư Ngọc đưa tôi đi thăm khu trại cải tạo để lấy tài liệu. Tôi thật không ngờ khu trại cải tạo rộng đến như vậy. Những cánh rừng tràm, cây keo, cây bạch đàn được chia lô, chia khoảnh. Có chỗ cây mọc cao cả chục thước rậm rạp như rừng. Có chỗ cây mọc mới quá đầu người. Rừng cây bao lấy những dãy nhà lợp tôn chống nóng dành cho phạm nhân ăn ở, sinh hoạt. Những dãy giường thẳng tắp, chăn mền quần áo, túi sách gấp gọn gàng, để trên giá. Dãy nhà ăn, hội trường rộng thênh thang chứa được vài trăm người. Cánh đồng nước mặn được cải tạo thành nơi nuôi tôm, cá kéo dài từ bờ kênh vào tới chân bìa rừng U Minh. Một đầm nước rộng hàng chục ha được cải tạo thành hồ nuôi cá. Quân bảo với tôi, vùng này khi xưa là căn cứ kháng chiến của tỉnh huyện. Ngày mới về đây lập trại, hàng tháng trời công binh phải rà gỡ bom mìn. Có những trái bom hàng vài trăm cân, được tháo đầu nổ, thuốc bom biến thành cái kẻng lớn treo ở đầu nhà trực ban. Dấu tích còn lại của khu căn cứ cũ còn lại giữa hồ là một đảo nhỏ, dừa nước mọc xanh. Chị Tư Ngọc khoe: “Cô tham gia đào cái hồ nuôi cá này. Ba cháu và các chú cán bộ ở trại cũng xuống đào ao với phạm nhân. Có ngày bắt được cả tạ cá, rắn, rùa, ba ba bán cho nhà bếp. Ngày ấy chú Quân chưa về đây, phải không?”. “Dạ phải... em về đây năm 95”.
Tôm cá của trại sản xuất được, ăn không hết. Trại có hẳn một xưởng chế biến thủy sản xuất khẩu. Công nhân của xí nghiệp đa phần là người đã mãn hạn tù, được dạy nghề, tình nguyện ở lại lao động, một số khác là tù nhân án phạt nhẹ. Một xóm dân cư mới hình thành chạy dọc bờ kênh. Họ là những phạm nhân hết án, quen biết nhau trong những ngày lao động ở trại nên vợ nên chồng. Họ sinh con đẻ cái lập nghiệp trên mảnh đất này.
Tôi và Quân ngồi uống cà phê ở căng tin. Chị Tư Ngọc đến nói chuyện với một người đàn ông mặc đồ kẻ sọc, là công nhân ở Xí nghiệp đông lạnh xuất khẩu. “Bồ của chị Tư đấy em”. Quân bảo tôi vậy. “Ở đây, họ cho phạm nhân lấy nhau?”. Tôi ngạc nhiên hỏi. Quân cười bảo: “Lấy nhau thì chưa được, nhưng yêu nhau thì chả cấm. Em có biết anh ta là ai không. Mười Khoan - một tướng cướp khét tiếng trên các kênh rạch miền Tây những năm tám mươi đó”.
Tôi đeo kính để nhìn cho rõ mặt kẻ đã từng cướp của, giết người, có lúc bị đưa lên mặt báo. Mười Khoan có gương mặt hầm hố, tóc húi cua, một vết sẹo chém ngang mặt. Quân đùa: “Em muốn viết truyện trinh thám nên tìm hiểu Mười Khoan”. Hồ sơ về anh ta trại cũng có.
Bữa trưa, trong lúc ăn cơm với chị Tư Ngọc, tôi dè dặt hỏi chị về Mười Khoan. Chẳng dè, chị nói ngay: “Anh Mười tội lắm em à! Sinh viên năm thứ hai trường luật đó. Bị bạn bè rủ rê, túng quẫn cực khổ vì phải nuôi mẹ, nuôi em làm liều...”. “Ảnh chừng nào mới mãn hạn mà chị dám yêu?”. “Còn năm năm nữa. Nhờ cái vụ cứu sống ba mẹ con cô Tư Năm Căn trong vụ cháy rừng tràm mà anh Mười được cán bộ khen thưởng, nhà nước giảm án. Chị sẽ chờ ảnh tới ngày đó...”.
Năm năm là 1.800 ngày. Chao ôi, thời gian thiệt là dài... Cuộc đời tôi hẳn là có nhiều biến động... Vậy mà chị Tư chỉ có mỗi một việc là lao động và chờ đợi ngày mãn hạn tù của người yêu. Tôi chợt thấy mình thật nhỏ nhoi, hèn kém trước mặt người phụ nữ xinh đẹp, từng trải và lấm láp bụi trần.
Mãi tới khuya, ba tôi mới về. Nghe tiếng ô tô ngoài đường lộ. Cánh cửa sắt rít lên ken két. Và tiếng người lính gác “Chào thủ trưởng”. Giọng ba tôi: “Con gái tôi đâu?”. Một giọng khác, có lẽ là của anh sĩ quan trực ban: “Cô Hai nghỉ ở phòng khách”. Một luồng gió mát tràn vào trong phòng. Tôi nằm im vờ ngủ. Hình như ba tôi hé cửa màn nhìn tôi, rồi ông lặng lẽ quay ra. Phảng phất trong phòng có mùi hoa. Ai đã đặt lên bàn tôi một bình hoa sen đỏ thắm.
Tôi đoán ba tôi đã ăn uống, tắm táp xong. Tôi băng qua phòng khách đẩy cửa vào phòng ông. Ông đang ngồi lặng lẽ nhâm nhi ly rượu đế. “Ba... Con chào ba!”. Ba tôi quay lại hơi giật mình. Ông đứng dậy và đỡ tôi: “Con gái của ba!...”. Tôi nhìn rõ ngấn nước mắt trong đôi mắt đã chớm vẻ già nua của ông. Còn tôi, tôi cũng không cầm được nước mắt. Nước mắt của đứa con nít biết lỗi và nhận ra được giá trị thật của cha mình. “Tấm hình này ai chụp cho ba?”, tôi chỉ vào tấm ảnh của má tôi. “Ba chụp cho má. Ngày má và dượng con xuống tàu ra biển”. “Ba biết má đi mà không cản? Ba không hận má sao?”. Tôi hỏi giọng có ý trách móc. Ba không nhìn tôi mà lại nhìn ra cửa sổ. Ngoài trời tối đen. Chớp nhì nhằng phía chân trời xa. Hình như có cả tiếng sấm. Mãi sau ba tôi mới nói, giọng ông trầm hẳn xuống: “Sao lại hận má con? Má con đã không còn yêu ba sau lúc con mới tròn một tuổi. Ba biết hết nhưng ba im lặng. Ba có thể đem lại cho má con tình yêu, nhưng công việc của ba, lương tâm ba không thể đem lại cho má con sự giàu sang, hạnh phúc!”. “Ba nghĩ vậy sao ba?”. “Đấy là sự thật con gái ạ. Ngày ấy, ai cũng khổ. Mà ba thì công việc không cho phép mình được ở gần gũi chăm sóc má và con”. “Bao nhiêu năm ba vẫn sống như vầy sao?”. “Ba đã có con, còn hạnh phúc nào lớn lao hơn... Để có được ngày hôm nay đâu có dễ con...”. Lúc lâu sau tôi mới nói được câu này. “Con cũng có lỗi với ba...”. Ba tôi không nói gì chỉ lặng lẽ đưa tôi trở lại phòng. Nhưng tôi không ngủ lại được. Phòng bên, ba tôi húng hắng ho. Buổi chiều đưa tôi đi coi vườn chim, chẳng hiểu sao chàng Quân nói nửa đùa, nửa thật: “Mai mốt em về thành phố rồi... Nhiều người ở đây nhớ em lắm đó nghe...”. “Rồi em sẽ trở lại”, tôi nói cứng - ở đây có nhiều chuyện hay lắm. “Uyên có biết, những người lính làm quân chú Ba Hoàng nói chơi với nhau sao không? Tù nhân còn có hạn để về, còn ở đơn vị có anh chị đã sống vài chục năm qua các trại giam... Rất may, ở đây đất lành chim đậu”.
Như thể có tiếng chim vỗ cánh ngoài cửa sổ. Vườn chim cách chỗ này không xa. Tôi đã được tận mắt nhìn những con cò, bồ nông, cốc đậu đen đặc trên những tán cây xanh rợp. Buổi sáng bầy chim bay ra biển, vào các bãi sình lầy kiếm ăn, hoàng hôn chim lại kéo về tụ hội, kêu vang cả một góc rừng... Gió đổ ào ào ngoài sân. Đám lá chuối xao xác. Lắc rắc những hạt mưa gõ mạnh vào mái tôn. Mưa to đêm nay những con chim trú ngụ vào đâu?
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202002/mua-nguon-chop-be-2987918/